Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 28/8: Tăng cường phối hợp triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả
D. Ngân - 28/08/2022 10:40
 
Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp, vận động quán triệt để công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đạt hiệu quả cao và đúng tiến độ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa ký công văn về việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 gửi các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Thông tin truyền thông; UBND các tỉnh, thành phố và các Viện Pasteur; Viện Vệ sinh dịch tễ.

Trong thời gian qua, các địa phương đã nỗ lực triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19; Với sự hỗ trợ, phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể trong công tác truyền thông, vận động, quán triệt thực hiện công tác tiêm chủng đã giúp Việt Nam đạt được những kết quả tích cực.

Để tăng cường hơn nữa công tác tiêm chủng, hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường triển khai công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Ảnh minh họa

Hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, mũi 4 cho các đối tượng có chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

Hoàn thành tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022, đặc biệt nhóm trẻ có nguy cơ cao (trẻ béo phì, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch...).

Bộ Y tế cũng đề nghị các Bộ tiếp tục quán triệt và đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong toàn ngành, đảm bảo tiêm hết các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

UBND các tỉnh, thành phố và các Bộ báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến tăng cường công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 về Bộ Y tế trước ngày 10/9/2022 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đảm bảo cung ứng đủ vắc-xin cho địa phương triển khai kế hoạch tiêm chủng. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo phân vùng quản lý hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương triển khai công tác tiêm chủng.

Tính đến ngày 22/8/2022, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 254 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19; Tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; Tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 75,0% và 67,4%, Mũi 3 cho trẻ em từ 12 - dưới 18 tuổi đạt 47,7%, Mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đạt 79,3% và 50,2%.

Quảng Nam có tỷ lệ tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi chỉ đạt 19,5%

Ngày 27/8, Bộ Y tế đã cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19 ở nước ta, tổng số mũi vắc-xin đã tiêm đến nay là 255.797.365 mũi.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, đến nay sau 4 tháng 13 ngày triển khai tiêm trên toàn quốc, tổng số mũi vắc-xin đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 15.144.190, trong đó mũi 1 là 9.214.361 trẻ (đạt tỷ lệ 82,7%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 67%: Đà Nẵng (58,6%); Quảng Nam (55,7%); Bình Thuận (66,3%); TP. Hồ Chí Minh (54,5%); Bình Dương (60,6%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Kon Tum (98,3%); Cần Thơ (99,3%); Cà Mau (97,5%).

Mũi 2: 5.929.829 trẻ (đạt tỷ lệ 53,2%); tăng 0,4% so với ngày trước đó.

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 36%: Đà Nẵng (21,3%); Quảng Nam (19,5%); Đắk Lắk (35,5%); TP. Hồ Chí Minh (31,5%); Bình Dương (27,2%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (81,9%); Sóc Trăng (90,8%); Vĩnh Long (81%).

Nhóm từ 18 tuổi trở lên: 

Tiêm mũi 3: Tổng số có 49.899.274 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 76,2%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (56,9%); Khánh Hòa (55,3%); Đồng Nai (52,6%); Đồng Tháp (58,6%); Bình Phước (57,6%).

3 tỉnh có tỷ lệ cao: Thanh Hoá (95,6%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%).

Tiêm mũi 4: Tổng số có 13.911.933 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 73,6%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (55,4%); Đà Nẵng (45,9%); TP. Hồ Chí Minh (50,4%); Đồng Nai (52,5%); Tây Ninh (53,8%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (96,3%); Hưng Yên (97,2%); Bắc Kạn (96,3%)

Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 4.380.818 trẻ (đạt tỷ lệ 50,7%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (28,3%); Phú Yên (16,9%); Bà Rịa- Vũng Tàu (14,7%); Đồng Nai (23%); Bình Dương (22,7%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (89,3%); Quảng Ninh (85%); Sóc Trăng (85,9%).

Đồng Nai: Nâng cao ý thức phòng chống bệnh sốt xuất huyết của người dân 

Theo Sở Y tế Đồng Nai, tỉnh này đã ghi nhận hơn 17.000 ca mắc và 16 ca tử vong do sốt xuất huyết, đứng thứ 2 cả nước, sau TP. HCM.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh. 

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông vận động, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế, tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) vào lúc 7h- 9h sáng thứ 7 hàng tuần, đến hết tháng 10/2022.

Bác sỹ chuyên khoa II Lê Quang Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Đồng Nai cho biết, để phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiện nay là chúng ta phải vệ sinh môi trường xung quanh nhà, dọn dẹp các vật dụng có nước chứa lăng quăng hàng ngày và liên tục.

Do đó, phải có sự chung tay từ người dân, gia đình, xã, phường… cùng tập trung lực lượng chống dịch thì mới đảm bảo cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng, chứ riêng ngành y tế không thể làm nổi.

Công tác phòng, chống sốt xuất huyết không chỉ của riêng ngành y tế mà phải cần sự chung tay các ban, ngành đoàn thể, đặc biệt là người dân trong việc thực hiện vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi.

Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức chống dịch sốt xuất huyết của người dân, chủ động dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà để diệt lăng quăng, diệt muỗi.

Quảng Ngãi: Số ca mắc Covid-19 gia tăng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ngãi, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng kéo theo số bệnh nhân nhập viện điều trị tăng theo.

Từ đầu tháng 6 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.528 ca mắc mới Covid-19. Trong đó, nhiều nhất là huyện Bình Sơn gần 700 ca, thành phố Quảng Ngãi 339 ca và huyện Tư Nghĩa 149 ca.

Riêng từ đầu tháng 8 đến nay, số ca mắc mới có khai báo mỗi tuần tăng thêm 50 ca. Tuần đầu tháng 8, ghi nhận gần 200 ca; tuần thứ 2 tăng lên 250 ca, tuần thứ 3 là 300 ca và tuần thứ 4 gần 400 ca. Số ca mắc mới Covid-19 tăng kéo theo số ca bệnh phải nhập viện tăng theo (tháng 8 tăng gấp 3 lần so với tháng 7).

Trong số 323 ca hiện đang được điều trị có 300 ca điều trị tại nhà, chiếm tỷ lệ 92,9%; điều trị tại bệnh viện 23 ca chiếm tỷ lệ 7,1%. Cũng trong số 323 ca có 313 ca không triệu chứng và nhẹ (chiếm tỷ lệ 96,9%), 8 ca có triệu chứng vừa (chiếm tỷ lệ 2,5%) và 2 ca có triệu chứng nặng (chiếm tỷ lệ 0,6%).

Ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi đã lên kế hoạch dự phòng số bệnh nhân Covid-19 tăng cao, trong đó sẽ tập trung kiện toàn nhân lực, chuẩn bị cơ sở vật chất, đầu tư thêm một số thiết bị y tế chuyên dụng tại khu điều trị để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nặng, hạn chế nguy cơ tử vong.

Tiêm vắc-xin mũi bổ sung nhằm giảm số ca nặng, tử vong
Theo khuyến cáo của chuyên gia, việc tiêm vắc-xin mũi 4 cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh đang gia tăng trở lại.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư