Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 20/9: Sốt xuất huyết đang ở cao điểm; Chủ động trước bệnh cúm mùa
D.Ngân - 20/09/2022 09:27
 
Từ ngày 9/9 đến 16/9, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 760 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 38,9%) so với tuần trước đó, có 1 trường hợp tử vong.

Hà Nội phát hiện thêm chủng virus sốt xuất huyết Dengue 4

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tiếp tục tăng cao so với tuần trước.

Từ ngày 9/9 đến 16/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 760 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 38,9%) so với tuần trước đó, có 1 trường hợp tử vong.

Tổng cộng, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 4 ca tử vong.

Hà Nội đã ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong. Nguồn: TTXVN

Ngoài type virus gây bệnh lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, trên địa bàn Hà Nội vừa phát hiện thêm chủng virus Dengue 4.

Từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 311 ổ dịch tại 28 quận, huyện. Hiện còn 118 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, trong đó, 2 ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân là ổ dịch thôn Vực, xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) và ổ dịch thôn Bùng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất).

Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch. Virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng khác nhau, là: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Hà Nội đã phát hiện ra 3 chủng virus gây bệnh trên địa bàn là Dengue 1, Dengue 2 và Dengue 4.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết, nên chỉ có thể điều trị bằng cách kiểm soát triệu chứng, uống nhiều nước kết hợp nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Những người sốt cao trên 38,5 độ C thì có thể dùng thuốc hạ sốt.

Trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng và nôn ói nhiều; không ăn uống được, chảy máu mũi miệng, xuất huyết thì gia đình nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế.

Chủ động trước bệnh cúm mùa

Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam vừa kết hợp với công ty TNHH Sanofi-Aventis tổ chức thảo luận báo chí "Cập nhật diễn biến cúm mùa & biện pháp phòng bệnh".  

Thảo luận có sự tham gia của các chuyên gia y tế đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, nhằm cập nhật những diễn biến mới nhất của bệnh cúm mùa cũng như khuyến nghị từ các cơ quan y tế về tầm quan trọng của việc tiêm phòng bệnh.

Tại Việt Nam, bệnh cúm diễn ra quanh năm. Trong đó, cúm tại miền Bắc đạt đỉnh vào mùa đông- xuân và có xu hướng tăng vào mùa hè tại miền Nam. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay, các cơ sở y tế, bệnh viện miền Bắc lại ghi nhận sự gia tăng bất thường số ca mắc cúm, trong đó, nhiều trường hợp có chỉ định nhập viện và biến chứng viêm phổi, suy hô hấp.

Theo các chuyên gia, nước ta đang ở thời điểm giao mùa, độ ẩm cao tạo môi trường thuận lợi cho virus cúm hoạt động mạnh. Ngoài ra, cúm là bệnh hô hấp, lây qua giọt bắn, dịch tiết mũi họng, dễ lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp ở nơi đông người.

Thời điểm tựu trường cũng là lúc trẻ nhỏ, học sinh đến trường, thường xuyên tiếp xúc cộng đồng, khiến nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao. Một nguyên nhân nữa được ghi nhận qua các ca bệnh nhập viện là sự chủ quan của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó dẫn đến lơ là phòng ngừa cúm trong sinh hoạt hàng ngày, không tiêm ngừa định kỳ để củng cố và duy trì lượng kháng thể.

Cúm thường có triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh nên người dân thường có tâm lý chủ quan, không chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, cúm mùa rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền mạn tính (tim mạch, đái tháo đường, hen suyễn, COPD…). 

Vì virus cúm biến đổi liên tục hằng năm, nên việc chủ động tiêm ngừa cúm mỗi năm một lần sẽ giúp đảm bảo độ tương thích của kháng thể với chủng vi-rút cúm lưu hành thực tế.

Nên thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi tới nơi đông người; thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất và luyện tập thể thao để tăng cường đề kháng, nâng cao thể trạng.

Lai Châu: Tăng cường tổ chức các điểm tiêm vắc-xin Covid-19 lưu động

UBND tỉnh Lai Châu vừa ban hành Công văn về việc tăng cường công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 và phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục quán triệt các quan điểm chỉ đạo và tập trung thực hiện các mục tiêu theo văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế.

Ngành y tế và các địa phương trong trường hợp cần thiết tham mưu thành lập các tổ công tác đặc biệt với sự tham gia của chính quyền các cấp, ngành y tế, các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc vận động, rà soát đối tượng tiêm chủng.

Ngành tăng cường tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, tại nhà; tổ chức tiêm vét tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp, tổ chức "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để vận động tiêm vắc-xin phòng, chống dịch; chỉ đạo cập nhật cơ sở dữ liệu tiêm chủng thường xuyên, kịp thời, đầy đủ.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, trường hợp cần thiết tổ chức diễn tập theo tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.

Tính tới 18/9, tỉnh Lai Châu đã tiêm mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19 cho 210.695 người từ 18 tuổi trở lên, đạt 93,8% và tiêm mũi 4 cho 52.312 người, đạt 97,6%.

Số người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được tiêm mũi 3 là 35.226, đạt 78,3%; trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi được tiêm mũi 1 là 74.637 em, đạt 94,3% và tiêm mũi 2 là 55.422, đạt 70%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư