Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 15/6: Nghiên cứu mới về kháng thể của vắc-xin Covid-19
D.Ngân - 15/06/2022 09:05
 
Theo một nghiên cứu mới được công bố của Liên chi hội hô hấp TP.HCM, kháng thể sau 3 mũi vắc-xin AstraZeneca thấp dần.

Cả nước có 866 ca Covid-19 mới, tiếp tục không có ca tử vong

Tính từ 16h ngày 14/6 đến 16h ngày 15/6, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 866 ca nhiễm mới đều ở trong nước tại 43 tỉnh, thành phố, có 784 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lai Châu (-40), Đà Nẵng (-31), Phú Thọ (-16). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (+123), Hà Nam (+11), Đồng Tháp (+10).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 768 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.734.151 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.378 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.726.385 ca, trong đó có 9.571.453 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.603.373), TP. Hồ Chí Minh (609.720), Nghệ An (485.135), Bắc Giang (387.643), Bình Dương (383.792).

5.382 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.574.270 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 72 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 64 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; thở máy không xâm lấn: 1 ca; thở máy xâm lấn: 3 ca; ECMO: 0 ca.

Từ 17h30 ngày 14/6 đến 17h30 ngày 15/6 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.083 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.513.181 mẫu tương đương 85.822.619 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 224.137.582 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 201.225.015 liều: Mũi 1 là 71.487.096 liều; Mũi 2 là 68.821.330 liều; Mũi 3 là 1.507.422 liều; Mũi bổ sung là 15.024.077 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 43.159.861 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 1.225.229 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.509.316 liều: Mũi 1 là 8.952.095 liều; Mũi 2 là 8.557.221 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 5.403.251 liều: Mũi 1 là 4.727.786 liều; Mũi 2 là 675.465 liều.

Kháng thể thấp dần sau 3 mũi vắc-xin

Mới đây, Liên chi hội Hô hấp TP.HCM đã kết hợp với Liên chi hội Vi sinh Lâm sàng TP. HCM thực hiện nghiên cứu tìm hiểu đáp ứng miễn dịch của cơ thể trên người tiêm vắc-xin và người nhiễm Covid-19.

Đây là nghiên cứu cắt ngang và có một phần theo dõi dọc trên người đã tiêm vắc-xin và nếu có thể, cả những người đã nhiễm Covid-19. Nghiên cứu được thực hiện trên 1.200 mẫu huyết tương.

Ảnh minh hoạ

Tác giả của nghiên cứu, TS. Phạm Hùng Vân, Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Châu Trinh (TP. HCM) cho biết, đáp ứng kháng thể trung hòa trên những người đã tiêm 3 mũi vắc-xin AstraZeneca tăng lên (67,77%) so với 2 mũi.

Tuy nhiên, đáp ứng vẫn không cao bằng tiêm 1 mũi là AstraZeneca và hai mũi sau là Pfizer (82,40%), hoặc 2 mũi đầu là AstraZeneca và mũi sau là Pfizer (82,40%) hoặc Nanocovax (85,20%).

“Lý do tiêm 3 mũi AstraZeneca không cho đáp ứng kháng thể trung hòa cao có thể là do đáp ứng miễn dịch kháng adenovirus trong những mũi chích lúc đầu đã làm giảm hiệu quả của mũi thứ 3.

Trong khi đó, với mũi tiêm thứ 3 là vắc-xin mRNA hay vắc-xin tiểu đơn vị thì lại phát huy hiệu quả vì đã tránh được đáp ứng miễn dịch kháng adenovirus do vắc-xin AstraZeneca được chích trước đó tạo ra.

Đáp ứng kháng thể trung hòa với 3 mũi vắc-xin mRNA cho kết quả rất cao, với mũi đầu là Moderna và hai mũi sau là Pfizer (95,16%). Song, với hai mũi đầu là Moderna còn mũi thứ 3 là Pfizer, đáp ứng kháng thể trung hòa thấp hơn (79,70%).

Nghiên cứu cũng cho thấy, đáp ứng kháng thể trung hòa với 4 mũi vắc-xin là 87,81%. Tỷ lệ này tương đương với tiêm 3 mũi vắc-xin nhiều loại (87,22%).

“Nhìn chung, 4 mũi tiêm vắc-xin có đáp ứng kháng thể trung hòa cao hơn, nhưng không khác biệt đáng kể so với tiêm 3 mũi vắc-xin là mRNA, hay mũi đầu là AstraZeneca và các mũi sau là mRNA”, TS.Vân cho biết.

Gần 40.000 ca nhập viện và 36 người tử vong vì sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) đang tăng nhanh, đe dọa bùng phát dịch tại khu vực các tỉnh phía Nam. Ngành Y tế cảnh báo, nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời, dịch SXH sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống cả cộng đồng.

Tại TP.HCM, theo thống kê, từ đầu năm đến nay tại 20 tỉnh thành phía Nam ghi nhận 39.317 ca mắc SXH nhập viện điều trị, tăng 82% so cùng kỳ; trong đó có 36 ca tử vong; 1.193 trường hợp bệnh nặng.

Riêng trong 4 tuần gần đây, số ca mắc và tử vong tăng nhanh, trong đó số mắc chiếm 50% trên tổng ca bệnh tích lũy từ đầu năm, số tử vong chiếm 45% trên tổng số tử vong vì SXH tích lũy từ đầu năm.

Hiện các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị SXH như các bệnh viện nhi đồng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và bệnh viện tuyến quận huyện trên địa bàn TP. HCM mỗi đơn vị trung bình trong ngày đang tiếp nhận hàng chục ca mới mắc đến khám và điều trị. Các bác sĩ cảnh báo năm nay, số lượng bệnh nhân SXH nặng đang tăng cao hơn so với năm trước. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp bị biến chứng, tử vong.

Để phòng chống dịch Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh khu vực phía Nam khẩn trương thực hiện các biện pháp kiểm soát SXH, tăng cường giải pháp diệt bọ gậy loăng quăng để ngăn chặn nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng.

Bên cạnh đó, Cục Y tế Dự phòng cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp cần chủ động chung tay phòng chống dịch, có hình thức xử lý phù hợp đối với những điểm gây phát sinh dịch bệnh.

WHO sẽ cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp với bệnh đậu mùa khỉ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn vào ngày 23/6 tới, nhằm đánh giá liệu sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng đối với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới hiện nay hay không.

Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện này rất đáng quan ngại và bất thường, vì vậy, ông quyết định triệu tập cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp vào tuần tới nhằm đánh giá liệu đợt dịch này có phải là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng hay không.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu được xem mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra. Trước đó, WHO đã có quyết định tương tự đối với dịch Covid-19 và bệnh bại liệt.

Theo WHO, từ đầu năm đến nay, đã có 1.600 ca mắc và 1.500 ca nghi mắc cùng 72 ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ tại 39 quốc gia, trong đó, có những nước không ghi nhận bệnh này là bệnh đặc hữu.

Tại nhiều nước tại châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu. Bệnh này thường gây triệu chứng giống như cúm, gây tổn thương da và thường truyền nhiễm qua đường tiếp xúc gần.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đã đến lúc cân nhắc tăng cường phòng gây bệnh đậu mùa khỉ, vì nó đang có dấu hiệu lây lan bất thường với nhiều quốc gia. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp giữa các nước.

Tin mới về Covid-19 ngày 26/3: Chính thức tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld; Hà Nội đã qua đỉnh dịch
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chính thức triển khai tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld ngừa Covid-19.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư