Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 24/11: Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 2 năm 2022; Phân bổ vắc-xin tiêm chủng mở rộng cho 28 tỉnh, thành
D.Ngân - 24/11/2022 09:13
 
Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế vừa phối hợp với Sở Y tế tỉnh Sơn La tổ chức Lễ phát động chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 2 năm 2022.

Phát động chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 2 năm 2022

Với thông điệp chính là “Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống”.

Hiện nay, nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng như tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao (19,6%) và có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc (37,4%) và Tây nguyên (28,8%); Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, ăn ít rau quả (chỉ đạt 65% so với nhu cầu khuyến nghị), thiếu vận động thể lực làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng như thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%; phụ nữ có thai là 25,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 9,5% và vẫn còn 58,0% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm (Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2019-2020).

Ảnh minh hoạ

Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ và Ngành Y tế đặc biệt quan tâm đến công tác dinh dưỡng nói chung và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng nói riêng góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống người dân.

Hàng năm, có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi ở 41 tỉnh/thành và từ 6 - 60 tháng tuổi ở 22 tỉnh khó khăn (mỗi năm 2 lần), bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống 1 liều vitamin A.

Hoạt động bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã/phường trong toàn quốc. Công tác truyền thông với nội dung đa dạng, phong phú trên nhiều phương tiện truyền thông cũng được triển khai nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống thiếu vitamin A, phòng thiếu các vi chất dinh dưỡng từ đó thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 2 năm 2022 có hơn 6 triệu trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc được uống vitamin A, hàng triệu trẻ từ 24-60 tháng tuổi tại các tỉnh khó khăn được tẩy giun; các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng đã được thực hiện trên nhiều kênh khác nhau với nội dung đa dạng và phong phú, tỷ lệ trẻ em được uống vitamin A hàng năm thường xuyên được duy trì trên 98%; kiến thức thực hành dinh dưỡng của người dân không ngừng được cải thiện.

Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, trí tuệ, sức khỏe,  sức đề kháng cơ thể và chất lượng cuộc sống.

Để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng cần:

1. Ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày.

2. Cho trẻ bú sớm, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn cùng với ăn bổ sung hợp lý.

3. Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D.

4. Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A.

5. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.

6. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt và axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

Ngày 1-2/12, hãy cho trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã/ phường.

Phân bổ vắc-xin tiêm chủng mở rộng cho 28 tỉnh, thành

Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có quyết định cấp bổ sung 95.000 liều vắc-xin Sởi kèm dung môi và 143.400 liều vắc-xin DPT cho 28 tỉnh/thành phố sử dụng trong tiêm chủng mở rộng.

Căn cứ vào số lượng vắc-xin Sởi, vắc-xin DPT tiếp nhận từ Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có quyết định cấp bổ sung 95.000 liều vắc-xin Sởi kèm dung môi và 143.400 liều vắc-xin DPT cho 28 tỉnh/thành phố ngay trong tháng 11-12/2022 tại chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.

Ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng miền Bắc đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố bố trí phương tiện để nhận vắc-xin tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước ngày 30/11/2022 về tiêm chủng cho trẻ để đảm bảo đạt yêu cầu về tiêm chủng. 

Ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng miền Bắc lưu ý mọi thủ tục xuất, nhập, bảo quản và vận chuyển vắc-xin thực hiện theo các quy định hiện hành.  

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố đã được phân bổ vắc-xin sởi và vắc-xin DPT nhanh chóng sớm nhất nhận vắc-xin về để triển khai tiêm chủng mở rộng cho trẻ em;

Đối với các Viện Pasteur/ Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực khác cũng yêu cầu nhanh chóng nhận vắc-xin để phân bổ cho các tỉnh, thành trong khu vực quản lý…

Chương trình Tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm đầu mối thực hiện được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 có mục tiêu cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi một số bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.

Đến nay, đã có 11 loại vắc-xin gồm: vắc-xin phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em ở nước ta.

Thời gian qua Bộ Y tế đã và đang quyết liệt triển khai và phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng và thẩm định giá theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để sớm cung ứng vắc-xin cho các tỉnh, thành.

Tăng cường phối hợp, quyết liệt đẩy nhanh tiêm vắc-xin Covid-19

Hai Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19 và phòng, chống dịch, với sự tham dự của 63 địa phương.

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để hoàn thành mục tiêu trên 90% người từ 18 tuổi trở lên tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 còn phải tiêm khoảng 10 triệu mũi. Đối với trẻ 5 - dưới 12 tuổi còn phải tiêm 2,7 triệu mũi mới đạt mục tiêu 80% bao phủ mũi 2 cho nhóm trẻ này.

Tỷ lệ tiêm cao sẽ tạo miễn dịch cộng đồng và tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch, giảm tỷ lệ tăng nặng và tử vong.

Về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch trên cả nước trong thời gian qua, nhờ thành quả của tiêm vắc-xin Covid-19, tỷ lệ ca Covid-19 tử vong/ca mắc tại thời điểm tháng 7-9/2022 so với tháng 5-9/2021 giảm 245 lần.

Thời gian gần đây số tử vong trên thế giới vẫn ghi nhận khoảng 10.000 ca/tuần, trong khi đó Việt Nam ghi nhận 1-2 ca/tuần. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 314 nghìn ca mắc, trong đó có 115 ca tử vong.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua Bộ đã yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ em, học sinh sinh viên. Phối hợp chặt chẽ với Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế về tăng cường công tác phối hợp tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các sở, ban, ngành trong công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như các dịch sốt xuất huyết, cúm, whitmore..., các dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào; Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch Covid-19 nói riêng và tiêm vắc-xin Covid-19.

Cục Y tế dự phòng tiếp tục theo dõi, tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nói chung, cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19 của các địa phương, công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và khu vực, Viện Pasteur cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong công tác tiêm vắc-xin Covid-19 cũng như tiêm chủng mở rộng…

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế tăng cường triển khai công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục và các dịch bệnh khác…

Có tình trạng “tuồn” Vitamin A liều cao ra ngoài thị trường?
Không doanh nghiệp nào được nhập khẩu cũng như chỉ được cấp phát cho các xã, phường nhưng trên mạng lại tràn lan Vitamin A được rao bán, vì sao?
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư