Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 29 tháng 09 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 17/10: Truy xuất nguồn gốc sữa vụ ngộ độc ở Tiền Giang; Hà Nội ghi nhận ca viêm não Nhật Bản thứ hai
D.Ngân - 17/10/2023 09:46
 
Bộ Y tế vừa đề nghị Sở Y tế Tiền Giang khẩn trương phối hợp triển khai việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa nghi ngờ ngộ độc và có trường hợp đã tử vong.

Dừng lưu thông sữa gây ngộ độc

Cụ thể, khoảng 18h ngày 15/10, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân P.M.T. được Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long chuyển đến với tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp cấp, phải thở máy.

Bệnh  nhân ngộ độc sữa đang điều trị tại Bệnh viện.

Trước đó, trong hai ngày 14 và 15/10, gia đình bệnh nhân P.M.T lần lượt có hai người là một người mẹ 85 tuổi và một người em trai 45 tuổi bị tử vong sau khi sử dụng một loại sữa…

Đến ngày 15/10, khi làm đám tang cho hai người thân, ông P.M.T. cũng đã sử dụng loại sữa bột đó. Trong vòng khoảng 1 tiếng sau, bệnh nhân đã có dấu hiệu rơi vào tình trạng bị rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng nôn ói, đau bụng và sau đó diễn tiến rất nhanh tới tình trạng lơ mơ, suy hô hấp phải đưa vào Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long điều trị.

Sau gần 12 tiếng đồng hồ cấp cứu, hồi sức tích cực, đến trưa ngày 16/10 bệnh nhân đã có các dấu hiệu cải thiện tri giác, tỉnh táo hơn, bắt đầu tiếp xúc được.

Các kết quả xét nghiệm cũng cho thấy tình trạng tổn thương gan, tổn thương thận, tổn thương cơ tim và tổn thương phổi đang có dấu hiệu hồi phục. Đến 16h ngày 16/10 thì bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn, có những dấu hiệu hồi phục khá tốt.

Trước sự việc nêu trên, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Tiền Giang khẩn trương làm rõ thông tin và xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Tiền Giang liên quan đến các trường hợp tử vong và ngộ độc nhập viện cấp cứu nghi ngờ do uống sữa (tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Tiền Giang khẩn trương cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Y tế Vĩnh Long, chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung tích cực cứu chữa người bệnh.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng của Sở Y tế phối hợp với cơ quan quản lý sản phẩm này ở địa phương, để tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa nghi ngờ, kiểm tra cơ sở sản xuất và dừng việc lưu thông sản phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (nếu sản phẩm nghi ngờ sản xuất, kinh doanh ở địa phương).

Xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, đình chỉ cơ sở sản xuất sản phẩm sữa nghi ngờ ngộ độc (nếu phát hiện) và công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh Tiền Giang phối hợp với các cơ quan chức năng trong điều tra, xác định nguyên nhân và xử lý vụ việc; tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn thực phẩm, không sử dụng sản phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hà Nội ghi nhận ca viêm não Nhật Bản thứ hai

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô vừa ghi nhận thêm một ca viêm não Nhật Bản là bé trai 8 tuổi ở huyện Chương Mỹ, xuất hiện triệu chứng sốt cao, co giật, nôn, lơ mơ từ ngày 18/9.

Bé được đưa vào cơ sở y tế điều trị, đến ngày 19/9 chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả xét nghiệm ngày 29/9 cho thấy, bé trai dương tính với virus viêm não Nhật Bản.

Trước đó, Hà Nội đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản là một bé trai 5 tuổi ở huyện Phúc Thọ.

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Thủ đô đã có 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản (giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022).

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 30% cùng với di chứng vĩnh viễn như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một nửa số người sống sót.

TS.Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, triệu chứng đầu tiên của bệnh thường bao gồm: Sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn. Ngoài ra, có thể có các biểu hiện của nhiễm virus nói chung như mệt mỏi, ớn lạnh.

Những trường hợp bệnh nặng có thể có các biểu hiện như co giật, giảm khả năng nhận thức (trẻ thay đổi tính nết, la hét, kích động hoặc sững sờ, không nhận ra bố mẹ, nói nhảm, hôn mê); rối loạn vận động như liệt tay, chân hoặc nửa người, co cứng, xoắn vặn.

Theo bác sĩ, cách phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh.  phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; mũi 2 tiêm 1-2 tuần sau mũi 1; mũi 3 tiêm 1 năm sau mũi 2. Sau đó nhắc lại 3-5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi.

Số ca sốt xuất huyết lập đỉnh mới, hơn 2.000 ca/tuần

Theo CDC Hà Nội, trong 3 tuần gần đây , số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng mạnh, từ 2.580 - 2.600 ca/tuần, tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9.

Điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là tình trạng sốc, thường xảy ra ở giai đoạn 2 trong thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của sốt. Khoảng 6% bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng ở giai đoạn này.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thời gian vừa qua dành tỷ trọng giường lớn hơn cho điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 70-80 ca, trên 30 ca có dấu hiệu cảnh báo.

Hiện có khoảng 6% số bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện có nguy cơ diễn biến nặng, còn 94% trung bình, nhẹ tự khỏi. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, vừa qua, bệnh viện ghi nhận trường hợp tử vong đáng tiếc là một sinh viên có biểu hiện sốt cao 3-4 ngày, điều trị tại nhà và có bạn chăm. Sau khi lui sốt, người chăm đi học thì bệnh nhân ở nhà xuất hiện sốc. Lúc phát hiện đưa đi viện thì đã quá muộn.

Có trường hợp tương tự người lớn tuổi, lúc sốt cao pha 1 thì con cái ở nhà chăm sóc, sang pha 2 đỡ sốt con cái đi làm, để cụ ông ở nhà một mình, đến cuối buổi quay về thì cụ ông đã diến tiễn nặng.

"Điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là tình trạng sốc, thường xảy ra ở pha 2, khó theo dõi. Nếu bệnh nhân được can thiệp tốt ngay từ khi có dấu hiệu sốt xuất huyết sốc thì phục hồi nhanh. Nếu không phát hiện được để diễn biến sang sốc thì diễn biến vô cùng xấu, tỷ lệ cứu sống không được cao", bác sĩ Cấp cho hay.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp lưu ý, chỉ cần bệnh nhân ở trong vùng dịch, có sốt, có tiêu chảy, buồn nôn, có thể hướng tới bị sốt xuất huyết. Khi bị sốt xuất huyết, tùy theo pha nào của bệnh mà cần xét nghiệm các chỉ số khác nhau.

Ở pha đầu, trong 3 ngày đầu, xét nghiệm chỉ số dương tính là quan trọng, nhưng nếu ngày thứ 4 mới xét nghiệm, có thể âm tính. Vì thế, ở một số bệnh nhân dù có sốt xuất huyết trên lâm sàng, nhưng xét nghiệm có thể âm tính, vẫn phải nghĩ là sốt xuất huyết. Xét nghiệm ngày sau lại có thể dương tính.

Khi tiếp nhận một kết quả xét nghiệm, phải hiểu rõ được tiến hành pha nào của bệnh để biết được giá trị của xét nghiệm.

Do đó, bác sĩ Cấp khuyến cáo, một bệnh nhân sống trong vùng lưu hành sốt xuất huyết, khi xuất hiện sốt, hay dấu hiệu chảy máu bất thường, cần đi khám xem có phải sốt xuất huyết không.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh có nguy cơ diễn biến nặng: Bệnh nhân mệt (đặc biệt trẻ em, trẻ mấy ngày trước khóc nhiều, nay lả đi, người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp); một số bệnh nhân đau tức vùng gan.

Một số bệnh nhân đau khắp bụng, một số bệnh nhân nôn, buồn nôn (nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều); chảy máu chân răng, xuất huyết…; xét nghiệm thấy giảm tiểu cầu, cô đặc máu, men gan tăng…

Khi có một trong các dấu hiệu này, phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Xử lý kịp thời, thường sau 2-3 ngày bệnh nhân có thể ra viện. Nếu giai đoạn này bỏ lỡ 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, suy đa tạng…

"Khi phát hiện dấu hiệu cảnh báo phải đến cơ sở y tế ngay. Vì khoảng thời gian điều trị để bệnh nhân hồi phục không có nhiều, chỉ vài tiếng", bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Hướng dẫn cách bảo quản thực phẩm, tránh ngộ độc
Với nỗi lo ngộ độc thực phẩm tại nhà, theo cảnh báo của chuyên gia, nhiều người vì tiết kiệm thường bọc thức ăn thừa để trong tủ lạnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư