Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 20/2: Cấp thuốc Methadone hàng ngày cho bệnh nhân; Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành y tế
D.Ngân - 20/02/2023 09:38
 
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành đang cấp thuốc điều trị Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân chuyển sang cấp thuốc hàng ngày.

Cấp thuốc hàng ngày cho bệnh nhân điều trị Methadone

Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện được triển khai từ tháng 4/2021 tại Điện Biên, Lai Châu và Hải Phòng. Sau đó được mở rộng thêm tại Lào Cai, Bắc Giang và Nghệ An từ ngày 4/3/2022.

Đề án thí điểm hiện đã kết thúc. Trong khi chờ ý kiến của Chính phủ về việc cho phép triển khai cấp thuốc Methadone nhiều ngày, Bộ Y tế đề nghị chuyển toàn bộ các bệnh nhân đang được cấp phép nhiều ngày sang cấp thuốc hàng ngày. Bộ Y tế sẽ thông báo cho các tỉnh thành phố khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai cấp thuốc nhiều ngày.

Ảnh minh hoạ

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, các tỉnh, thành đang thực hiện cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân đã chuyển toàn bộ bệnh nhân sang diện cấp phát thuốc hàng ngày.

Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành y tế

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về tiến độ triển khai các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống y tế giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội.

Cụ thể, 5 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 triển khai nâng cấp, xây dựng và mở rộng 5 bệnh viện: Đa khoa huyện Thường Tín; Nhi Hà Nội giai đoạn I; Đa khoa Hà Đông; Đa khoa huyện Ba Vì và Đa khoa Sơn Tây.

7 dự án đã được phê chủ trương đầu tư, bao gồm: Nâng cấp Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội; xây dựng Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2, Trung tâm Pháp y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, đồng thời, cải tạo và nâng cấp đầu tư hệ thống khí y tế và hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế tại các bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội.

10 dự án còn lại đang lập, trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, gồm: Xây dựng Bệnh viện Thận cơ sở 2; cải tạo và nâng cấp Bệnh viện Bắc Thăng Long; nâng cấp Bệnh viện Đa khoa y học cổ truyền; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội; Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội; xây mới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hà Nội khu vực phía Bắc; Bệnh viện Mắt thành phố Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Nam và cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

Với các dự án đầu tư cải tạo nâng cấp và xây mới các bệnh viện nêu trên sẽ giúp tăng cơ số giường bệnh, giúp cho ngành Y tế Thủ đô thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, khi triển khai, thực hiện, các dự án cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như giải phóng mặt bằng; việc triển khai gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế; làm sao khi di dời cơ sở khám chữa bệnh để nâng cấp mà vẫn bảo đảm duy trì công tác khám, chữa bệnh cho người dân; việc tổ chức bộ máy, nhân sự khi đưa vào vận hành…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt 30-35 giường bệnh/vạn dân. Nếu lấy con số tối thiểu là 30 giường bệnh/ vạn dân thì Hà Nội đang cần bổ sung 4.204 giường bệnh.

Lãnh đạo Thành phố đề nghị ngành Y tế Thủ đô cần phải nâng tầm một số lĩnh vực là thế mạnh của các bệnh viện trực thuộc như: Tim mạch, thận… Từ đó, xây dựng những cơ sở này thành trung tâm khám, chữa bệnh ngang tầm khu vực và quốc tế để người dân không phải ra nước ngoài chữa bệnh.

Đồng thời trong quá trình triển khai, các đơn vị gặp khó khăn, đặc biệt là trong khâu giải phóng mặt bằng cần gửi kiến nghị thẳng lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Đơn vị này sẽ có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, gửi UBND Thành phố để cùng đưa phương án tháo gỡ.

Cảnh báo tai nạn hóc dị vật do ngậm trị ho

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận một bệnh nhân, nam 58 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, ho khạc đờm nhiều.

Cách vào viện 5 ngày bệnh nhân sau nhiễm lạnh xuất hiện ho khan. Theo phương pháp điều trị dân gian, người bệnh tự ngậm vỏ quả Kha Tử trị ho. Trong lúc ngậm xuất hiện ho đột ngột, bệnh nhân không biết mình có hít phải dị vật không, nhưng không thấy khó thở nên cũng không đi khám kiểm tra.

Sau 2-3 ngày xuất hiện sốt cao 39-40 độ, ho tăng hơn, khàn tiếng, người bệnh đến viện 108 khám, chụp CT Sanner ngực thấy hình ảnh tổn thương đông đặc thùy giữa phổi phải và phát hiện dị vật trong lòng phế quản. Qua nội soi phế quản ống mềm thấy dị vật có kích thước 1,2cm x 1,5cm gây tắc hoàn toàn phế quản trung tâm.

 Khoa hô hấp đã tiến hành gắp dị vật thành công, hút rửa sạch phế quản. Sau khi được nội soi lấy dị vật thành công bệnh nhân hết sốt, triệu chứng ho giảm. Tiếp tục điều trị kháng sinh, bệnh nhân dần ổn định và ra viện.

Dị vật đường thở là tình trạng trong thanh - khí - phế quản của người bệnh đang mắc các vật dụng vô cơ hoặc thức ăn kích thước lớn. Khi có dị vật người bệnh thường có các triệu chứng như: ho sặc sụa, khó thở, tím tái, khàn tiếng…

Nếu không được chẩn đoán và xử trí nhanh chóng có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: Suy hô hấp, viêm phế quản- phổi, xẹp phổi, áp xe phổi, tràn mủ màng phổi do áp xe vỡ vào màng phổi, giãn phế quản do dị vật bỏ quên lâu ngày, sẹo hẹp thanh quản thậm chí tử vong. Khi nhắc đến dị vật đường thở chúng ta thường nghĩ ngay đến đối tượng là trẻ em, người già nhưng hóc dị vật có thể xảy ra với bất kì ai nếu chúng ta sơ suất.

Khuyến cáo người dân, khi nghi ngờ bị hóc dị vật…Tùy lứa tuổi và tình trạng của nạn nhân mà xử trí đúng cách và nhanh chóng. Nếu không có kinh nghiệm và được đào tạo, tốt nhất bạn nên tìm người có chuyên môn hoặc chờ đội cấp cứu, không nên cố gắng dùng tay móc hoặc chữa mẹo dân gian để lấy dị vật ra.

Những việc này làm cho niêm mạc miệng xước, dễ chảy máu, nhiễm trùng hoặc làm dị vật có thể mắc sâu hơn và rơi xuống những vị trí nguy hiểm. Mỗi người dân cần trang bị cho bản thân và gia đình các kiến thức sơ cứu cơ bản các tai nạn thường gặp nhất là hóc dị vật.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư