Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 23/12: Tăng cường phòng chống rét cho người bệnh
D.Ngân - 23/12/2023 09:55
 
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có văn bản về việc tăng cường công tác phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh.

Tăng cường phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh

Hiện nay, thời tiết tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang xuống thấp, dự kiến sẽ có những ngày rét đậm trong mùa đông năm nay và những tháng đầu năm 2024.

Để giảm thiểu tác hại thời tiết đối với sức khỏe nhân dân, người bệnh và người nhà chăm sóc người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành (khu vực từ Thừa Thiên Huế trở ra và các tỉnh Tây Nguyên) quan tâm thực hiện các nội dung cụ thể:

Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp như các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp… có nguy cơ xảy ra nhiều hơn trong thời tiết giá lạnh.

Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh bổ sung chăn ấm và đèn sưởi cho các phòng bệnh. Nguồn: Sở Y tế Hà Tĩnh

Đặc biệt cần tăng cường tập huấn kỹ năng chẩn đoán, xử trí bệnh đột quỵ, đánh giá tình trạng bệnh và nguy cơ để chuyển viện cứu chữa kịp thời trong "giờ vàng".

Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm việc phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện: nơi xếp hàng chờ khám, khoa khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, buồng bệnh… cần bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi và phương tiện giữ nhiệt độ phù hợp như yêu cầu của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện 2.0.

Thực hiện phòng, chống rét cho người nhà người bệnh hợp lý, không để người nhà người bệnh nằm trên sàn nhà lạnh, hành lang hoặc ghế đá ngoài trời, gây nguy hại đến sức khoẻ.

Phối hợp với các đơn vị thực hiện tuyên truyền cho người dân địa phương về nguy cơ của thời tiết tới sức khoẻ, tăng cường phòng chống rét đặc biệt các đối tượng người già và trẻ em; nhà cửa được che chắn kỹ, bảo đảm quần áo đủ ấm.

Cảnh báo để người dân biết về các tai nạn do sưởi như bỏng lửa, ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín.

Các Sở Y tế các tỉnh, thành phố giám sát chặt chẽ việc thực hiện phòng chống rét, kiểm tra các phương tiện phục vụ người bệnh trong các đợt kiểm tra bệnh viện Quý I năm 2024; tổng hợp số liệu do ảnh hưởng của thời tiết và báo cáo các diễn biến bất thường để kịp giải quyết.

Dịch bệnh truyền nhiễm khu vực phía Nam còn phức tạp

Viện Pasteur TP. HCM vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 tại khu vực phía Nam.

Các báo cáo tại hội nghị cho thấy, các bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn tiếp tục được ghi nhận.

Dịch sốt xuất huyết giảm 72%; Covid-19 giảm 98%; bệnh dại giảm không đáng kể; dịch tay chân miệng có số mắc tăng 2,7 lần, tăng 25 ca và type virus EV71 chiếm ưu thế; 10/20 địa phương khu vực phía Nam ghi nhận có ca mắc đậu mùa khỉ với 113 ca mắc và 6 ca tử vong.

Các chuyên gia y tế dự báo, năm 2024 tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam đặc biệt là khu vực miền Nam sẽ còn diễn tiến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe nhân dân.

Theo dự báo, khu vực miền Nam bệnh tay chân miệng có thể tiếp tục ghi nhận type virus EV71 gây bệnh cảnh nặng do chu kỳ dịch kéo dài 2 năm liền kề.

Bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng dịch tại khu vực miền Nam khi đã phát hiện type virus DEN-3 ở Hà Nội.

Bệnh lây truyền qua động vật vẫn có nguy cơ cao, có thể xuất hiện trở lại bất cứ khi nào do thường xuyên phát hiện ổ dịch trên động vật như ổ dại trên chó, ổ dịch cúm A/H5, A/H7.

Dịch Covid-19 vẫn khó lường chưa mang tính chất ổn định về xu hướng và tác nhân virus. Ngoài ra các tác nhân gây viêm đường hô hấp cũng có xu hướng khó dự đoán như trong thời gian qua.

Đặc biệt, bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta và tiếp tục ghi nhận ca mắc mới trên nhóm đối tượng nguy cơ cao. Số ca mắc HIV cũng đang có xu hướng tăng.

Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện những nhiệm vụ cơ bản:

Chủ động tham mưu, trình HĐND, UBND các cấp về ban hành các chính sách thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Trong đó đặc biệt chú trọng về kinh phí, định mức chi cho hoạt động phòng chống dịch và mua sắm tại mỗi địa phương.

Sở Y tế cần đầu tư hoạt động giám sát, kiểm tra chất lượng hoạt động thống kê báo cáo. Có giám sát mới phát hiện kịp thời ca bệnh để đáp ứng.

Sở Y tế cần xây dựng và phê duyệt kế hoạch ứng phó, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực và kinh phí.

Phối hợp với các đơn vị trong hệ thống y tế để thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế các tuyến bao gồm cả liên ngành thú y, quân y và y tế ngành, đặc biệt là với các vấn đề, yếu tố mới phát sinh trong thực tế.

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống dịch trong cộng đồng để từ đó gắn hoạt động phòng chống dịch là công việc thường xuyên, liên tục của mỗi người dân và các cấp chính quyền, đoàn thể.

[Infographic] Cách giữ ấm và chống rét hiệu quả trong mùa đông lạnh giá
Những ngày gần đây, nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc xuống thấp, trời rét đậm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của mọi người dân. Vì...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư