Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 21/7: Tổ chức sáng kiến y tế từ xa “Bác sĩ cho mọi nhà”
D.Ngân - 21/07/2023 10:39
 
Sáng kiến y tế từ xa “Bác sĩ cho mọi nhà” minh chứng vai trò của chuyển đổi số đối với việc thúc đẩy bình đẳng trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Bác sĩ cho mọi nhà

Tác động của sáng kiến y tế từ xa tuyến y tế cơ sở "Bác sĩ cho mọi nhà" ở Việt Nam đã được thể hiện thông qua phản hồi của người sử dụng tham gia khảo sát tại địa bàn thực hiện dự án này. 

Ảnh minh hoạ.

Việc triển khai phần mềm sáng tạo này đã thay đổi việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách trao quyền cho người bệnh lựa chọn và đặt hẹn với các cán bộ y tế vào thời điểm phù hợp nhất.

Người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh có thể nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời từ trạm y tế xã với sự tư vấn của bác sĩ tuyến trên thông qua kết nối trực tuyến sử dụng ứng dụng "Bác sĩ cho mọi nhà”. 

Cách tiếp cận này không chỉ giảm chi phí cho người bệnh khi được chăm sóc y tế từ xa mà còn nâng cao năng lực của cán bộ y tế tại trạm y tế xã, thúc đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe linh hoạt hơn. 

Những kết quả nổi bật này đã được trình bày tại hội thảo do Bộ Y tế và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức, đã nêu bật những đóng góp quan trọng của sáng kiến này trong việc chuyển đổi số của ngành Y tế.

GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với UNDP để huy động nguồn lực thực hiện chương trình chuyển đổi số y tế, hoàn thành các chỉ tiêu về chương trình nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, hướng tới việc quản lý sức khỏe nhân dân trên môi trường số và tiếp tục ưu tiên các hoạt động nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở.

"Bác sĩ cho mọi nhà" được triển khai từ năm 2020. Quá trình thực hiện đến nay đã qua hai giai đoạn phát triển phần mềm và thử nghiệm tại các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn từ năm 2021 đến năm 2022. 

Dựa trên những kết quả tích cực và bài học từ giai đoạn ban đầu này, giai đoạn 2 được thực hiện tại 5 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk và Cà Mau.

"Bác sĩ cho mọi nhà" là cầu nối cán bộ y tế tại trạm y tế xã với các đơn vị y tế tại tuyến huyện và các tuyến trên, giúp công tác tư vấn, hướng dẫn điều trị hiệu quả. 

Chương trình có tính năng cuộc gọi truyền hình, hỗ trợ thực hiện các cuộc họp giao ban hoặc sinh hoạt chuyên môn. 

Phần mềm còn có ứng dụng điện thoại thông minh thân thiện với người dùng, trao quyền cho người dân trong cộng đồng địa phương, bao gồm cả người dân tộc thiểu số và người khuyết tật, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Từ tháng 11/2022, phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" đã được cài đặt và triển khai tại 1.403 cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại 5 tỉnh, tất cả đều được kết nối thông suốt với Trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế.

Chương trình cũng đã thiết lập các phòng chức năng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại 75 Trạm y tế xã có nguy cơ cao thông qua việc trang bị 75 bộ máy tính để bàn, webcam microphone và loa ngoài với chất lượng tốt để đảm bảo dịch vụ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa hiệu quả.

Sáng kiến y tế từ xa này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cán bộ y tế, với 4.900 cán bộ ở cấp tỉnh, huyện và xã được đào tạo để sử dụng ứng dụng "Bác sĩ cho mọi nhà" một cách hiệu quả. 

Chương trình cũng đạt được những kết quả ấn tượng từ người dân trong cộng đồng, với 755.000 tài khoản cho người dân đã được tạo, khoảng 28.000 yêu cầu hẹn khám đã đặt thông qua hệ thống này tính tới tháng 6 năm 2023.

Một trong những điểm nổi bật chính của dự án này là tiềm năng mang lại những cải tiến rõ rệt trong việc tiếp cận và kết quả chăm sóc sức khỏe không chỉ trong bối cảnh Covid-19. 

Cách tiếp cận bền vững trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe này được xây dựng dựa trên đề án trình khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế giai đoạn 2020-2025, đã nhấn mạnh các nguyên tắc quản trị lâm sàng nhằm đảm bảo mọi người nhận được các dịch vụ y tế chất lượng cao và chuyên nghiệp ở cấp độ phù hợp nhất trong hệ thống. 

Chiến lược này giúp kiểm soát dịch bệnh, giảm quá tải ở các cơ sở y tế tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến dưới.

Việc đảm bảo chuyển tuyến kịp thời và sự chỉ đạo liên tục của các cơ sở y tế và các bác sĩ chuyên khoa tuyến trên khi có yêu cầu sẽ mang lại kết quả chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhận xét, UNDP đặt ưu tiên cao trong việc hỗ trợ Lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia của Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, bao gồm cả chuyển đổi kỹ thuật số về y tế. 

Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là hỗ trợ phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe từ xa tuyến y tế cơ sở trên toàn quốc, nơi mà những nhân viên y tế cơ sở được hỗ trợ bằng những hướng dẫn sẵn có và bệnh nhân nhận được chăm sóc chất lượng cao đúng thời gian.

"UNDP đang làm việc với Bộ Y tế, các tỉnh và các đối tác khác tại Việt Nam để huy động thêm các nguồn lực nhằm hỗ trợ mở rộng ra nhiều tỉnh hơn và tiếp tục xây dựng khung pháp lý và chính sách cho chương trình khám, chữa bệnh từ xa”, đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết.

Nhiều trẻ bị thương tích nặng vì bị chó cắn.

Gần đây Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp bị chó cào, cắn. Trường hợp tiêu biểu là bệnh nhi Hoàng Phước N, 8 tuổi (Xuân Khanh, Sơn Tây, Hà Nội) nhập viện ngày 20.5 trong tình trạng hoảng hốt, sợ hãi, vành tai phải bị biến dạng, mất một phần sụn, chảy nhiều máu.

Qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhi cho biết: “Vết thương là do bị chó lạ vồ, cào vào tai khi bé vừa ra khỏi nhà. 

Đó là giống chó Phú Quốc, rất to, cao khoảng 50cm, đang được thả rông và không đeo rọ mõm, chó lao vào bé rất nhanh nên người nhà không kịp ngăn cản”. Sau khi tai nạn xảy ra, bé N. được gia đình đưa ngay đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. 

Các bác sĩ đã sơ cứu vết thương rồi hội chẩn với chuyên khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để đánh giá nguy cơ về bệnh dại. Bệnh nhi sau đó được tiêm phòng dại và trở lại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thực hiện phẫu thuật phục hồi vành tai.

Một trường hợp khác, bệnh nhi Nguyễn Ánh L, 6 tuổi (Túc Duyên, Thái Nguyên) nhập viện ngày 28.5 trong tình trạng có nhiều vết thương hở phức tạp ở đầu, tai trái, tay trái do bị chó cắn.

Bệnh nhi đã được BSCKII. Nguyễn Thị Hoa Hồng, ThS.BS Ngô Duy Thịnh, Khoa Phẫu thuật và tạo hình thẩm mỹ cùng kíp mổ phẫu thuật tái tạo hình tổn thương mất chất vùng mặt.

Theo đó, kíp mổ đã tiến hành khâu phục hồi cơ vòng miệng, đóng vết thương vùng nhân trung hai lớp, đóng vết thương các vùng má, dưới hàm, vùng sau cánh tay.

Đối với tổn thương ở cơ vòng mắt, vùng phần mềm và da vùng thái dương, do phần da còn lại không đủ phủ toàn bộ vết thương nên các bác sĩ phải bóc tách phần mềm dưới da, phục hồi phần da tổn thương mất chất tạo vạt che phủ kín lại vết thương. Hiện tại vết thương của bệnh nhi đã ổn định và dần phục hồi.

TS.BS Đỗ Bá Hưng, Khoa Tai Thần kinh cho biết, bị chó cắn, đặc biệt ở trẻ nhỏ không chỉ mang thương tích, đau đớn cho trẻ mà một vài trường hợp vì không biết hoặc chủ quan trong điều trị vết thương do chó, mèo cắn, cào dẫn đến bị nhiễm bệnh dại. 

Trong khi đó, bệnh dại khi đã lên cơn tỉ lệ tử vong là 100%. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người. Cho tới nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Do vậy, ngay sau khi tai nạn xảy ra, cần sơ cứu vết thương đúng cách, tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại càng sớm càng hiệu quả. Đây vẫn là biện pháp hữu hiệu duy nhất để phòng ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn.

Theo TS. Đỗ Bá Hưng, để phòng tránh nguy cơ chó, mèo cắn, cào, người dân nên chú ý khi nuôi chó, mèo cần tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông vật nuôi, chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. 

Các bậc phụ huynh hay bảo mẫu cần hết sức lưu ý tránh để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo có kích thước lớn, dữ tợn.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, đối với vết thương nhỏ cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó làm sạch vết thương bằng các loại thuốc sát trùng như cồn, oxy già. 

Trường hợp vết thương chảy máu, dùng gạc y tế vô khuẩn đắp lên vết thương, băng ép. Nếu vết thương ngoài da sâu và máu chảy bắn thành tia cần dùng dây thun để garô xung quanh vết thương, băng lại và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, sử dụng thảo dược ko rõ nguồn gốc bôi, đắp vào vết thương, tự chữa bằng các mẹo dân gian, mẹo trên mạng xã hội…

Ngộ độc nấm rừng, 3 người trong 1 gia đình tử vong

Theo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngày 11/7, bệnh viện tiếp nhận 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đến trong tình trạng suy gan cấp, theo dõi ngộ độc nấm loại chứa độc tố amatoxin.

Qua khai thác tiền sử từ người nhà bệnh nhân được biết, ngày 10/7, chị Bàn Thị Ng. (Hà Giang) đi rừng hái nấm về cho cả nhà ăn. Bữa cơm gồm có 5 người (3 người lớn và 2 trẻ nhỏ, một cháu 3 tuổi và một cháu 5 tuổi). 

Đến sáng hôm sau (khoảng 12 tiếng sau ăn), các thành viên xuất hiện đau bụng, nôn mửa, mệt mỏi nên được nhập viện.

Hậu quả, một cháu nhỏ bị ngộ độc nặng đã tử vong sau đó và một cháu nhẹ hơn hiện đang được điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Giang. Còn 3 người lớn được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 3 bệnh nhân nhập viện gồm bố mẹ và bác của 2 cháu nhỏ. 

Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan cấp, chỉ số men gan cao gấp 200 lần bình thường, rối loạn đông máu, mạch rất chậm, ảnh hưởng đến huyết động. 

Trong đó, 2 bệnh nhân rối loạn đông máu rất nặng, máy không định lượng được, suy gan, chỉ số men gan cao nhất khoảng 8000 UI/L. 

Các bệnh nhân còn có biểu hiện suy thận, hậu quả của tình trạng suy gan rất nặng nề, đã phải đặt ống nội khí quản, lọc máu hấp phụ.

Mặc dù các bệnh nhân được theo dõi, điều trị tích cực, thay huyết tương 2 lần 1 ngày và nhiều phương pháp hỗ trợ khác nhưng tình trạng bệnh nhân cải thiện rất chậm, đã rơi vào trạng thái hôn mê gan, tiên lượng rất nặng và 2 bệnh nhân đã tử vong đêm ngày 19/7. 

Hiện chỉ còn bệnh nhân Bàn Thị Ng. có tiến triển tốt hơn. Sau khi điều trị thay huyết tương, giải độc bằng thuốc đặc hiệu giải độc gan, hỗ trợ chức năng gan thì men gan đã về mức 500 UI/L và đang có xu hướng cải thiện, tình trạng đã ổn hơn.

Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, ngộ độc nấm chia làm 2 loại, ngộ độc nhanh và ngộ độc chậm. Loại ngộ độc nhanh là sau khi ăn đến dưới 6 tiếng đã xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như đau bụng, buồn nôn, đi ngoài... 

Với những loại nấm gây ngộ độc nhanh, các cơ sở y tế tại tuyến dưới vẫn kiểm soát điều trị tốt, bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh. 

Tuy nhiên, nguy hiểm hơn là các loại nấm gây ngộ độc chậm, phổ biến hiện nay là các loại nấm chứa độc tố amatoxin gây tổn thương gan, suy gan. Sau khi ăn độc tố biểu hiện chậm, sau quá 6 tiếng, thậm chí 24 tiếng sau mới có biểu hiện. 

Lúc đó độc tố đã ngấm vào hết trong cơ thể. Phát hiện ngộ độc muộn, độc tố có độc tính càng cao, nên khi điều trị bệnh nhân rất khó và phức tạp.

Sai lầm của người dân khi cho rằng những cây cỏ, lá, thảo mộc ngoài tự nhiên là an toàn, lành tính. Tuy nhiên, không phải như vậy. Có rất nhiều loại cây cỏ, nấm rất độc.

"Loại nấm trông ngon nhất, hấp dẫn nhất, nhìn lành tính nhất lại chính là loại nấm độc nhất. Người dân không tự ý hái các loại nấm hoang dại để ăn", TS. Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng lưu ý thêm, cán bộ tại các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền tới tận gia đình các người dân đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, ít được tiếp cận các thông tin truyền thông sức khỏe về tác hại của nấm độc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư