Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 16/9: Ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gấp 3 lần
D.Ngân - 16/09/2022 10:18
 
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần vừa qua, Thủ đô ghi nhận hơn 300 ca mắc sốt xuất huyết và 22 ổ dịch mới.

Hà Nội tăng cao số ca sốt xuất huyết, TP.HCM xu hướng giảm

Cộng dồn từ đầu năm 2022, Hà Nội ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021).

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết ở phía Bắc, dự báo số ca mắc tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần vừa qua, Thủ đô ghi nhận hơn 300 ca mắc sốt xuất huyết và 22 ổ dịch mới.

Theo kết quả giám sát của Hà Nội, nhiều điểm trên địa bàn có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng, nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan rộng rất lớn nếu không có các biện pháp phòng, chống. 

Bên cạnh tăng số ca mắc, Hà Nội cũng ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết biến chứng nặng, nguy kịch phải thở máy.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch, sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra.

Còn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tuần qua, thành phố ghi nhận 2.579 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 11,9% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca mắc bệnh tay chân miệng cũng giảm. 

Trong tuần qua, TP.HCM không ghi nhận thêm trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết. 

Tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 54.026 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 536,7% với cùng kỳ năm 2021 là 8.485 ca. 

Số ca sốt xuất huyết nặng là 1.128 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 2,09% (1.128/54.026), cao gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,58% (49/8.485).

Trong tuần từ 5-11/9, Thành phố không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 19 trường hợp, tăng 15 ca so với cùng kỳ nằm 2021 (4 ca).

Dịch tay chân miệng, từ đầu năm đến nay, TP. HCM ghi nhận 13.720 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong tuần từ ngày 5 -11/9, thành phố ghi nhận thêm 311 ca bệnh tay chân miệng, giảm 28% so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca bệnh giảm ở cả các trường hợp khám ngoại trú và các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Trong tuần 37 toàn thành phố không ghi nhận ổ dịch tay chân miệng mới. Số ổ dịch tích luỹ từ đầu năm đến nay là 66 ổ dịch.

Bệnh nhân nặng, ca tử vong do Covid-19 tăng cao 

Bộ Y tế cho biết ngày 15/9 có gần 3.000 ca mắc Covid-19 mới tuy nhiên số khỏi bệnh nhiều gấp gần 20 lần với 55.183 trường hợp. 

Trong ngày có 5 bệnh nhân tử vong - đây cũng là ngày có số ca bệnh tử vong nhiều nhất trong khoảng vài tháng gần đây.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.450.999 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.721 ca nhiễm).

Tổng số người mắc Covid-19 khỏi đến nay là hơn 10,4 triệu người. Hiện còn giám sát hơn 959.000 trường hợp, trong đó có 184 trường hợp nặng đang điều trị, giám sát gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 163 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 14 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.137 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. 

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. 

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

WHO kêu gọi các quốc gia tập trung bao phủ 100% vắc-xin Covid-19 cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Tổng số ca mắc Covid-19 trên thế giới hơn 615,6 triệu ca, trên 6,52 triệu ca tử vong

Ngày 14/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Tổng giám đốc WHO kêu gọi các quốc gia nên nắm bắt cơ hội này để chấm dứt đại dịch, duy trì nỗ lực và tận dụng những công cụ sẵn có như vắc-xin, thuốc điều trị để ngăn chặn sự lây lan, tử vong một cách chủ động ngay cả khi có sự xuất hiện của các biến thể mới và làn sóng lây nhiễm trong tương lai.

Cùng ngày, WHO đã công bố 6 bản tóm tắt chính sách về các hành động mà các quốc gia có thể áp dụng nhằm đối phó với Covid-19 trong tình hình mới. 

Trong đó, WHO kêu gọi các quốc gia tập trung bao phủ 100% vaccine cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế và người lớn tuổi, coi đó là ưu tiên cao nhất trên lộ trình đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin 70%; 

Tiếp tục xét nghiệm và giải trình tự gene đối với virus SARS-CoV-2, đồng thời tích hợp các dịch vụ giám sát và xét nghiệm với các dịch vụ về các bệnh đường hô hấp khác, bao gồm cả bệnh cúm.

TP.HCM: Ra mắt Viện Ung bướu và Y học hạt nhân

Bệnh viện Quân y 175 vừa ra mắt Viện Ung bướu và Y học hạt nhân nhân kỷ niệm 10 năm Trung tâm Chẩn đoán và điều trị ung bướu hoạt động, đồng thời tổ chức lễ đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dành cho Viện.

Viện Ung bướu và Y học hạt nhân tiền thân là Trung tâm Chẩn đoán và điều trị ung bướu thuộc Bệnh viện Quân y 175. 

Viện gồm 5 khoa: Khoa khám và điều trị ngoại trú; Khoa xạ trị; Khoa hoá; Khoa chăm sóc giảm nhẹ; Khoa y học hạt nhân, với quy mô 350 giường bệnh. Hàng ngày Viện thu dung khoảng 500 bệnh nhân.

Đến nay, Viện Ung bướu và Y học hạt nhân có 5 tiến sĩ (trong đó có 1 tiến sĩ được đào tạo tại Nhật Bản), 17 thạc sĩ, 40% nhân viên được đào tạo sau đại học trong tổng số 130 cán bộ, nhân viên đang làm việc tại đây. 

Viện đã được đầu tư nhiều hệ thống máy móc hiện đại như: Máy xạ trị áp sát suất liều cao nạp nguồn sau, PET/CT, CT đa dãy, SPECT, hệ thống máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hiện đại khác (CT, MRI,…).

Theo Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, Viện Ung bướu và Y học hạt nhân là 1 trong 3 trung tâm ung bướu mạnh nhất khu vực phía Nam hiện nay.

Trong thời gian tới, bên cạnh Viện Chấn thương chỉnh hình, Viện Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 175 sẽ ra mắt 5 viện khác. 

Đó là: Viện tim mạch, Viện Thần kinh, Viện Sản nhi, Viện Phục hồi chức năng và Viện Tiêu hóa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người dân TP. HCM và các vùng lân cận.

Gia tăng sốt xuất huyết, Bộ Y tế yêu cầu nhập dịch truyền đặc trị
Cục Quản lý Dược vừa có công văn gửi các cơ sở nhập khẩu thuốc về việc cung ứng dịch truyền Dextran 40 (dùng trong điều trị sốc trên bệnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư