Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 26/7: Tăng tốc tiêm chủng vắc-xin; phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh
D.Ngân - 26/07/2022 08:43
 
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 664/CĐ-TTg về tăng cường công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin cho người dân.

Phát động chiến dịch tiêm chủng nhằm tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đảm bảo hoàn thành trong tháng 8 năm 2022; hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chú trọng hoàn thành sớm việc tiêm vắc-xin cho các lực lượng y tế, công an, quân đội, giáo viên…

Ảnh minh hoạ

Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về tiêm vắc-xin, lợi ích, hiệu quả của vắc-xin. Cảnh báo về các biến thể mới của Omicron và hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe sau nhiễm Covid-19; tập trung truyền thông về tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ cao, bệnh lý nền (bao gồm cả trẻ em), những người muốn lựa chọn vắc-xin, người sống ở khu vực có tỷ lệ bao phủ vắc-xin thấp…

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tiêm chủng trên địa bàn, không để tình trạng vắc-xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên về kết quả tiêm vắc-xin trên địa bàn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, lập danh sách học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng từ 5 đến dưới 18 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ; chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, thông báo và phối hợp với cơ sở tiêm chủng tại địa phương để tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học hoặc các địa điểm phù hợp khác, bảo đảm an toàn.

Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác

Tính từ đầu năm 2022 đến nay cả nước đã ghi nhận những trường hợp mắc và tử vong cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung. Cùng với sự gia tăng của dịch bệnh sốt xuất huyết, một số bệnh khác như cúm mùa, tay chân miệng cũng đang vào thời điểm tăng theo mùa.

Để chủ động kiểm soát, phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó tập trung tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, không để xảy ra dịch chồng dịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn. Thành lập các tổ phòng chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết; xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật;

Giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Đảm bảo đủ phương tiện, vât tư, thuốc… phòng, chống dịch

Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết và các bệnh dịch khác; chỉ đạo địa phương bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền phòng, chống dịch bệnh.

Hà Nội, Đà Nẵng có tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 -dưới 12 tuổi thấp nhất cả nước

Bộ Y tế đã cập nhật thông tin mới nhất về tiêm vắc-xin Covid-19 ở nước ta.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, sau gần 3,5 tháng triển khai, cả nước đã đạt tổng số mũi 11.359.837.

Tiêm mũi 1: 7.568.908 trẻ (đạt tỷ lệ 66,1%); 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 48%: Hà Nội (47,7%); Hà Tĩnh (47,5%); Đà Nẵng (34,1%); Quảng Nam (36,0%); TP HCM (42,1%).

Tiêm mũi 2: 3.790.929 trẻ (đạt tỷ lệ 33,1%); 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 18%: Hà Nội (15,5%); Vĩnh Phúc (17,3%); Đà Nẵng (14,3%); Quảng Nam (11,5%); Khánh Hòa (15,0%).

3 tỉnh tiêm cao: Ninh Thuận (71,8%); Sóc Trăng (66,4%); Vĩnh Long (62,8%).

Tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm mũi 3: Tổng số có 47.585.162 mũi tiêm; 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp: Hải Phòng (51,9%);Quảng Nam (46,8%); Bình Thuận (49,6%); Đồng Nai (45,9%); Cần Thơ (51,7%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Bắc Giang (96,6%); Nghệ An (99,5%); Bến Tre (95,4%).

Tiêm mũi 4: Tổng số có 8.098.369 mũi tiêm; 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 4 thấp: Bắc Cạn (17,7%); Quảng Bình (6,6%); Quảng Trị (16,7%); Bình Định (7,4%); An Giang (22,6%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 4 cao: Quảng Ninh (96,8%); Quảng Nam (91,3%); Tiền Giang (90,9%).

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: kết quả tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 đến chiều ngày 25/7 là: 2.464.065 trẻ (28,1%).

24 tỉnh tiêm vắc-xin mũi 3 cho trẻ trong độ tuổi này thấp dưới 25% gồm:

Miền Bắc (10 tỉnh): Hà Nội; Thái Bình; Nam Định; Nghệ An; Hà Tĩnh; Tuyên Quang; Hà Giang; Cao Bằng; Sơn La; Điện Biên (Chưa triển khai).

Miền Trung (8 tỉnh): Quảng Bình; Quảng Trị; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Phú Yên; Khánh Hòa; Bình Thuận.

Miền Nam (6 tỉnh): TP Hồ Chí Minh; Bà Rịa – Vũng Tàu; Đồng Nai; Sóc Trăng; Đồng Tháp; Bình Dương.

3 tỉnh tiêm mũi 3 cao gồm: Thanh Hóa (61,2%); Bắc Giang (72,3%); Vĩnh Long (66,3%).

EU phê duyệt vắc-xin phòng đậu mùa khỉ

Ủy ban châu Âu (EU) đã phê duyệt vắc-xin phòng đậu mùa khỉ Imvanex do Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất để sử dụng trong khối, bởi châu Âu hiện đang là tâm dịch. Vắc-xin này cũng đã được Mỹ và Canada phê chuẩn để phòng bệnh đậu mùa khỉ.

Imvanex là loại vắc-xin duy nhất đã được phê duyệt để phòng đậu mùa khỉ ở Mỹ và Canada. Trước đó, vắc-xin này mới được phê duyệt sử dụng trong điều trị bệnh đậu mùa.

Theo công ty Bavarian Nordic, liều tiêm vắc-xin phòng đậu mùa khỉ không giống với vắc-xin đậu mùa. Trước đó, loại vắc-xin đậu mùa được Bavarian Nordic sản xuất phối hợp với Mỹ.

Bệnh đậu mùa khỉ từ lâu đã trở thành dịch ở Tây và Trung Phi, nhưng nó đã lan ra các nước khác trên toàn thế giới kể từ tháng 5 năm nay. Kể từ đó, đã có hơn 15.300 trường hợp mắc đậu mùa khỉ phát hiện tại 75 quốc gia, theo WHO. Tâm dịch đậu mùa khỉ hiện ở châu Âu.

Địa phương phải chịu trách nhiệm nếu tổ chức tiêm chủng chậm
Không tiếp nhận đủ vắc-xin, tổ chức tiêm chủng chậm... mà để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư