Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 12/9: Hà Nội thêm trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết
D.Ngân - 12/09/2023 09:16
 
Thông tin từ CDC Hà Nội cho biết, tuần qua Hà Nội có thêm một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết và là ca tử vong thứ ba kể từ đầu năm đến nay.

Hà Nội: Đã có 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Bệnh nhân vừa tử vong là nữ, 20 tuổi, ở huyện Quốc Oai. Bệnh nhân này xuất hiện triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau người từ ngày 28/8, tự mua thuốc uống tại nhà.

Dịch sốt xuất huyết tại Hà

Khoảng 3 ngày sau, do tình trạng không đỡ, gia đình mời nhân viên y tế tư nhân đến nhà truyền dịch cho bệnh nhân.

Sau truyền dịch có giảm sốt nhưng người còn mệt. Kết quả xét nghiệm tại Văn phòng Medlatec ở thị trấn Quốc Oai cho thấy, nữ bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết Dengue NS1.

Sáng 3/9, bệnh nhân có biểu hiện tức ngực, khó thở, mệt mỏi, được gia đình đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai.

Đến 22h ngày 3/9, tình trạng bệnh nhân không cải thiện và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Tại đây, bệnh nhân được điều trị tích cực, đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu, duy trì thuốc vận mạch nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân đã tử vong ngày 4/9.

Cũng theo CDC Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.669 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã (tăng 540 trường hợp so với tuần trước đó).

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân mới là: Hoàng Mai (137 ca), Đống Đa (119 ca), Thanh Trì (115 ca), Hà Đông (109 ca), Nam Từ Liêm (104 ca), Cầu Giấy (94 ca).

Đồng thời, tuần qua ghi nhận 67 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 15 quận, huyện, thị xã: Hoàng Mai (14 ổ dịch); Đống Đa (9 ổ dịch); Nam Từ Liêm (6 ổ dịch); Quốc Oai, Thường Tín - mỗi đơn vị có 5 ổ dịch…

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 8.362 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 3 ca tử vong.

CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trong các tuần tới.

Thực hư đau mắt đỏ lây qua đường nước uống

Sau khi có thông tin lan truyền rằng bệnh đau mắt đỏ liên quan qua đường nước uống, Sở Y tế TP.HCM đã bác bỏ thông tin này. Theo đó, Sở Y tế dẫn ý kiến từ các chuyên gia của Bệnh viện Mắt TP.HCM và các tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới.

Cụ thể, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) thường do các tác nhân vi rút gây ra (adenovirus, enterovirus, coxsackie…). Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang vi rút gây bệnh từ người bệnh. Việc cho rằng bệnh lây lan qua đường nước uống là không chính xác.

Về mức độ ảnh hưởng của enterovirus- virus đang là nguyên nhân chính gây dịch ở TP.HCM, Sở Y tế cho hay, tác nhân này gây ra viêm kết mạc mắt và vẫn có thể có bệnh nặng, nhưng thông thường là bệnh cấp tính, khác với tác nhân adenovirus có thể gây ra viêm giác mạc mãn tính.

Enterovirus được ghi nhận đã gây ra những đợt dịch viêm kết mạc tại nhiều nước trên thế giới. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới công bố năm 1973, enterovirus type 70 đã gây đại dịch tại các nước châu Phi, châu Á và Vương quốc Anh trong giai đoạn 1969 - 1971.

Năm 2014, nhóm vi rút này cũng gây viêm kết mạc mắt xuất huyết tại Thái Lan với hơn 300.000 trường hợp nhiễm trong vòng 3 tháng.

Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt.

Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau: Có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giác mạc.

Cũng theo Sở Y tế, hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh như Tobrex, Ofloxacin, Levofloxacin, Ciprofloxacin, Neomycin, Tobramycin…

Hiện nay, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn và không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc. Theo khảo sát nhanh của Phòng Nghiệp vụ Dược - Sở Y tế, thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh Levofloxacin hiện có hơn 270.000 lọ, Ofloxacin còn 15.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 900.000 lọ); Tobramycin còn 20.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 280.000 lọ),…

Điều quan trọng là, theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid.

Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Thanh Hóa ghi nhận một trường hợp mắc bệnh Whitmore

Sở Y tế Thanh Hoá ghi nhận một trường hợp mắc bệnh Whitmore tại huyện Quảng Xương, cũng là ca mắc bệnh Whitmore đầu tiên tại tỉnh Thanh Hoá trong năm nay.

Nữ bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Brukholderia pseudomallei, sinh năm 2008, ở xã Tiên Trang, đang theo học trung học phổ thông ở huyện Quảng Xương.

Sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa về ca bệnh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Quảng Xương đã trực tiếp chỉ đạo cán bộ Khoa Kiểm soát bệnh tật-HIV/AIDS điều tra và xác minh thông tin.

Qua điều tra ban đầu, một tháng qua bệnh nhân ở cùng bố mẹ và anh trai tại xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, không đi khỏi địa phương.

Gia đình bệnh nhân ở khu nhà khép kín, không chăn nuôi, không làm nông nghiệp, sử dụng nguồn nước sinh hoạt chủ yếu từ giếng khoan.

Hiện không rõ tiền sử bệnh nhân có tiếp xúc với đất, nước, bụi, xác động vật chết, đồ ăn bị nhiễm vi khuẩn Whitmore; trên cơ thể bệnh nhân chưa phát hiện các vết trầy xước trên da.

Từ ngày 22 đến 30/8, bệnh nhân có biểu hiện đau họng, ho, sốt cao, uống nhiều nước, sụt cân (7kg/10 ngày), bệnh nhân tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ.

Ngày 1/9, gia đình đưa bệnh nhân đến Phòng khám An Phúc, ở xã Tiên Trang khám và lấy thuốc theo đơn về điều trị, nhưng bệnh vẫn không đỡ và bệnh diễn biến ngày càng nặng với biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, ăn uống kém...

Khoảng 14 giờ ngày 2/9, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện 71 Trung ương ở phường Quảng Tâm, thành phố Thanh Hóa khám và điều trị với lý do sốt nóng từng cơn, nhiệt độ dao động 39-40 độ C, người mệt mỏi.

Tại đây, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cơ bản có chỉ số đường huyết cao, đi tiểu tiện không tự chủ, co giật toàn thân 2 cơn, mỗi cơn kéo dài 5-10 phút.

Sau 2 ngày điều trị không khỏi, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa với tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, thở oxy, đường thở tăng tiết đờm, chảy máu chân răng, thở nấc, đồng tử 2 bên 3mm, nhịp tim không đều, nhanh, có nhịp ngoại tâm thu, phổi thông khí 2 bên giảm...

Các xét nghiệm bạch cầu, hồng cầu, định lượng Pro-calcitonin máu đều tăng cao; xét nghiệm cấy máu kết quả có vi khuẩn gây bệnh Brukholderia pseudomallei (vi khuẩn gây bệnh Whitmore).

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dù Whitmore là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỉ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao. 

Điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, nên có thể tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore.

Khuẩn gây bệnh Whitmore sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất. Khuẩn lây sang người qua vết trầy xước trên da, hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất, hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 11). 

Vi khuẩn này có thể làm hoại tử và chết các mô, gây viêm loét hay áp-xe trên da, viêm phổi, nhiễm trùng máu… Do đó, khuẩn gây bệnh Whitmore vẫn thường được dân gian gọi là "khuẩn ăn thịt người".

Bệnh cũng có thể gây tổn thương vào phổi - các tổn thương giống như biểu hiện lâm sàng của tụ cầu, bệnh lao nên làm cho các bác sĩ dễ nhầm lẫn về chẩn đoán.

Những dấu hiệu này thường xuất hiện nhiều ở bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, mắc các bệnh mạn tính liên quan đến thận hoặc phổi, người nghiện rượu, người làm việc trực tiếp, thường xuyên với đất như nông dân. Đối tượng người già cũng rất dễ mắc vì thường có hệ miễn dịch yếu.

Hiện nay whitmore là căn bệnh chưa có vắc-xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. 

Do đó những biện pháp phòng tránh trên mặc dù rất căn bản nhưng chúng ta không được chủ quan. Ở những người có sức đề kháng kém (ví dụ như người đang mắc bệnh nhiễm trùng mạn tính, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, bệnh đái tháo đường, bệnh thận hoặc người nghiện rượu, nghiện ma túy...): khi vi khuẩn xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng hơn. Do đó, những người này có nguy cơ cao hơn, cần chú ý phòng bệnh hơn.

Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín.

Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết hết sức phức tạp
Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 1.129 ca mắc sốt xuất huyết và 66 ổ dịch chỉ trong một tuần. Dự báo, tình hình dịch vẫn diễn biến phức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư