Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 14/11: Phòng ngừa bệnh đái tháo đường; Hà Nội thêm 1.343 ca mắc sốt xuất huyết
D.Ngân - 14/11/2022 08:58
 
Bộ Y tế vừa tổ chức lễ mít-tinh hưởng ứng "Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường" (14/11) và Ngày toàn dân mua và sử dụng muối Iốt (2/11).

Theo Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF) công bố năm 2021, thế giới có tới 537 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20 - 79 tuổi có 1 người mắc đái tháo đường; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường mà không được chẩn đoán.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường, hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận....

Ảnh minh hoạ.

Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Theo dự báo, số mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt. 

Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực. Việc thực hiện lối sống lành mạnh, sẽ giúp phòng ngừa mắc đái tháo đường tới 70% số trường hợp. Đồng thời, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó.

Thông qua lễ mít tinh, Bộ Y tế kêu gọi toàn thể mọi người dân hãy có trách nhiệm với sức khoẻ của mình, bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh: ăn uống và duy trì cân nặng hợp lý, sử dụng Iốt trong bữa ăn hằng ngày, tăng cường vận động thể lực, chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh đái tháo đường để dự phòng, phát hiện sớm bệnh.

Về phía cán bộ, nhân viên y tế cũng cần nâng cao trình độ chuyên môn để tư vấn, khám phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời, quản lý bệnh đái tháo đường hiệu quả đồng thời tích cực thông tin, truyền thông, phổ biến nâng cao nhận thức và kiến thức về bệnh cho mọi người dân;

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các cấp, Sở Y tế, các cơ sở y tế các tỉnh, thành phố, Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam xác định phòng, kiểm soát đái tháo đường là một nhiệm vụ ưu tiên.

Thực hiện các chiến lược và chính sách hiệu quả để phòng ngừa và quản lý bệnh, để bảo vệ sức khỏe của người dân không mắc bệnh đái tháo đường hoặc chung sống có chất lượng với bệnh đái tháo đường.

24.169 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm trong ngày 13/11

Theo số liệu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mới nhất vừa được Bộ Y tế cập nhật trong ngày 13/11, có 24.169 liều vắc-xin được tiêm tại 12 địa phương, trong đó có 19.959 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 4.210 mũi tiêm cho trẻ 5-11 tuổi.

Cả nước đã triển khai tiêm được 262.663.805 liều vắc-xin. 

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 51.359.712 mũi tiêm (79,2%), trong ngày có 10 địa phương triển khai với 1.327 người được tiêm.

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (62,1%); Bình Định (58,7%); Phú Yên (61,1%); Đồng Nai (53,7%); Đồng Tháp (59,7%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,9%); Sóc Trăng (98,0%).

Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 16.615.076 mũi tiêm (84,5%), trong ngày có 11 địa phương triển khai với 6.792 người được tiêm.

Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 5.541.476 trẻ (64,8%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (38,8%); Phú Yên (34,5%); Bình Thuận (42,7%); TP.HCM (36,1%); Đồng Nai (42,1%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,6%); Lâm Đồng (93,1%); Sóc Trăng (99,3%).

Nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 16.857.756.

Mũi 1: 9.904.995 trẻ (89,3%) tăng 0,1%.

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (68,1%); TP.HCM (63,1%); Bà Rịa - Vũng Tàu (77,2%); Đồng Nai (78,1%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Bình (99,8%); Bắc Giang (99,9%); Quảng Ninh (99,3%)

Mũi 2: 6.952.761 trẻ (62,7%) tăng 0,1%.

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (31,3%); Quảng Nam (33,4%); TP.HCM (35,7%); Bà Rịa - Vũng Tàu (44%), Đồng Nai (43,1%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,8%); Sóc Trăng (99,8%); Cà Mau (94,1%).

Hà Nội: Thêm 1.343 ca mắc sốt xuất huyết trong tuần thứ 45

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 4 đến 11/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.343 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước đó.

Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa (120 ca), Thanh Oai (98 ca), Phú Xuyên (95 ca), Hoàng Mai (94 ca).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (năm 2021 không có ca tử vong do sốt xuất huyết). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, trong tuần cũng ghi nhận thêm 83 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 12 quận, huyện, trong đó nơi có nhiều ổ dịch nhất là quận Hoàng Mai với 24 ổ dịch, tiếp đến là Đống Đa có 12 ổ dịch, Hà Đông (9 ổ dịch), Thanh Oai (8 ổ dịch), Thanh Trì (7 ổ dịch), Bắc Từ Liêm (6 ổ dịch), Hai Bà Trưng (5 ổ dịch), Thanh Xuân (4 ổ dịch), Hoài Đức (4 ổ dịch), Thạch Thất (2 ổ dịch), Chương Mỹ (1 ổ dịch), Thường Tín (1 ổ dịch).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến ngày 11/11, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 994 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 164 ổ dịch đang hoạt động tại 23 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân như thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 238 bệnh nhân; thôn Ngọc Đình, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai có 55 bệnh nhân; tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên có 53 bệnh nhân.

Với số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc sốt xuất huyết tăng đột biến nên thời gian gần đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải.

Các chuyên gia y tế lưu ý, người bệnh khi mắc sốt xuất huyết cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu như: Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều hơn; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; có các hành vi thay đổi như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì và trên 6 giờ không tiểu tiện.

Cảnh báo biến chứng nguy hiểm do đái tháo đường gây ra
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết thời gian qua họ tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng bàn chân nhập viện.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư