Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 25/5: Cảnh báo bệnh hô hấp tăng do ô nhiễm không khí
D.Ngân - 25/05/2023 08:18
 
Theo các chuyên gia, tình trạng không khí ô nhiễm, tỷ lệ người mắc bệnh viêm mũi dị ứng gia tăng.

Không khí ô nhiễm, tỷ lệ người mắc bệnh viêm mũi dị ứng gia tăng

Với tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng tại các đô thị lớn - đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn, càng dễ làm gia tăng số lượng bệnh nhân mắc bệnh viêm mũi dị ứng, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ - là đối tượng nhạy cảm do cơ thể chưa phát triển đầy đủ và có sức đề kháng yếu.

Theo các chuyên gia, tình trạng không khí ô nhiễm, tỷ lệ người mắc bệnh viêm mũi dị ứng gia tăng.

Do đó, phụ huynh cần bảo vệ môi trường sống sạch, đưa trẻ đi khám bác sĩ khi xuất hiện triệu chứng viêm mũi dị ứng và bổ sung dưỡng chất để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Theo chuyên gia, tỷ lệ người mắc viêm mũi dị ứng đang gia tăng, đặc biệt ở các nước công nghiệp phát triển. Thống kê sơ bộ của Tổ chức Nghiên cứu Quốc tế về hen và dị ứng ở trẻ em, tỷ lệ học sinh tại TP.HCM mắc bệnh viêm mũi dị ứng là khoảng 39-52% và Hà Nội là 27,6%. Ước tính có khoảng 20% dân số trên cả nước mắc căn bệnh này.

PGS. Nguyễn Thị Hoài An, Bệnh viện An Việt cho hay, viêm mũi dị ứng là bệnh khá phổ biến. Mũi là bộ phận quan trọng, là cửa ngõ đầu tiên của đường thở, giúp cho không khí đi vào phổi một cách dễ dàng. Mũi có cấu tạo gồm tháp mũi và hốc mũi.

Viêm mũi dị ứng với các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi. Có nhiều nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng như dị ứng phấn hoa, dị ứng với lông và da của động vật có khả năng kích ứng các phản ứng dị ứng và gây viêm mũi dị ứng quanh năm cho người bệnh.

Ngoài ra, PGS. An cho biết, nấm có thể phát triển ở những nơi ẩm ướt và gây ra các triệu chứng dị ứng, vì vậy, nhiều người sống ở môi trường ẩm ướt, khả năng thông gió kém có nhiều khả năng bị viêm mũi dị ứng quanh năm.

Những người bị viêm mũi dị ứng cần điều trị triệt để bệnh. Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị kịp thời sẽ tạo điều kiện cho vi trùng phát triển sẽ tạo thành các ổ viêm, dẫn tới bệnh viêm xoang nhiễm trùng hoặc viêm xoang do tắc các lỗ thông xoang.

Khi bị ngạt mũi vì viêm mũi dị ứng, người bệnh không thể thở qua đường mũi nên phải thở bằng miệng. Do đó, các bụi bẩn, vi khuẩn, khí lạnh….từ không khí sẽ đi thẳng vào cổ họng. Đây là nguyên nhân gây bệnh viêm họng - thanh quản.

3 triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng là ngứa mũi, hắt xì hơi cả tràng dài và chảy mũi trong.

Viêm mũi dị ứng có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tùy vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Tuy vậy theo khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để xác định rõ tình trạng bệnh và chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. 

Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua và dùng thuốc để tránh bệnh kéo dài phức tạp, thậm chí có thể gặp rủi ro do tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc.

Các phương pháp chữa viêm mũi dị ứng tại nhà tập trung vào việc giúp người bệnh hạn chế tối đa tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Phương pháp cụ thể sẽ tùy thuộc vào chất dị ứng đó là gì, chẳng hạn:

Phấn hoa: Tránh ra ngoài trong mùa có lượng phấn hoa cao hoặc những ngày lộng gió; đóng cửa ra vào, cửa sổ và cửa xe hơi để tránh phấn hoa bay vào nhà hoặc xe; sử dụng bộ lọc không khí HEPA trong phòng ngủ và những nơi thường xuyên lui tới; đeo khẩu trang khi lau nhà hoặc làm vườn…

Lông thú cưng: Tạo ra những khu vực riêng trong nhà không có thú cưng, không cho thú cưng vào phòng ngủ hoặc lên giường; tắm cho thú cưng thường xuyên.

Mạt bụi: Sử dụng lớp phủ chống dị ứng trên nệm, lò xo hộp và gối; giặt ga trải giường và chăn trong nước có nhiệt độ từ 54 độ C trở lên; sử dụng máy hút ẩm hoặc máy điều hòa không khí để giảm độ ẩm trong nhà; hút bụi thảm hàng tuần bằng máy hút bụi...

Ngoài ra, người bệnh cũng cần giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, bỏ hút thuốc lá, giữ ấm cơ thể, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa để tránh bệnh tái phát hoặc trở nặng.

WHO gửi khẩn thuốc hiếm cứu bệnh nhân ngộ độc botulinum tại Việt Nam

Theo thông tin từ Cục quản lý Dược, Bộ Y tế, 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent được gửi từ kho của WHO tại Thụy Sĩ đã về đến TP Hồ Chí Minh để kịp thời điều trị ngộ độc cho các bệnh nhân tại đây.

Như đã đưa tin, để có thuốc khẩn cấp điều trị ngộ độc Botulinum, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã làm việc với các bộ phận liên quan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Chiều ngày 23/5/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có buổi làm việc trực tiếp với văn phòng WHO tại Hà Nội và ngay sau đó WHO đã quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent cho các bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh.

Cùng với sự nỗ lực của Cục quản lý Dược - Bộ Y tế, các cơ quan chức năng của Việt Nam và sự hỗ trợ rất kịp thời của Tổ chức Y tế thế giới, 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent được gửi từ kho của WHO tại Thụy Sĩ đã về đến TP Hồ Chí Minh.

Đến 19h ngày 24/5/2023 thuốc đã kịp thời điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc Botulinum. Đây thực sự là một tin vui với những bệnh nhân đang nằm điều trị tại các bệnh viện trong những ngày qua mong chờ có thuốc từng ngày.

Ngộ độc Botulinum là ngộ độc do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum. Ngộ độc này rất hiếm xảy ra, ở Việt Nam và trên thế giới. 

Nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng, ăn phải các loại thức ăn bảo quản không tốt. Từ năm 2020 đến nay rải rác có một vài ca bệnh/năm, gần đây có 3 ca tại TP.HCM

Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) trên thế giới cũng rất hiếm. Vì vậy, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung. 

Bên cạnh đó giá của thuốc này cũng rất cao. BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được Bảo hiểm chi trả. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý, không bảo quản và sử dụng thức ăn đã được chế biến từ lâu, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ ngộ độc nói chung, ngộ độc độc tố Butulinum nói riêng.

Không được làm gián đoạn việc ghép gan cho trẻ em

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 tuân thủ quy định nhưng không làm gián đoạn việc ghép gan cho trẻ có chỉ định ghép.

Số lượng ca ghép gan tại bệnh viện này đã tăng dần theo mỗi năm. Nếu như giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2019 có 13 trường hợp, thì chỉ riêng giai đoạn từ năm 2020 đến nay đã có 12 trường hợp được ghép thành công.

Ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện vào tháng 6/2004, ca ghép gan đầu tiên thực hiện vào tháng 12/2005. Cả hai đều là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất Việt Nam được ghép tạng ở thời điểm lúc bấy giờ.

Bệnh nhân ghép gan đầu tiên (bé N.N.X.Q, 23 tháng tuổi) được chẩn đoán là teo đường mật bẩm sinh, đã được mổ Kasai trước đó. Sau khi hội chẩn với các giáo sư Bỉ, phù hợp với tiêu chuẩn ghép, Bệnh viện đã tiến hành ca ghép gan đầu tiên và kết quả thành công ngoài dự kiến. Hiện tại, bệnh nhi đã trưởng thành và có cuộc sống khỏe mạnh.

Tương tự, ca ghép gan thứ 2 đã được thực hiện trên bệnh nhi 11 tháng tuổi và cũng đã thành công tốt đẹp, cải thiện chất lượng cuộc sống cho đến nay.

Theo quy định hiện hành, Bệnh viện Nhi đồng 2 đang khẩn trương xây dựng lại Đề án ghép tạng trẻ em để trình Bộ Y tế thẩm định và thông qua. Sở Y tế đã yêu cầu Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 tuân thủ quy định nhưng không làm gián đoạn ghép gan cho trẻ có chỉ định ghép.

Cụ thể, Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn tiếp tục thực hiện quy trình ghép tạng với sự hỗ trợ của các chuyên gia ghép tạng của Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh việnChợ Rẫy. Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ hỗ trợ Bệnh viện Nhi đồng 2 về nguồn tạng hiến từ người lớn.

Giữa tháng 3/2023, Bệnh viện chuẩn bị khởi động ghép thận từ người hiến chết não nhưng kết quả xét nghiệm không phù hợp giữa người cho và người nhận nên không thực hiện được.

Một trong những vấn đề khó khăn của ghép tạng là nguồn tạng hiến cho trẻ em quá khan hiếm. Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác". 

Do đó, đối tượng trẻ em chết não hiện không được đưa vào nguồn hiến tạng. Sở Y tế TP.HCM mong muốn sớm có điều chỉnh trong luật định để tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình ghép tạng, các bác sĩ Nhi sẽ có thể trực tiếp lấy tạng từ người cho là trẻ em chết não trong thời gian không xa.

Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum
Botulinum được coi là một trong các chất độc độc nhất hiện nay, có thể gây tử vong ở liều chưa đến 0,1mg. Ngộ độc thực phẩm do độc tố...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư