Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 10 tháng 10 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 21/11: Không chủ quan với các bệnh lý về mắt
D.Ngân - 21/11/2023 09:03
 
70% trẻ không thể giữ lại mắt, giữ thị lực do đến viện muộn, khối u phát triển lớn phá vỡ nhãn cầu.

Phát hiện sớm, điều trị khỏi

TS. Phạm Thị Minh Châu, Phó trưởng Khoa mắt Trẻ em, phụ trách Đơn vị ung bướu mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, u mắt có thể lành tính hoặc ác tính, nhưng nếu không được điều trị và theo dõi có thể gây giảm, mất thị lực hoặc phải cắt bỏ nhãn cầu, thậm chí có khả năng đe dọa tính mạng. Các khối u ác tính ở mắt có thể nguyên phát tại mắt hoặc di căn đến mắt từ một cơ quan khác trong cơ thể.

Ảnh minh hoạ.

Cũng theo TS.Minh Châu, trong thực tế điều trị, 70% bệnh nhân không thể giữ lại mắt, giữ thị lực do đến viện muộn, khối u phát triển lớn phá vỡ nhãn cầu. Chỉ khoảng 30% bệnh nhân được phát hiện sớm, giữ được mắt. May mắn, với ung thư mắt, khi đã loại bỏ khối u, trẻ có cuộc sống hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh.

Chuyên gia cũng cho biết, bệnh ung thư mắt có yếu tố di truyền. Với những bệnh nhân bị ung thư mắt, có trẻ từ 1 tháng tuổi đã được phát hiện có khối u, điều trị ngay hoàn toàn giữ được thị lực cho trẻ.

Một số nghiên cứu thống kê từ năm 2018 -2022 cho thấy, hằng năm có khoảng hơn 1.000 lượt bệnh nhân bị ung thư mắt cũng như có các khối u tại mắt đến khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương.

Riêng trong năm 2019, bệnh viện Mắt trung ương điều trị cho 560 u lành và 279 u ác tính các loại (có kết quả giải phẫu bệnh). Trung bình mỗi năm có khoảng 40-50 ca mắc mới, số lượng bệnh nhân tăng dần theo năm.

Các bệnh lý ung thư mắt đang được phát hiện, điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương, bao gồm: Khối u bề mặt nhãn cầu (u kết mạc, u bì, u giác mạc); khối u phần phụ nhãn cầu (tuyến lệ chính, u lympho, u hốc mắt, u thị thần kinh); các khối u nội nhãn (võng mạc, u màng bồ đào, u mống mắt- thể mi, ung thư hắc mạc).

Cảnh báo rối loạn học tập ở trẻ em

Trẻ gặp khó khăn trong đọc, viết, tính toán, lúng túng khi diễn đạt, kết quả học tập kém... kéo dài hơn 6 tháng có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn học tập.

Phát hiện, điều trị sớm là cách tốt nhất giúp trẻ có thể tham gia quá trình học tập, cân bằng cuộc sống. Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần Nhi - Thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia, trẻ có thể bị rối loạn đọc (dyslexia): Khó khăn trong việc đọc, đánh vần, nói và nghe; rối loạn viết (dysgraphia): Khó khăn trong việc viết; rối loạn tính toán(dyscalculia): Khó khăn trong lĩnh vực lý luận toán học và tính toán.

Trong đó, phổ biến nhất là rối loạn đọc, với khoảng 10-36% trẻ tuổi đi học, chiếm từ 3-12% dân số, thường ở trẻ trai. Rối loạn tính toán ít được nghiên cứu hơn, xảy ra ở 5-8% trẻ. Tỷ lệ nam tương đương với nữ.

Biểu hiện cụ thể là trẻ nhỏ thường khó khăn về các khái niệm số cơ bản, trẻ lớn hơn có khó khăn trong hiểu các thuật toán.

Thông thường rối loạn học tập ảnh hưởng đến kết quả học tập, cũng như chức năng học tập của trẻ. Cần phân biệt rối loạn học tập với các rối loạn khác.

Trẻ bị rối loạn học tập chỉ có thể gặp khó khăn trên một phương diện, như: Đọc, viết, tính toán, nhưng các thông số về trí tuệ, khả năng tương tác của trẻ hoàn toàn bình thường.

Rối loạn học tập khác với khuyết tật về trí tuệ (tất cả các khả năng trí tuệ của đứa trẻ đều bị chậm, ở nhiều khía cạnh học tập, cuộc sống), cũng khác về tự kỷ (khả năng tương tác xã hội có sự bất thường).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn học tập ở trẻ, trong đó có cả yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.

Giống như rối loạn phát triển khác, việc can thiệp là cả quá trình cần có sự hỗ trợ liên tục, kéo dài, bao gồm sự tham gia của bác sĩ tâm thần, bác sĩ chuyên khoa/chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý, giáo dục... để hỗ trợ trẻ giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của rối loạn.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ nên đưa con đi khám để được chẩn đoán sớm. Phát hiện càng sớm càng giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đối với người bệnh.

TS.Trịnh Thanh Hương, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia chia sẻ, thông thường rối loạn học tập chỉ làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ, không ảnh hưởng đến các mặt khác của đời sống, vì thế nhiều bố mẹ chưa thực sự chú ý.

Chỉ khi trẻ có các biểu hiện khác như rối loạn cảm xúc, lo âu, trầm cảm, tăng động giảm chú ý..., người bệnh mới được gia đình đưa đến khám.

Đồng thời, nhiều bậc cha mẹ than phiền về việc mất nhiều thời gian cho việc học của con, thậm chí có những trường hợp cha mẹ mâu thuẫn khi dạy dỗ con; dẫn đến bản thân cha mẹ kiệt sức, mệt mỏi, vô tình gây áp lực cho trẻ.

Trẻ gặp áp lực khi đã cố gắng hết sức nhưng chưa đạt được kỳ vọng của bố mẹ, dần dần thiếu tự tin trong cuộc sống. Trong các gia đình có sự quan tâm của phụ huynh sẽ phát hiện ra được những khó khăn trong việc học tập của trẻ.

Mặc khác, vai trò của thầy, cô giáo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, thông tin thường xuyên tình hình học tập của trẻ đến phụ huynh.

Việc tuyên truyền và liên kết giữa nhà trường và phụ huynh là hết sức quan trọng và cần thiết. Các bác sĩ cũng khẳng định, việc chữa khỏi rối loạn học tập là không thể, tuy nhiên, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp thuyên giảm bệnh và bù đắp các hoạt động chăm sóc khác để trẻ có thể cân bằng trong cuộc sống.

Liệu pháp giúp người bệnh ung thư phổi sống trọn vẹn hơn
Số liệu năm 2020 từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) cho thấy Việt Nam có thêm 26.262 người bị phát hiện mắc ung thư phổi mỗi năm và có hơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư