Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 12/11: Nâng cao khả năng điều trị, dự phòng các bệnh lý tiêu hoá
D.Ngân - 12/11/2022 09:38
 
Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam vừa phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức Hội nghị khoa học tiêu hóa toàn quốc lần thứ 28.

Nâng cao khả năng điều trị, dự phòng các bệnh lý tiêu hoá

Hội nghị được tổ chức với mục đích cập nhật kiến thức, tìm hiểu những tiến bộ mới trong nghiên cứu dịch tễ học, chẩn đoán, chẩn đoán sớm, điều trị, dự phòng các bệnh lý tiêu hoá cũng như các biện pháp nâng cao chất lượng chăm sóc y tế, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực này.

Theo thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng gần 18.000 người mắc ung thư dạ dày, trong đó 15.000 trường hợp tử vong; 16.000 người mắc ung thư đại trực tràng và có đến hơn 7.000 người chết vì căn bệnh này.

Hiện nay, những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày thực quản, ung thư gan mật tuỵ, ung thư đại trực tràng ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa tại Việt Nam.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: BV Gia ĐỊnh

Thực trạng này đòi hỏi sự quan tâm đầu tư nghiên cứu về những căn bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ngày càng sâu và chất lượng hơn để góp phần chẩn đoán sớm, điều trị và dự phòng hiệu quả, giúp giảm gánh nặng bệnh tật của bệnh lý tiêu hóa.

Ban tổ chức hội nghị đã nhận đựợc nhiều báo cáo có nội dung cập nhật trên nhiều lĩnh vực chuyên sâu của chuyên ngành tiêu hóa, và nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.

Tại hội nghị có 108 báo cáo với 9 chuyên đề về các bệnh lý phổ biến hiện nay như: Cập nhật thông tin mới về ung thư mật tuỵ; Chảy máu tiêu hóa và bệnh lý ống tiêu hóa; Ung thư gan và bệnh lý gan mật tuỵ; Các tiến bộ trong nội soi tiêu hóa

Nhằm thu hút cũng như khuyến khích các bác sỹ trẻ tích cực nghiên cứu khoa học, năm nay Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam đã tiến hành trao Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ cho các bác sỹ trình bày báo cáo có chất lượng tốt về nội dung, hình thức và cách thức trình bày.

Phát huy những thế mạnh của y dược cổ truyền

Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo khoa học Y dược Cổ truyền toàn quốc lần thứ 2 với chủ đề: “Y dược cổ truyền trong phòng và điều trị Covid-19, hậu Covid-19”.

Hội thảo nhằm khẳng định vai trò tham gia tích cực của Y dược cổ truyền trong công tác phòng, điều trị Covid-19, hậu Covid-19, đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đánh giá tác động của các bài thuốc, phương pháp điều trị mới, phát huy thế mạnh của y dược cổ truyền, từng bước khẳng định được vị thế của y dược cổ truyền trong việc tham gia phòng, chống các dịch, bệnh mới, cấp tính.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, việc tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng các thành tựu y dược cổ truyền, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của y dược cổ truyền.

Trong xu thế phát triển nhanh, mạnh của khoa học công nghệ, việc ứng dụng các thành tựu trên vào công tác nghiên cứu y dược cổ truyền đã, đang tạo ra một cuộc cách mạng và đem lại nhiều thành tựu mới cho nền y dược cổ truyền Việt Nam, góp phần cùng với nền y học cổ truyền tạo dựng nền y học tiến tiến, xứng tầm khu vực và trên thế giới.

Hội thảo cũng đã ghi nhận những ý kiến đóng góp, thảo luận các giải pháp nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng các thành tựu y dược cổ truyền, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng y dược cổ truyền trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thanh Hóa: Tăng cường phòng, chống bệnh Whitmore

Sau khi nhận thông tin từ BV Nhi Trung ương thông báo phát hiện 2 ca bệnh Whitmore, Sở Y tế Thanh Hóa đã ban hành công văn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn về tăng cường phòng, chống bệnh Whitmore.

Theo thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa, 2 ca bệnh mới phát hiện gồm: bệnh nhân T. M. N. (SN 2007), ở xã Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn. Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân L. N. Q. (SN 2012), tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống.

Sở Y tế Thanh Hóa đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng chủ động phòng bệnh Whitmore với biện pháp dự phòng cơ bản nhất là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi, tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh lao động; hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là nơi bị ô nhiễm nặng. 

Sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động (giày, dép, găng tay...) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. 

Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch bảo đảm vệ sinh. Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Khi có nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Whitmore để được điều trị kịp thời.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Whitmore trên địa bàn.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thường xuyên tập huấn cho nhân viên y tế tham gia khám phát hiện, điều trị người bệnh mắc Whitmore; cập nhật phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh Whitmore theo hướng dẫn của Bộ Y tế...

Đồng Nai: Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Sở Y tế Đồng Nai vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến với 11 Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trên địa bàn về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Tính đến ngày 9/11/2022, tỉ lệ bao phủ vắc-xin mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 69,21%, trong đó huyện Cẩm Mỹ đạt tỉ lệ cao nhất là trên 80%.

Tỉ lệ từ 70-80% bao gồm các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Xuân Lộc, Định Quán, Long Khánh; những huyện còn lại đạt dưới 70%.

Đối với mũi 3 cho người từ 12-17 tuổi đạt 45,41%, trong đó các địa phương trên 50% là Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Long Thành. Tỉ lệ từ 40-50% bao gồm các địa phương Long Khánh, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Tân Phú, Thống Nhất. Riêng TP. Biên Hòa đang là địa phương có tỉ lệ thấp nhất dưới 40%.

Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn gần 380.000 liều chưa nhập vào dữ liệu hệ thống tiêm chủng. Công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 của Đồng Nai có tốc độ chậm, trung bình chỉ tiêm được 400 liều vắc-xin/ngày.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn tăng, vì vậy cần phải tuyên truyền cho người dân tiêm vắc-xin để nâng cao hiệu quả bảo vệ sức khỏe. 

Sở GD-ĐT Đồng Nai đã có những văn bản gửi các đơn vị trong và ngoài công lập về vận động, tuyên truyền học sinh, phụ huynh học sinh tiêm chủng vắc-xin. Ngoài ra cũng vận động trực tiếp phụ huynh của học sinh, tuy nhiên có tình trạng khi làm khảo sát, phụ huynh có đồng ý nhưng thực tế đến ngày tiêm thì lại không cho con em đi tiêm với rất nhiều lý do.

Ung thư đường tiêu hóa: Trì hoãn kiểm tra, hậu quả khó lường
Nguy hiểm, tỷ lệ mắc và tử vong cao, tuy nhiên, ung thư đường tiêu hóa ít có dấu hiệu nhận biết và thường chỉ được phát hiện qua nội soi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư