Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 19/10: Ngăn chặn bùng phát dịch sốt xuất huyết; Nâng cao chất lượng báo cáo sự cố y khoa
D.Ngân - 19/10/2022 09:33
 
Trên 600 học viên là các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ làm việc tại hơn 30 cơ sở y tế trên khắp cả nước tham gia buổi tập huấn báo cáo sự cố y khoa trực tuyến.

Chung tay đẩy lùi ung thư vú

Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư- Ngày mai tươi sáng và Bộ Y tế vừa tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông và khám sàng lọc ung thư vú năm 2022 mang tên "Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu" năm 2022 với thông điệp "Bưởi hay chanh, khỏe tươi xanh mới đẹp".

Nhiều câu chuyện, tâm sự cảm động về hành trình điều trị của những phụ nữ ung thư vú đã minh chứng cho hành trình vượt qua bạo bệnh để sống khoẻ, sống vui đã được chia sẻ tại Lễ phát động.

Họ là những người phụ nữ tưởng chừng như tuyệt vọng khi nhận được tin mình đã mắc bệnh ung thư vú. Nhưng, bằng nghị lực, niềm tin và sự động viên của mọi người, họ đã chiến thắng bệnh tật, chung sống với bệnh ung thư 8,10, 12 năm qua.

Ảnh minh hoạ

Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, căn bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Tại Việt Nam hiện nay, ung thư vú đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Hơn nữa, do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để được phát hiện sớm ung thư vú. Còn rất nhiều chị em tới bệnh viện thăm khám đều ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém. Vì vậy việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Việc điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích), liệu pháp miễn dịch và thực tế đã cải thiện đáng kể chất lượng điều trị ung thư vú.

Theo số liệu của bệnh viện K những năm gần đây tỷ lệ khám phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm (Giai đoạn 0, 1, 2) đã đạt trên 70% và tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú cũng đã đạt 70% ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Bộ Y tế cũng kêu gọi cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi ung thư vú; các doanh nghiệp, tổ chức cần đưa chương trình sàng lọc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng đối với phụ nữ bước sang tuổi 40 vào chương trình khám sức khỏe định kỳ để hướng tới một Việt Nam khỏe mạnh, không còn ai tử vong vì ung thư vú.

Năm nay, chương trình khám sàng lọc miễn phí ung thư vú cho 3.400 phụ nữ tại 5 bệnh viện trên toàn quốc gồm: K, Bạch Mai, Ung bướu Hà Nội, Chợ Rẫy và Ung bướu TP. HCM và 3 điểm cộng đồng, từ ngày 18/10 đến 20/11.

Nâng cao số lượng và chất lượng báo cáo sự cố y khoa

Ngày 18/10, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế toàn cầu (NCGM) tổ chức tập huấn báo cáo sự cố y khoa trực tuyến.

Trên 600 học viên là các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ làm việc tại hơn 30 cơ sở y tế trên khắp cả nước đã tham gia buổi tập huấn.

Sự cố y khoa là điều không mong muốn nhưng chúng vẫn xảy ra hàng ngày trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị tại các cơ sở y tế ở nước ta cũng như trên thế giới. Sự cố y khoa do các yếu tố chủ quan và khách quan mà không phải diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh.

Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và an toàn người bệnh là vấn đề sống còn hiện nay. Trọng tâm của công tác an toàn người bệnh chính là ngăn ngừa không để xảy ra sự cố y khoa. Phải phòng ngừa sự cố y khoa, không để sự cố y khoa xảy ra rồi mới khắc phục.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh với quan điểm "Lấy người bệnh làm trung tâm, nhân viên y tế là then chốt, an toàn cho người bệnh là ưu tiên số 1".

Ngành y tế mang tính đặc thù, nguy cơ về sự cố y khoa luôn thường trực, trong đó có các sự cố liên quan đến bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng thuốc.... Vì thế, an toàn người bệnh là phòng ngừa tổn hại cho người bệnh, hạn chế các nguy cơ sự cố y khoa.

Buổi tập huấn báo cáo sự cố y khoa sẽ giúp đội ngũ cán bộ nhân viên y tế hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc báo cáo sự cố y khoa đối với an toàn người bệnh và quản lý chất lượng bệnh viện, đồng thời nâng cao số lượng và chất lượng báo cáo sự cố y khoa.

Cần tích cực nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19

Tính đến ngày 18/10, cả nước đã tiêm 260.802.292 triệu liều vắc-xin Covid-19.

Nhóm từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 3 với tổng số có 50.946.687 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 78,4%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (58,3%); Phú Yên (60,7%); Đồng Nai (53,6%); Đồng Tháp (59,2%); Bình Phước (61,6%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,7%); Sóc Trăng (97,7%).

Tiêm mũi 4: Tổng số có 15.695.068 mũi tiêm.

Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 5.196.605 trẻ (đạt tỷ lệ 60,7%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (38,3%); Quảng Ngãi (38,4%); Phú Yên (23,5%); TP. HCM (35,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (29,2%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (97,3%); Lâm Đồng (91,9%); Sóc Trăng (99,3%).

Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 16.769.008, trong đó mũi 1: 9.874.312 trẻ (đạt tỷ lệ 89,1%)

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (67,5%); TP. HCM (62,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (71%); Đồng Nai (78%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Bình (99,8%); Bắc Giang (99,9%); Quảng Ninh (99,3%)

Tiêm mũi 2: 6.894.696 trẻ (đạt tỷ lệ 62,2%)

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (31,9%); Quảng Nam (33,4%); TP. HCM (34,9%); Bà Rịa - Vũng Tàu (41,1%), Đồng Nai (43,1%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,5%); Sóc Trăng (98,4%); Cà Mau (94,1%).

Quảng Ninh: Tích cực ngăn chặn bùng phát dịch sốt xuất huyết

Tình đến ngày 18/10/2022, Quảng Ninh đã ghi nhận 251 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 218 ca dương tính.

Địa bàn có số ca mắc cao nhất là TP Hạ Long với 136 ca, Cẩm Phả 38 ca, Móng Cái 20 ca, Quảng Yên 18 ca.

Các ca bệnh chủ yếu là người sinh sống tại địa phương (hơn 70%), gần 30% là số ca mắc xâm nhập (người mắc có nguồn lây từ địa phương có số tỉ lệ mắc cao, người có tiền sử đi về từ các tỉnh có dịch sốt xuất huyết).

Số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng và có những diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch rất cao nếu không triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết vào điều trị có xu hướng tăng nhanh. Từ đầu tháng 10 đến nay, khoa tiếp nhận gần 60 ca sốt xuất huyết, xuất hiện chủ yếu tại thành phố Hạ Long.

Để ngăn chặn dịch bùng phát, Sở Y tế Quảng Ninh đã tích cực áp dụng nhiều biện pháp và vận động các hộ gia đình tham gia vào công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, thực hiện diệt loăng quăng bọ gậy tại hộ gia đình, dọn d,ẹp vệ sinh môi trường, không để ao tù, nước đọng...

Sở Y tế cũng khuyến cáo, Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có chung triệu chứng như: Sốt cao 39-40 độ C kéo dài, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; đau cơ và khớp; có thể sưng hạch bạch huyết hoặc phát ban…

Khi phát hiện các dấu hiệu: sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn… người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Tin mới về y tế ngày 17/10: Truyền cảm hứng và động lực sống của những phụ nữ ung thư
Câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường vừa tổ chức ra mắt phiên bản Audio cuốn sách "Không chiến đấu một mình" nhân dịp tháng nâng cao nhận thức về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư