Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 12/10: Hàng nghìn loại thuốc chữa bệnh được Bộ Y tế gia hạn
D.Ngân - 12/10/2023 10:36
 
Trong số 1.017 thuốc vừa được gia hạn số đăng ký, có các thuốc điều trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường, thuốc kháng virus, các loại vắc-xin.

Gia hạn hơn 1.000 loại thuốc

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa công bố quyết định gia hạn giấy đăng ký lưu hành hơn 1.000 loại thuốc sản xuất trong nước phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch.

Ảnh minh hoạ.

Cụ thể, trong số 1.017 thuốc được gia hạn số đăng ký lần này có 918 sản phẩm gia hạn 5 năm, 99 sản phẩm còn lại gia hạn trong thời gian 3 năm.

Theo Cục Quản lý Dược, các sản phẩm thuốc được gia hạn số đăng ký lần này khá đa dạng, gồm: các thuốc điều trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường, thuốc kháng virus cũng như các thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vaccine, sinh phẩm.

Như vậy, tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc ở nước ta còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay khoảng trên 22.000 loại khác nhau.

Liên quan đến việc đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã tiến hành đàm phán giá nhiều loại thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, tới đây, Bộ sẽ tiến hành đàm phán giá khoảng 100 loại thuốc khác. Về thuốc đấu thầu tập trung theo báo cáo của Sở y tế và nhà thầu thì việc cung ứng đáp ứng 97%.

Danh mục đàm phán giá chia thành các nhóm: Biệt dược gốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch, biệt dược gốc chống nhiễm khuẩn, biệt dược gốc điều trị tim mạch, biệt dược gốc chứa Insulin và điều trị tiểu đường, biệt dược gốc tác dụng trên đường hô hấp, biệt dược gốc tác dụng đối với máu.

Đây là những thuốc có nhu cầu lớn tại các cơ sở y tế công lập và có giá trị sử dụng trên 100 tỷ đồng/năm.

Về giá thuốc theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, thông qua đấu thầu, đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho quỹ bảo hiểm y tế (theo báo cáo của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, thông qua đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2022).

Tổng giá trị thuốc trúng thầu giảm 17,98% (giảm 1.419 tỷ) so với giá kế hoạch), giúp cho giá thuốc tại các cơ sở y tế được kiểm soát chặt chẽ, thống nhất tại từng địa phương, một số mặt hàng giá thuốc được thống nhất trên toàn quốc. 

Giá thuốc biệt dược gốc tại Việt Nam thuộc vào hàng thấp nhất ASEAN ở hầu hết các nhóm thuốc điều trị chính.

Cụ thể, nhóm thuốc tim mạch: thấp hơn Malaysia 12%; thấp hơn Thái Lan 146%; thấp hơn Indonesia 90%, thấp hơn Philippines 52%; Nhóm thuốc điều trị ung thư: bằng Malaysia; thấp hơn Thái Lan 76%; thấp hơn Indonesia 51%, thấp hơn Philippines 50%). 

Tỷ trọng sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các cơ sở y  tế tại Việt Nam là 11%, thấp hơn Malaysia (36%), Thái Lan (21%), Philippines (21%).

Mặt khác, thông qua việc triển khai các quy định ưu đãi trong mua thuốc tại Luật Đấu thầu, Thông tư số 03/2019/TT-BYT ngày 28/3/2019 giúp cho tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tại các cơ sở y tế đã tăng lên hơn theo từng năm và tỷ lệ này cao hơn tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Cụ thể, tỷ lệ (%) trị giá thuốc sản xuất trong nước/tổng trị giá thuốc trúng thầu năm 2019 là 26,29; năm 2020 là 27,16; năm 2021 là 31,97. 

Qua hoạt động rà soát sơ bộ giá thuốc kê khai trước khi công bố (thực hiện theo quy trình tiếp nhận, rà soát và công bố giá thuốc kê khai, kê khai lại trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, qua đó giá thuốc kê khai được kiểm soát, không có hiện tượng tăng giá đột biến).

Giá thuốc kê khai, giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược giúp cho các đơn vị tham khảo trong quá trình xây dựng giá kế hoạch tại các kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Cụ thể, tổng số lượng mặt hàng thuốc có giá kê khai được công bố đến hết năm 2022 là: 65.452 thuốc (tăng 1.446 thuốc so với năm 2021, tăng 3.359 thuốc so với năm 2020 và tăng 5.980 thuốc so với năm 2019) và số lượng mặt hàng thuốc có giá trúng thầu được công bố qua các năm như sau: Năm 2020: 93.733; năm 2021: 85.486 và năm 2022:81.063.

Hoại tử chân vì lạm dụng thuốc Nam

Một người bệnh trẻ tuổi bị đau khớp, đã tự kết hợp nhiều loại thuốc đông y, tây y để điều trị, đến khi chân xưng to, đau nhiều, đi khám tại Bệnh viện phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, có nguy cơ hoại tử cẳng chân.

Người bệnh T.T.N 32 tuổi trú tại Việt Trì. Cách thời điểm nhập viện 4 tháng, người bệnh có biểu hiện đau từ ngón chân lên khớp gối, đã đi khám tại nhiều bệnh viện và phòng khám khác nhau, được chẩn đoán gout, tràn dịch khớp gối, viêm khớp dạng thấp.

Sau đợt điều trị theo đơn, tình trạng bệnh chưa đỡ. Người bệnh đã tự mua thuốc vừa uống, vừa nhờ người tiêm, kết hợp dùng thuốc Nam để điều trị với tâm lý “Đông - Tây y kết hợp sẽ khỏi nhanh hơn”.

Nhưng hiệu quả chưa thấy, chân phải của người bệnh ngày càng sưng to, phù nề, gây đau đớn, đi lại khó khăn. Vì vậy, người bệnh đã đến khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Tại Bệnh viện, người bệnh N. được chỉ định thực hiện các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang, cộng hưởng từ… Kết quả thăm khám cho thấy người bệnh bị tụ máu, hoại tử cơ dép cẳng chân phải-viêm và tràn dịch khớp gối hai bên, gout.

Người bệnh đã được hội chẩn bởi các bác sỹ chuyên khoa chấn thương, xác định hoại tử cẳng chân có nguy cơ lan rộng nếu không được can thiệp điều trị sớm và đúng cách.

Sau khi hội chẩn, người bệnh được chỉ định phẫu thuật dẫn lưu ổ dịch làm sạch phần hoại tử cơ, duy trì kháng sinh, thay băng hàng ngày kết hợp tập phục hồi chức năng cải thiện khớp gối.

3 ngày sau phẫu thuật, người bệnh đã ổn định, có thể đi lại nhẹ nhàng, dự kiến thời gian điều trị để ổn định với cẳng chân có thể mất >10 ngày; riêng với tình trạng gout và viêm tràn dịch khớp gối hai bên quá tình điều trị phải lâu dài, cần kết hợp điều trị thuốc với phục hồi chức năng khớp.

Ths. Nguyễn Minh Đức, Khoa Chấn thương 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, đây là ca bệnh khá phức tạp, người bệnh có chảy máu, tụ máu trong cơ cẳng chân, gây chèn ép dẫn đến hoại tử một phần cơ, ngoài ra người bệnh có bệnh nền viêm khớp, tràn dịch khớp gối, gout.

Việc điều trị cần phải dẫn lưu ổ tụ máu, giải phóng chèn ép, làm sạch những phần hoại tử, kết hợp với dùng thuốc điều trị chống viêm cũng như các biện pháp phục hồi chứng năng mới có thể cải thiện lại được khả năng vận động của chân.

Bác sĩ cũng khuyến cáo khi có những triệu chứng của đau cơ, đau khớp người bệnh không nên tự ý mua thuốc hoặc kết hợp các loại thuốc hay các phương pháp điều trị với nhau mà không có chỉ dẫn của thầy thuốc; điều này rất nguy hiểm có thể không có tác dụng điều trị bệnh mà còn làm tiến triển của bệnh năng thêm vì không được điều trị đúng cách, tệ hơn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Do vậy, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, khi có vấn đề về sức khỏe, người bệnh cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được các bác sỹ khám và tư vấn điều trị.

Việc sử dụng thuốc cũng cần tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc, có nhiều bệnh không phải dùng một liều thuốc mà đã khỏi ngay như các bệnh về cơ xương khớp, bệnh thần kinh… Khi hết đợt điều trị chưa đỡ cần đến viện khám lại để các bác sỹ có điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư