Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 16/5: Hà Nội có trường hợp tử vong do liên cầu khuẩn, thu hồi lô sản phẩm tắm gội Raileza
D.Ngân - 16/05/2023 08:22
 
Chiều 15/5, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, địa bàn vừa ghi nhận 2 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó 1 người tử vong.

Tử vong do liên cầu khuẩn

Người thứ nhất mắc liên cầu khuẩn lợn là nam 48 tuổi, ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì. Người này tham gia giết mổ lợn bệnh. Trong quá trình giết mổ, anh không sử dụng biện pháp bảo hộ.

Theo các bác sĩ, bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. 

Hai ngày sau khi giết mổ lợn, người đàn ông sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, buồn nôn, nôn. Sau đó một ngày, anh bị ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.

Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị nhưng đã không qua khỏi với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.

Người thứ hai là nữ, 43 tuổi, địa chỉ ở xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ. Người này làm nghề bán thịt lợn tại chợ Đông Phương Yên.

Một ngày sau khi bán hàng trở về nhà, chị sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ý thức kém, lơ mơ và được người nhà đưa vào Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Tại đây, chị được lấy mẫu dịch não tủy nuôi cấy và kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis).

Theo CDC Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 5 ca mắc bệnh này, trong đó 1 ca tử vong. Cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca mắc.

CDC Hà Nội khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Đặc biệt, người dân không nên sơ chế thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay; rửa tay sạch sau khi chế biến. Người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng;

Đồng thời tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Theo các bác sĩ, bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. 

Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, cách tốt nhất để tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn là phòng bệnh. Bởi, khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng.

Bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh, mà chỉ điều trị bằng kháng sinh thời gian dài, kết hợp lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.

Để phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn. 

Ngoài ra, có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc...

Để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người, Cục Y tế dự phòng vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch.

Đặc biệt, Cục Y tế dự phòng đề nghị đối với các cơ sở khám, chữa bệnh chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.

Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc giám sát, phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh, từ đó kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.

Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn. 

Đồng thời có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.

Thu hồi một lô sản phẩm tắm gội Raileza

Ngày 15/5, Cục Quản lý dược Bộ Y tế thông tin đơn vị vừa có quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng với một lô sản phẩm Raileza hộp 1 chai 120ml.

Trên thị trường, Raileza được sử dụng nhằm loại bỏ ký sinh trùng ký sinh trên da, tóc, đồng thời cũng có tác dụng đối với trứng của chúng.

Lô sản phẩm bị đình chỉ, thu hồi có số công bố: 94/22/CBMP-HY; Số lô: HCM.122022; sản xuất ngày 1/12/2022, hạn dùng 30/11/2025. Công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty cổ phần Oceanpharma (địa chỉ: Ô 45- LK1, KĐTM An Hưng, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội); Nhà sản xuất là Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Quang Xanh (địa chỉ ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên).

Trước đó, Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm, Mỹ phẩm An Giang lấy mẫu lô sản phẩm này tại Nhà thuốc Trung Sơn An Giang 12 (địa chỉ ở huyện Thoại Sơn, An Giang) để kiểm tra chất lượng. Kết quả mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.

Ngoài quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi, Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Raileza hộp 1 chai 120ml nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm; Thu hồi lô sản phẩm vi phạm...

Công ty cổ phần Oceanpharma, Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Quang Xanh phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm nêu trên; tiếp nhận sản phẩm trả lại, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định.

Sở Y tế Hà Nội và Hưng Yên phải kiểm tra hai công ty trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. 

Ba người bị ngạt khí khi trèo xuống giếng sâu, một người tử vong

Ngày 15/5, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin, Trung tâm Hồi sức tích cực của viện này vừa tiếp nhận hai trường hợp bị ngạt khí sau khi xuống giếng sâu. Hai nạn nhân đều là nam giới, một người 36 tuổi, một người 45 tuổi, ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Theo lời kể, ngày 4-5, anh A. xuống giếng sâu gần 10m để vệ sinh giếng nhưng một hồi lâu không thấy lên mặt đất. Lần lượt anh X. (36 tuổi) và anh N. (45 tuổi) trèo xuống cứu thì phát hiện anh A. đã tử vong.

Ở dưới giếng, rất nhanh chóng anh X. và anh N. đều bị khó thở, choáng váng, hai anh được kéo lên mặt đất và được người dân địa phương tiến hành hô hấp nhân tạo tại chỗ, tiếp tục sơ cứu tại y tế địa phương, sau đó được chuyển đến Bệnh viện 108.

TS.BS Lê Lan Phương, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện 108 cho biết, trong môi trường giếng sâu, đặc biệt những giếng đậy nắp lâu ngày, ít sử dụng, những sản phẩm chuyển hóa của sự phân hủy các chất hữu cơ là các khí độc như mê-tan (CH4), CO2, CO và H2S … có tỷ trọng nặng hơn ô xy (O2), càng ở dưới sâu thì hàm lượng càng đậm đặc.

Các nạn nhân tử vong do thiếu ô-xy và hít phải các khí độc trên. Ngoài ra ở những vùng có nhiều mỏ than, quặng dầu hay các bãi rác, chất thải nông nghiệp thì ở những giếng sâu thường xuất hiện nhiều khí mê-tan.

Bác sĩ Phương nêu rõ, đây là loại khí độc có thể làm một người tử vong nhanh chóng nếu đạt nồng độ cao. Vì vậy người dân cần lưu ý khi có ý định xuống giếng sâu ở những khu vực này.

Để phòng ngừa tai nạn ngạt khí dưới giếng sâu, các bác sĩ cho rằng người dân cần thực hiện tốt những nội dung sau: Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ trước khi xuống giếng như có đầy đủ đồ bảo hộ, mặt nạ chống độc trước khi xuống giếng.

Bên cạnh đó, người dân có thể thắp một ngọn nến hoặc ngọn đèn, thả dần xuống sát mặt nước dưới đáy giếng. Nếu ngọn nến vẫn cháy sáng bình thường là không khí dưới đáy giếng có đủ oxy để hô hấp, ngược lại, ngọn nến chỉ cháy leo lắt rồi tắt thì chúng ta không nên xuống dưới giếng.

Nếu trường hợp gặp phải hiện trường có người nghi chết ngạt khí dưới giếng thì người sau tuyệt đối không được xuống giếng ngay để cứu, người cấp cứu cần thực hiện gọi ngay Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (số điện thoại 114) để được hỗ trợ.

Nếu nạn nhân vẫn tỉnh, thả dây xuống giếng để kéo lên. Trường hợp nạn nhân đã hôn mê, cần chuẩn bị và kiểm tra an toàn trước khi quyết định xuống giếng.

Người cấp cứu sử dụng một tay để bóp kín 2 bên mũi của nạn nhân, một tay còn lại đẩy mạnh cằm để miệng nạn nhân hé ra. Sau đó người cấp cứu hít một hơi thật mạnh, áp miệng mình vào sát miệng người bị nạn sau đó thổi vào thật mạnh, thổi liên tục 2 hơi đối với người lớn, 1 hơi với trẻ em dưới 8 tuổi, quan sát lồng ngực nạn nhân phồng lên là thực hiện đúng, sau đó để lồng ngực nạn nhân tự xẹp xuống rồi lại thổi tiếp.

Thực hiện liên liên tiếp động tác nêu trên với nhịp độ: Người lớn và trẻ em trên 8 tuổi thực hiện khoảng 15-20 lần/phút, trẻ dưới 8 tuổi thổi ngạt 20-30 lần/phút. Có thể làm động tác bịt miệng, thổi mũi với cách tương tự.

Cách sơ cứu tốt nhất cho người bị nạn sau khi lên mặt đất là hô hấp nhân tạo ngay tại chỗ, rồi sau đó mới đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngộ độc khí dưới giếng sâu không chỉ gây nguy hiểm tính mạng cho bản thân nạn nhân mà còn tiềm ẩn nguy cơ cho những người tham gia cứu hộ. Thực tế, việc phòng tránh vấn đề này bằng phương pháp thủ công rất đơn giản. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những phương pháp này cũng như cách cấp cứu nạn nhân bị ngạt khí dưới giếng sâu.

Nguy hiểm tính mạng vì liên cầu khuẩn
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vừa qua, các bác sĩ bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 2 trường hợp bệnh nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư