Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 2/10: Đã có 21 ca tử vong vì tay chân miệng
Dương Ngân - 02/10/2023 08:53
 
Theo Bộ Y tế, đến thời điểm này cả nước có hơn 86.000 ca bệnh tay chân miệng với 21 ca tử vong.

Quan tâm tới các biện pháp phòng dịch

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, bệnh tay chân miệng tại Hà Nội đang có xu hướng tăng trong 2 tuần gần đây và có thể tiếp tục tăng khi học sinh khối mầm non, tiểu học đã bắt đầu năm học mới.

Theo CDC Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.657 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, chưa có tử vong. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (1.427 mắc), có xu hướng tăng trong 2 tuần gần đây.

Nếu như đầu tháng 9, ghi nhận 70 trường hợp mắc/tuần thì cuối tháng 9 tăng lên 139 ca/tuần. Số ca mắc tăng là do học sinh đã vào năm học, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh nhanh. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 30/30 quận huyện thị xã, chưa ghi nhận ổ dịch lớn, ổ dịch phức tạp.

Trước tình hình số ca mắc bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng, TP. Hà Nội yêu cầu thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các trường học chuẩn bị tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường.

Đối với khối trường Mầm non, Tiểu học cần tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh để phòng chống bệnh tay chân miệng. Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh trong trường học.

Đã có 21 ca tử vong vì tay chân miệng

Theo Bộ Y tế, tuần qua, cả nước ghi nhận 5.250 ca mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 86.078 ca mắc, 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng 75,4%, số tử vong tăng 18%. Ca tử vong gần đây nhất là bệnh nhi 3 tuổi, trú tại Cà Mau.

Bé có biểu hiện sốt, mệt được chuyển đến bệnh viện địa phương điều trị, nhưng diễn tiến ngày càng nặng, được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 4 và phải thở máy. 

Không chỉ gia tăng mắc ở khu vực phía Nam, tại Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng cũng có xu hướng tăng.

Nếu như đầu tháng 9, ghi nhận 70 trường hợp mắc/tuần thì cuối tháng 9 tăng lên 139 ca/tuần. Sở dĩ số ca mắc tăng là do học sinh đã vào năm học, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh nhanh. 

Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Để phòng bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện tay chân miệng. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác, cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

5 ca đậu mùa khỉ được phát hiện tại Việt Nam

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) vừa ghi nhận thêm 1 bệnh nhân mắc bệnh Đậu mùa khỉ (Mpox) cư trú tại TP.HCM. Như vậy tính đến nay, TP đã ghi nhận 4 trường hợp mắc Mpox trong tổng số 5 trường hợp của cả nước.

Liên quan đến ca bệnh này, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước đó, ngày 28/9, bệnh nhân nam, 34 tuổi đến khám tại Bệnh viện Da liễu với các dấu hiệu nghi ngờ mắc Mpox.

Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM. Một ngày sau đó, kết quả xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân dương tính với virus Mpox. Bệnh nhân hiện đang cách ly điều trị.

Sau khi có kết quả mắc Mpox, HCDC đã tiến hành điều tra tiền sử đi lại, lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 21 ngày trước khi khởi bệnh. Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân thường trú tại huyện Bình Chánh, chưa ghi nhận yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây. 

Sau khi được chẩn đoán bệnh Mpox, bệnh nhân thông báo cho các người tiếp xúc gần. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh báo ngay cho Trạm Y tế.

Bên cạnh đó, người ở chung với bệnh nhân được hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ căn nhà, phòng và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân.

Những người tiếp xúc hiện sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu mắc bệnh. HCDC tiếp tục điều tra, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân và người tiếp xúc.

Trường hợp bệnh nhân mắc Mpox trước đó tạm trú tại TP.HCM (bệnh nhân thứ 3) hiện vẫn được cách ly điều trị, sức khỏe ổn định. Ngoại trừ 1 người tiếp gần với người này tại Bình Dương đã mắc Mpox thì những người tiếp xúc còn lại chưa ghi nhận dấu hiệu bệnh. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh Mpox.

Theo tổng hợp của HCDC và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, tính đến ngày 27/9, trên toàn thế giới đã có 90.630 ca Mpox được xác định.

Được biết, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Báo cáo tình hình số ca mắc Mpox vào ngày 14/8 thì đến ngày 11/9, WHO đã nhận được báo cáo về 1131 trường hợp mới được xác nhận mắc bệnh Mpox và 5 trường hợp tử vong mới.

Cũng theo báo cáo của WHO, ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số ca bệnh Mpox mới ở Thái Lan và Trung Quốc, hầu hết bệnh nhân là nam giới trẻ, đa số có quan hệ tình dục đồng giới. 

Tại Việt Nam, Mpox là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Ngay từ khi phát hiện ca Mpox đầu tiên xâm nhập từ nước ngoài, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo HCDC và các bệnh viện, phòng khám… triển khai các hoạt động giám sát và truyền thông phòng chống sự lây lan của bệnh.

Ngành y tế khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh Mpox cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.

Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm.

Người bệnh đồng thời cũng cần phối hợp truyền thông cho những người tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.

Cảnh báo biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng
Khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa điều trị thành công cho bệnh nhi bị suy hô hấp nặng do biến chứng của bệnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư