Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 12 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 21/9: Cảnh giác trước sự gia tăng mạnh của các bệnh lý không lây nhiễm
D.Ngân - 21/09/2022 09:26
 
Bộ Y tế vừa tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe bệnh nhân Tim mạch - Thận - Chuyển hóa tại Việt Nam giai đoạn 2022-2025.

Gia tăng các bệnh lý không lây nhiễm

Việt Nam hiện có khoảng 5,7% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, tương đương hơn 5 triệu người, trong số này khoảng 50% chưa được chẩn đoán; 50% bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 lúc phát hiện đã có biến chứng tim mạch.

Điều đáng báo động là đái tháo đường đang diễn ra âm thầm, lặng lẽ, có những người mắc bệnh mà không hề hay biết. Đây chính là lý do khoảng 50% người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán, và trong số được chẩn đoán chỉ có chưa đến 30% số người được điều trị đái thái đường. 

Tại lễ ký kết, PGS. TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, cùng với sự phát triển kinh tế thì mô hình bệnh tật của Việt Nam đang có sự dịch chuyển.

Trong khi các bệnh lý nhiễm trùng và suy dinh dưỡng đang được kiểm soát dần thì thay vào đó là sự gia tăng mạnh của các bệnh lý không lây nhiễm như bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, đái tháo đường…

Ảnh minh hoạ

Theo ước tính, các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 77% nguyên nhân gây tử vong hiện nay.

Trong số các bệnh lý không lây nhiễm, thì các bệnh lý tim mạch- thận và chuyển hóa có tỷ lệ lưu hành cao và có mối quan hệ chặt chẽ qua lại, đặt gánh nặng lớn lên hệ thống y tế. 

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, gánh nặng từ các bệnh có liên hệ mật thiết như Tim mạch- Thận- Chuyển hóa, việc xây dựng mô hình quản lý bệnh và các yếu tố nguy cơ một cách toàn diện là rất cần thiết, có ý nghĩa và bền vững, góp phần giảm nhẹ gánh nặng của các bệnh Tim mạch- Thận- Chuyển hóa tại Việt Nam.

Thông qua các hoạt động giáo dục sức khỏe và tầm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh, chương trình dự kiến trong 3 năm triển khai sẽ tiếp cận ít nhất 500.000 người dân trên cả nước.

Các bệnh tim mạch chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong trong dân số

Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM  vừa tổ chức hội nghị khoa học với chủ đề "Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay" với hơn 700 chuyên gia, bác sĩ trong và ngoài nước.

Tại Việt Nam, các bệnh lý về tim mạch gây tử vong cho khoảng 200.000 người mỗi năm, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong trong dân số.

Với 153 báo cáo khoa học, phẫu thuật thị phạm của các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực tim mạch và chuyển hóa Việt Nam, hàng trăm bác sĩ chuyên khoa tim mạch, tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim mạch, nội tổng quát, nội tiết, lão khoa, y học gia đình… được cập nhật chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm mới gắn liền với thực hành lâm sàng tim mạch của thế giới, đưa ra các chỉ định và hướng điều trị phù hợp cho người bệnh.

Tại Việt Nam, các bệnh lý về tim mạch gây tử vong cho khoảng 200.000 người mỗi năm, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong trong dân số. Gánh nặng bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Bên cạnh chỉ định mới nhất trong điều trị bệnh tim mạch, chương trình "Đi bộ vì trái tim khỏe- Tần số tim < 70 nhịp/phút" do bệnh viện tổ chức là hoạt động ý nghĩa nhằm hưởng ứng Ngày Tim mạch thế giới.

Hà Nội: Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030".

Đề án trên được phê duyệt nhằm phổ cập tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán điều trị trước sinh và sơ sinh nhằm giảm thiểu số trẻ em sinh ra bị bệnh, tật bẩm sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đề án có 4 mục tiêu cụ thể:

Mục tiêu 1: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đối tượng, nâng cao nhận thức về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho nhân dân trong toàn Thành phố.

Mục tiêu 2: Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý; cán bộ chuyên môn, kỹ thuật; cán bộ truyền thông, vận động về thực hiện Đề án.

Mục tiêu 3: Đảm bảo cung cấp đầy đủ hóa chất, sinh phẩm và vật tư tiêu hao phục vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Sàng lọc Thalassemia cho học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông ở các xã thuộc huyện có đồng bào dân tộc thiểu số.

Mục tiêu 4: Nâng cao chất lượng hoạt động, ứng dụng các kỹ thuật mới trong sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh thuộc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Đối tượng thụ hưởng gồm vị thành niên, thanh niên, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

Đề án được thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030. Giai đoạn 2022 - 2025: Tập trung triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của người dân trên toàn Thành phố, mở rộng mặt bệnh thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh (sàng lọc trước sinh ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất; sàng lọc sơ sinh ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất…).

Giai đoạn 2026 - 2030: Trên cơ sở các kết quả đã đạt được giai đoạn 2022 - 2025, rà soát, chỉnh sửa tiếp tục triển khai các hoạt động Đề án, tăng cường thực hiện xã hội hóa các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư