Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 19/11: Thu hồi các lô thuốc trị nhiễm khuẩn chưa có kết quả kiểm tra chất lượng
D.Ngân - 19/11/2022 10:23
 
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có Công văn số 12290: /QLD-CL thông báo thu hồi toàn quốc đối với các lô thuốc bột pha tiêm Greaxim 2g, VD-33386-19 và thuốc bột pha tiêm Greaxim, VD-18235-13.

Hợp tác đào tạo kiến thức vắc-xin học và thực hành tiêm chủng trọn đời

Viện Pasteur TP.HCM và Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam vừa ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược.

Hợp tác chiến lược về đào tạo nhằm nâng cao kiến thức vắc-xin học và thực hành tiêm chủng trọn đời cho cán bộ y tế tại Việt Nam được tiến hành trong 3 năm giai đoạn 2023-2025, với mục tiêu cung cấp kiến thức cho 1.000 cán bộ y tế mỗi năm.

Hướng đến mục tiêu xây dựng một chương trình đào tạo cơ bản, trang bị kiến thức về miễn dịch học, vắc-xin học và thực hành tiêm chủng trọn đời nhằm giúp cán bộ y tế tư vấn và thực hành tiêm chủng cho nhiều lứa tuổi khác nhau một cách chính xác và phù hợp, qua đó nâng cao sự tin tưởng của cộng đồng đối với tiêm chủng vắc-xin và cải thiện tỷ lệ bao phủ vắc-xin trong mọi lứa tuổi.

Ảnh minh hoạ

Trên thực tế tại Việt Nam, chưa có lịch tiêm chủng trọn đời được khuyến cáo chính thức cho các đối tượng thuộc các độ tuổi khác nhau và chưa được triển khai toàn diện. Hiện vẫn chưa có một chương trình đào tạo chuẩn dành cho cán bộ y tế khi tham gia thực hành tiêm chủng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vắc-xin ở các nhóm đối tượng mầm non, thanh thiếu niên, người lớn, người có nguy cơ cao tại Việt Nam vẫn còn rất thấp.

Chương trình đào tạo được dự kiến triển khai qua hình thức hội nghị trực tuyến để nhiều cán bộ y tế cả nước có thể tham gia.

Chương trình với nhiều chủ đề thiết thực như: Vắc-xin học và miễn dịch học cơ bản; Tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ đang tập đi; Tiêm chủng cho trẻ mầm non và trẻ vị thành niên; Tiêm chủng cho người lớn và khách du lịch; Tiêm chủng cho người đang mang thai và các nhóm dân cụ thể; An toàn trong việc tiêm chủng - Bảo quản và xử lý vắc-xin…

Thu hồi các lô thuốc trị nhiễm khuẩn chưa có kết quả kiểm tra chất lượng

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có Công văn số 12290: /QLD-CL thông báo thu hồi toàn quốc đối với các lô thuốc bột pha tiêm Greaxim 2g, VD-33386-19 và thuốc bột pha tiêm Greaxim, VD-18235-13.

Các lô thuốc trên đã được Công ty cổ phần dược phẩm Am Vi (Lô B14-3,4, đường N13, khu công nghiệp Đông Nam, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM) xuất xưởng, đưa ra lưu hành trước khi có kết quả kiểm tra chất lượng nguyên liệu và kết quả kiểm tra chất lượng thành phẩm, vi phạm quy định tại điểm e, Khoản 1, Điều 62 Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/4/2016.

Greaxim có thành phần hoạt chất chính là Cefotaxim, được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm phổi, áp xe não...

Các lô thuốc bị thu hồi gồm: Thuốc bột pha tiêm Greaxim 2g (dưới dạng Cefotaxim sodium 2g), Số GĐKLH: VD-33386-19: Số lô: 060822, HD: 11/08/2024; Số lô: 070822, HD: 14/08/2024; Số lô: 080822, HD: 15/08/2024;
Thuốc bột pha tiêm Greaxim (dưới dạng cefotaxim natri 1 g), Số GĐKLH: VD-18235-13: Số lô: 110822, HD:08/08/2024; Số lô:120822, HD: 09/08/2024; Số lô: 130822, HD: 10/08/2024.

Công ty cổ phần dược phẩm Am Vi phải phối hợp với nhà phân phối thuốc trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ký Công văn gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng các lô thuốc bột pha tiêm Greaxim 2g, VD-33386-19 và Greaxim 1 g, VD-18235-13 do công ty sản xuất và tiến hành thu hồi toàn bộ các lô thuốc vi phạm nêu trên.

Gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trong vòng 18 ngày kể từ ngày ký Công văn, hồ sơ thu hồi bao gồm số lượng sản xuất, số lượng phân phối, ngày sản xuất, số lượng thu hồi, các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bánbuôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 04/05/2018 của Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi các lô thuốc vi phạm nêu trên, công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên Trang thông tin điện tử của Sở, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng có liên quan.

Sở Y tế TP.HCM kiểm tra và giám sát Công ty cổ phần dược phẩm Am Vi thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.

Nam Định nỗ lực ngăn dịch sốt xuất huyết lan rộng

Theo Sở Y tế tỉnh Nam Định, tính đến ngày 15/11, tỉnh đã ghi nhận trên 1.300 ca mắc sốt xuất huyết lâm sàng tại 10 huyện, thành phố.

Thành phố Nam Định là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất với 529 ca, huyện Hải Hậu có 63 ca, huyện Ý Yên có 54 ca. Toàn tỉnh đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết tại xã Xuân Ninh (huyện Xuân Trường), xã Hải Đông và xã Hải Đường (huyện Hải Hậu).

Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện từ đầu tháng 6 với 27 ca mắc có biểu hiện lâm sàng, tháng 7 số ca mắc đã tăng lên 69 ca, tháng 10 ghi nhận tới 517 ca mắc. Toàn tỉnh đã có 360 ổ dịch, sau nhiều nỗ lực ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, hiện nay Nam Định vẫn còn 113 ổ dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Các biện pháp xử lý được triển khai trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được xác định, đồng thời thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định đã xây dựng phương án, chủ động ứng phó với mọi tình huống, thành lập các tổ điều trị, đội phản ứng nhanh kịp thời điều tra véc-tơ, xử lý môi trường khi phát hiện ca bệnh;

Tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách của trung tâm y tế các huyện, các trạm y tế xã, phường trên địa bàn về kỹ năng giám sát, điều tra dịch tễ và thống kê báo cáo, xử lý số liệu bằng vi tính cũng như truyền tải thông tin bằng internet; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom, diệt ổ bọ gậy; phun hoá chất chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế…

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định khuyến cáo, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh như: đậy kín các dụng cụ chứa nước, dọn vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật liệu phế thải như chai lọ, mảnh sành… không để nước đọng cho muỗi đẻ trứng; tích cực diệt lăng quăng, bọ gậy.

Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, buồn nôn phải đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Hơn 107.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm trong ngày 18/11

Theo số liệu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vừa được Bộ Y tế cập nhật, ngày 18/11, có 107.210 liều vắc-xin được tiêm tại 35 địa phương, trong đó 81.504 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 25.706 mũi tiêm cho trẻ 5-11 tuổi

Tính đến nay, cả nước đã triển khai tiêm được 263.166.365 liều vắc-xin.

Nhóm từ 18 tuổi trở lên: Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 51.418.540 mũi tiêm (79,3%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (62,2%); Bình Định (59,3%); Phú Yên (61,4%); Đồng Nai (53,7%); Đồng Tháp (59,7%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,9%); Sóc Trăng (99,3%).

Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 16.727.058 mũi tiêm (85,1%) tăng 0,1%.

Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 5.593.012 trẻ (65,4%) tăng 0,1%. Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (38,9%); Phú Yên (38,3%); Bình Thuận (42,7%); TP.HCM (36,1%); Đồng Nai (42,3%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,7%); Lâm Đồng (93,4%); Sóc Trăng (99,9%).

Nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 17.128.494. Mũi 1: 9.981.131 trẻ (90%) tăng 0,2%.

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (67,5%); TP.HCM (63,6%); Đồng Nai (79,9%); Phú Thọ (81,3%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Bình (99,8%); Bắc Giang (99,9%); Quảng Ninh (99,3%).

Mũi 2: 7.147.363 trẻ (64,4%) tăng 0,5%. Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (46,6%); Đà Nẵng (31,9%); Quảng Nam (34%); TP.HCM (36,3%); Đồng Nai (44,7%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,4%); Sóc Trăng (99,8%); Cà Mau (96,3%).

Nỗi lo thuốc giả, thuốc kém chất lượng
Nhu cầu thuốc điều trị tăng cao trong khối cảnh dịch bệnh phức tạp dường như đã tạo cơ hội cho các đối tượng kinh doanh chụp giật, trục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư