Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 18/9: Số ca tử vong do sốt xuất huyết tại TP.HCM tăng cao
D.Ngân - 18/09/2022 07:54
 
Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn Thành phố ghi nhận 21 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 17 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021.

Dịch sốt xuất huyết phức tạp

Cụ thể, từ ngày 5 đến 11/9, TP.HCM ghi nhận 2.579 ca bệnh sốt xuất huyết mới (gồm 1.194 ca nội trú và 1.385 ca ngoại trú), giảm 11,9% ca so với trung bình 4 tuần trước (2.928 ca), số ca nội trú giảm 21,8% và ngoại trú giảm 1,2%.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn TP ghi nhận 21 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Trong đó, 17/22 quận, huyện có số mắc sốt xuất huyết giảm so với trung bình 4 tuần trước và 5/22 quận, huyện có số mắc trong tuần tăng so với trung bình 4 tuần trước.

Số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy đến tuần 37 là 54.026 ca (29.801 ca nội trú và 24.225 ca ngoại trú), tăng 536,7% so với cùng kỳ năm 2021 là 8.485 ca.

Đáng chú ý, TP.HCM vừa ghi nhận 2 ca mắc sốt xuất huyết tử vong. Như vậy, số ca sốt xuất huyết tử vong từ đầu năm đến nay tại Thành phố này là 21 ca, tăng 17 ca so với cùng kỳ năm 2021 (4 ca).

Tại Hà Nội, sốt xuất huyết Dengue đã ghi nhận số ca mắc bệnh có chiều hướng ngày càng gia tăng.  

Cộng dồn từ đầu năm 2022, Hà Nội ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), không có trường hợp tử vong. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết ở phía Bắc, dự báo số ca mắc tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Ở trẻ biểu hiện cũng giống như các bệnh do virus thông thường nên dễ nhầm lẫn, bỏ sót những dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng gây biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát và diễn biến rất phức tạp ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. 

Vì vậy, cha mẹ trẻ cần quan tâm, chăm sóc trẻ tốt nhất giúp trẻ sớm phát hiện và vượt qua giai đoạn bệnh nguy hiểm.

Đối với trẻ mắc sốt xuất huyết Dengue, triệu chứng điển hình là sốt nên dễ nhầm lẫn với các bệnh do virus thông thường.

Kèm theo đó, trẻ có đau đầu, mỏi người, phát ban, chảy máu cam, chân răng và đi ngoài phân đen tùy theo từng giai đoạn của bệnh.

Giai đoạn đầu: Trẻ thường chỉ có biểu hiện sốt cao 39 - 40 độ liên tục trong 2 - 3 ngày đầu kèm đau đầu, mỏi người.

Giai đoạn nguy hiểm: Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, trẻ sẽ có biểu hiện bứt rứt, khó chịu, quấy khóc. Có thể kèm theo đau bụng, buồn nôn, chảy máu cam, chân răng, đi ngoài ra máu, phân đen, xuất huyết dưới da… Trẻ có thể có rối loạn huyết động và tiểu cầu giảm thấp.

Giai đoạn phục hồi: Trẻ hết sốt, tiểu nhiều, huyết động ổn định, bắt đầu có cảm giác thèm ăn, xét nghiệm tiểu cầu tăng dần.

Sốt xuất huyết nếu không được theo dõi và điều trị phù hợp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. 

Trẻ có thể hết sốt từ ngày thứ 3 nhưng nếu không phát hiện các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như ngủ nhiều, li bì, tiểu ít, quấy khóc bứt rứt, nôn, đau bụng, chảy máu cam, chân răng, nôn máu, đi ngoài phân đen, máu kinh ra nhiều.. có thể khiến trẻ nhanh chóng rơi vào tình trạng nặng, có biến chứng và nguy cơ tử vong. Vì vậy việc chăm sóc và theo dõi sát sao trẻ là rất quan trọng.

Khẩn trương tìm nguồn cung thuốc tê thay thế

Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý dược chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu nhanh chóng tìm nguồn cung thuốc tê để đảm bảo thuốc cho nhu cầu điều trị của các bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt.

Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương đang đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa khi thuốc tê chỉ còn đủ cho 2 tuần nữa. 

Trước sự việc này, ngày 17/9, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, Cục đã nắm được thông tin. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng chỉ đạo Cục Quản lý dược làm việc với bệnh viện để tháo gỡ khó khăn.

Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý dược chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu nhanh chóng tìm nguồn cung thuốc tê để đảm bảo thuốc cho nhu cầu điều trị của các bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt.

Lãnh đạo Bệnh viện Răng Hàm Mặt cũng cho hay, nhu cầu sử dụng thuốc tê của bệnh viện từ 1.000-2.000 ống/tuần. 

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, có 2 hãng cung ứng thuốc tê chính cho bệnh viện là công ty của Pháp và Canada. 

Ngay khi có thông báo về tình trạng khan hiếm thuốc, bệnh viện đã chủ động xây dựng nguồn thuốc thay thế.

Theo Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, ông Trần Cao Bính, thuốc gây tê nha khoa là vật tư y tế chuyên dụng, thành phần chính là Lidocaine HCL hoặc Articaine. Bệnh viện đang trong tình trạng khan hiếm thuốc tê có nồng độ adrenaline 2%.

“Chúng tôi đã có các giải pháp thay thế nếu việc cung ứng thuốc tê nồng độ adrenaline 2% thiếu hụt. Trong thời gian tới, chúng tôi đảm bảo đáp ứng đầy đủ thuốc và vật tư để hoạt động khám, chữa bệnh diễn ra bình thường”, ông Trần Cao Bính khẳng định.

Trước đó, ông Phạm Thanh Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương nói rằng chỉ còn 2 tuần nữa là chúng tôi hết thuốc tê. Nếu không có thuốc tê thì nguy cơ đóng cửa rất cao, vì 2/3 dịch vụ ngoại trú sử dụng thuốc tê.

Với một số loại thuốc tê đã hết, bệnh viện phải thay thế bằng loại thuốc tê khác có tính năng tương tự nhưng cũng rất khó. 

Bởi, hiện nay, theo các công ty dược, giấy phép chưa được gia hạn. Sắp tới, vấn đề cung ứng thuốc tê sẽ rất khó khăn.

Không chỉ riêng Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, thời gian gần đây, hàng loạt bệnh viện lên tiếng về việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. 

Mới đây, Cục Quản lý dược cũng đã nhiều lần yêu cầu các đơn vị nhập khẩu thuốc điều trị chống sốc trong sốt xuất huyết; các loại thuốc sử dụng trong điều trị chống độc; các loại thuốc nội tiết, tim mạch...

Nâng cao chất lượng xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh 4.0 trong chẩn đoán, điều trị bệnh

Ngày 17/9, với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Hệ thống y tế Medlatec phối hợp với Sở Y tế tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị khoa học có chủ đề: “Cập nhật xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh 4.0 trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh". 

Tham dự có gần 1.000 giáo sư, chuyên gia y tế, chuyên khoa đầu ngành về lĩnh vực xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh ở một số bệnh viện Trung ương, bệnh viện tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hoá.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, bác sĩ, cán bộ y tế cùng trao đổi, thảo luận, cập nhật những kiến thức về kinh nghiệm xét nghiệm; vai trò của xét nghiệm; một số vấn đề về xét nghiệm hormon; cập nhật xét nghiệm miễn dịch trong bệnh tuyến giáp; ý nghĩa của xét nghiệm trong sản phụ khoa; tổng quan về chỉ điểm sinh học ung thư; cập nhật chẩn đoán hình ảnh không khoảng cách mô hình 4.0; trình diễn công nghệ chẩn đoán hình ảnh từ xa.

Với uy tín là đơn vị y tế đi đầu về lĩnh vực xét nghiệm y khoa; tiên phong ứng dụng công nghệ chẩn đoán hình ảnh 4.0, hệ thống y tế Medlatec không chỉ có điều kiện tốt phục vụ người dân đến khám chữa bệnh mà trong thời gian gần đây, đơn vị này còn không ngừng mở rộng hợp tác, hỗ trợ các cơ sở y tế trên toàn quốc sử dụng kỹ thuật xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh hiện đại.

Diễn đàn khoa học này là cơ hội để cán bộ ngành Y tế Ninh Bình và các tỉnh bạn cập nhật kiến thức, học hỏi, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh cho người dân tại địa phương.

Covid-19, sốt xuất huyết và cúm A cùng bùng phát, người dân cần cảnh giác
Covid-19, sốt xuất huyết và cúm A là các loại bệnh truyền nhiễm mà người dân cần hết sức cảnh giác.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư