Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 30/9: Tăng cường giám sát và phòng chống bệnh do Adenovirus; Thu hồi triệt để thuốc không đạt chất lượng
D.Ngân - 30/09/2022 09:00
 
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vừa có văn bản số 2170/KSBT-PCBTN về việc tăng cường giám sát và phòng, chống bệnh do Adenovirus, gửi Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã.

Tăng cường giám sát 

Tại Hà Nội, số bệnh nhân mắc Adenovirus phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, một số đơn vị ghi nhận số mắc cao như: Long Biên (147 ca), Hà Đông (87 ca), Nam Từ Liêm (82 ca), Hoàng Mai (75 ca), đồng thời, đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong tại 3 quận, huyện: Mỹ Đức, Phú Xuyên, Tây Hồ.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện nay, thời tiết tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn giao mùa thu - đông, là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát và lây lan của các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có bệnh do Adenovirus.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh do Adenovirus trên địa bàn thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề nghị, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện ca bệnh tại cộng đồng, các phòng khám, bệnh viện tư nhân và tại các cơ sở y tế được phân cấp đóng trên địa bàn.

Ảnh minh hoạ

Đặc biệt, tập trung giám sát tại các khoa khám bệnh, khoa nhi, khoa truyền nhiễm tại các bệnh viện, đảm bảo tần suất tối thiểu 3 lần/tuần để thu thập thông tin về tình hình bệnh nhân Adenovirus đến khám và điều trị.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phải tổ chức ngay các hoạt động điều tra dịch tễ, xử lý dịch khi ghi nhận các chùm ca bệnh tại cộng đồng, trường học. Đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ số mắc, số tử vong hằng tháng trên hệ thống báo cáo trực tuyến theo quy định.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng, chống bệnh do Adenovirus, trong đó, tập trung vào các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, che mũi miệng khi ho, hắt hơi, không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh…

Trước số lượng ca mắc virus Adeno phải nhập viện tăng cao, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm Adenovirus.

Thực hiện tốt công tác phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong trường hợp phát sinh lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh phải tiến hành xử lý quyết liệt.

Tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 ở nhiều tỉnh, thành vẫn thấp

Ngày 29/9, theo thông tin từ Bộ Y tế, cả nước có 91.194 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm tại 24 tỉnh, trong đó 81.130 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 10.064 mũi tiêm cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi, nâng tổng số vắc-xin đã tiêm ở nước ta đến nay là 260.159.568 mũi.

Nhóm từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 3 đạt tổng số có 50.828.835 mũi tiêm (78,1%).

5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp: Bình Định (58,3%); Phú Yên (60,7%); Đồng Nai (53,3%); Đồng Tháp (59,2%); Bình Phước (59,8%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%); Sóc Trăng (97,7%).

Kết quả tiêm mũi 4, tổng số có 15.402.335 mũi tiêm.

Nhóm từ 12-17 tuổi, cả  nước đã tiêm mũi 3 được 5.010.627 trẻ (đạt tỷ lệ 58,5%) tăng 0,1%.

5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (36,2%); Quảng Ngãi (38,3%); Phú Yên (22,5%); TP.HCM (34,8%); Bà Rịa - Vũng Tàu (16%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (97,3%); Lâm Đồng (91,1%); Sóc Trăng (99,3%).

Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi, đến nay tròn 5,5 tháng triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ trong độ tuổi này, tổng số mũi tiêm vắc-xin Covid-19 trên cả nước đạt 16.699.867, trong đó mũi 1 là 9.857.236 trẻ (đạt tỷ lệ 88,9%).

5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (77,1%); Đà Nẵng (67,4%); TP.HCM (62,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (71%); Đồng Nai (78%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Bình (99,6%); Bắc Giang (99,8%); Điện Biên (99,1%)

Tiêm mũi 2 cho trẻ trong độ tuổi này đến nay là 6.842.631 mũi (đạt tỷ lệ 61,7%)

5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (31,6%); Quảng Nam (31,3%); TP.HCM (34,9%); Bà Rịa - Vũng Tàu (41,1%), Đồng Nai (43,1%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (97,6%); Sóc Trăng (98,4%); Cà Mau (93,8%).

Hà Nội: Thu hồi triệt để 2 loại thuốc không đạt chất lượng

Sở Y tế Hà Nội đã có công văn về việc thu hồi triệt để thuốc Levosum và tất cả lô thuốc sản xuất từ 2 lô nguyên liệu Methylprednisolone không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Sở Y tế Hà Nội ra Công văn số 4290/SYT-NVD về việc thu hồi thuốc Levosum do Công ty TNHH Dược phẩm Đức Anh phân phối.     

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Hà Tây, Công ty TNHH Dược phẩm Đức Anh thực hiện thu hồi triệt để lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên do Công ty TNHH Dược phẩm Đức Anh phân phối và trên địa bàn Hà Nội, gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi theo quy định tại Công văn số 9409/QLD-CL.

Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi thuốc viên nén Levosum (Levothyroxin natri 0,1 mg), SDK: VN-22010-19, lô SX: E27621012, NSX: 08/7/2021, HD: 7/7/2024 của các đơn vị và việc báo cáo tình hình phân phối, gửi mẫu bổ sung để kiểm tra chất lượng của Công ty CP Dược phẩm Hà Tây.

Các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, cơ sở y tế ngoài công lập, DN kinh doanh thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.

Sở Y tế Hà Nội cũng ra Công văn số 4291/SYT-NVD về việc thu hồi thuốc Methylprednisolone.

Thực hiện Công văn số 9343/QLD-CL ngày 22/9/2022 của Cục Quản lý Dược về việc thông báo thu hồi thuốc. Sở Y tế thông báo thu hồi tất cả lô thuốc sản xuất từ 2 lô nguyên liệu Methylprednisolone ghi nhãn số lô: 04.1064 - 191204 và 04.1064 - 220107 của các công ty: Công ty CP Dược phẩm Trung ương I-Pharbaco, Công ty CP US Pharma USA, Công ty CP Dược phẩm Quảng Bình, Công ty CP Dược phẩm Tipharco.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, cơ sở y tế ngoài công lập, các DN kinh doanh, sản xuất thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi triệt để tất cả lô thuốc nêu trên; gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi về Sở Y tế, Cục Quản lý Dược theo quy định. Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi của các đơn vị.

Công ty CP Dược phẩm Trung ương 1 - Pharbaco thực hiện thu hồi triệt để các lô thuốc sản xuất từ 2 lô nguyên liệu Methylprednisolon nêu trên, chuẩn bị hồ sơ tài liệu liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh, thu hồi các lô thuốc đã nêu tại công văn số 9343/QLD-CL; xuất trình cho Đoàn kiểm tra khi được yêu cầu.

Phòng Y tế quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiếm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng.

Tuyên Quang: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang,  tính đến ngày 28/9, trên địa bàn tỉnh đã có 536 ca mắc sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu tại thành phố Tuyên Quang.

Các ca mắc tập trung nhiều ở phường Tân Quang 260 ca, Minh Xuân 92 ca, Phan Thiết 66 ca, Hưng Thành 28 ca….

Lượng bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang do sốt xuất huyết tăng đột biến. Trong một tuần vừa qua, đã có hơn 80 ca bệnh nhập viện, đa số các bệnh nhân nhập viện có triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau mỏi người.

Theo dự báo, từ nay đến tháng 11, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tăng mạnh do vào cao điểm mùa dịch nên tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại địa phương sẽ còn diễn biến rất phức tạp.

Để ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy và duy trì hoạt động 1 tuần 1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 lần 1 tuần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng 1 lần tại các khu vực còn lại.

Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới các hộ gia đình để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư