Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 29/7: TP. HCM chưa quy định cách ly người nhập cảnh mắc đậu mùa khỉ; Xác minh, xử lý nghiêm vụ hành hung bác sĩ
D.Ngân - 29/07/2022 09:54
 
Theo CDC TP. HCM, hiện Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn hay quy định cách ly trong trường hợp phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ.

Ngành y tế khuyến cáo bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để kiểm tra và điều trị.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm một (chưa có trường hợp xác định bệnh đậu mùa khỉ).

Sau khi WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca mắc tăng nhanh, Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM đã có các phương án phòng dịch là tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, tăng cường sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh và tăng cường truyền thông trong cộng đồng..

Ảnh minh hoạ

Ngày 27/7, UBND TP. HCM có công văn đề nghị Bộ Y tế cho phép TP. HCM thực hiện khai báo y tế đối với tất cả người nhập cảnh tại cửa khẩu nhằm sàng lọc, phát hiện bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Về quy trình, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM sẽ giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ bằng cách giám sát thân nhiệt người nhập cảnh; triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của tất cả người nhập cảnh.

Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin hành chính, lập phiếu điều tra dịch tễ. Sau khi điều tra dịch tễ, nếu là trường hợp có thể (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ), kiểm dịch viên y tế hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi.

Xác minh, xử lý nghiêm vụ hành hung bác sĩ

Theo thông tin phản ánh từ các truyền thông và đường dây nóng của Bệnh viện và Sở Y tế về vụ người nhà người bệnh hành hung bác sỹ trong ca trực.

Báo cáo nhanh của bệnh viện cho biết vào khoảng 21 giờ ngày 27/7, một bé gái 10 tuổi, bị hóc xương được đưa đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau khi thăm khám, bác sĩ ghi nhận sinh hiệu bình thường, trẻ hoàn toàn không khó thở, có triệu chứng nuốt vướng và đau. Bác sĩ trực cho trẻ ngồi chờ và liên hệ bác sĩ tai mũi họng để nội soi gắp xương cho bé.

Trong lúc cháu bé ngoan ngoãn ngồi yên thì đột nhiên một người tự xưng là bố của bé gái đi vào khoa Cấp cứu la hét không đồng ý chờ đợi, mặc dù bác sĩ trực giải thích nhưng người này không chấp nhận, muốn chuyển viện khẩn đến bệnh viện nào có làm nội soi ngay lập tức được.

Trước tình hình này, bác sĩ trực đã cố gắng giải thích nhưng không tạo được sự an tâm cho người bố, bất ngờ người bố bệnh nhi xông vào hành hung, đẩy bác sĩ vào tường, bóp cổ và quay clip. Ngay sau đó bảo vệ bệnh viện đã kịp thời có mặt và ngăn chặn hành vi hành hung bác sĩ.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh sớm tiến hành xác minh sự việc. Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng đến quyền của người hành nghề, gây tổn hại về thể chất, tinh thần và danh dự của bác sĩ trực tiếp bị hành hung trong lúc đang hành nghề cũng như các thầy thuốc, nhân viên y tế khác. Đồng thời, sự việc cũng gây mất an ninh, an toàn và trật tự tại nơi khám chữa bệnh cấp cứu, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, thời gian khám chữa bệnh cho người bệnh khác.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế TP. HCM sớm tiến hành xác minh sự việc, báo cáo cụ thể về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế. Phối hợp với Công an TP.Hồ Chí Minh (Phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội) để điều tra, đề xuất hướng xử lý nghiêm đối với hành vi sai phạm. Kịp thời động viên đối với người hành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vụ hành hung.

Địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vắc-xin được phân bổ quá hạn

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị tăng cường triển khai tiêm vắc-xin Covid-19.

Theo ghi nhận của Bộ Y tế vẫn còn có một số địa phương có tiến độ tiêm chủng vắc-xin cho các nhóm đối tượng còn chậm, vắc-xin được phân bổ nhưng chưa sử dụng còn nhiều. 

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát đối tượng, lập kế hoạch triển khai và tổ chức tiêm ngay cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn. 

Đẩy nhanh tiến độ tiêm các mũi vắc-xin Covid-19 an toàn cho các nhóm đối tượng để cơ bản hoàn thành tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022, đặc biệt nhóm trẻ có nguy cơ cao (trẻ béo phì, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch...), tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và mũi 4 cho các đối tượng có chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên địa bàn; quán triệt, đảm bảo nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, sử dụng hiệu quả số vắc-xin được phân bố.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến ở Quảng Ngãi

Những ngày gần đây, Khoa bệnh nhiệt đới - Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận trung bình từ 15- 20 bệnh nhân sốt xuất huyết.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Quảng Ngãi có hơn 1.300 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

TP. Quảng Ngãi là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh với gần 300 ca. Hiện nay, mật độ muỗi ở thành phố rất cao, do đó, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh, diệt lăng quăng bọ gậy tại các khu dân cư là hết sức cần thiết.

Để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh viện đã bố trí y, bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân, kê thêm giường bệnh để điều trị nội trú. Bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền để điều trị bệnh nhân theo phác đồ của Bộ Y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phân bổ kịp thời hóa chất diệt muỗi đến cho các địa phương để phun chủ động tại các khu vực có nguy cơ cao.

Đối với bệnh nhân bị sốt xuất huyết, quan trọng nhất là tiểu cầu. Bệnh viện phối hợp với người nhà bệnh nhân, các câu lạc bộ hiến máu, tình nguyện viên để huy động hiến tiểu cầu cứu chữa kịp thời.

Để phòng chống sốt xuất huyết, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức đồng loạt chiến dịch ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy trên phạm vi rộng để diệt muỗi gây bệnh.

TP.HCM triển khai giải pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Ngày 25/7, Sở Y tế TP.HCM đã họp bàn các giải pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, đây được xem là một nhiệm vụ cấp bách trong công tác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư