Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 31/7: Tự ý bỏ điều trị, nhiều bệnh nhân phải ghép gan
D.Ngân - 31/07/2023 11:09
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 3 triệu ca mắc viêm gan mới và 1 triệu ca tử vong mỗi năm do virus viêm gan B và C.

Gần 10 triệu người Việt mắc viêm gan B

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện có 10 triệu người Việt mắc viêm gan B. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% trường hợp viêm gan B được chẩn đoán, trong đó 22% được điều trị; 

Tương tự 21% bệnh nhân viêm gan C được chẩn đoán, trong số đó chỉ 62% được điều trị. Trên toàn cầu chỉ có 42% trẻ em được tiêm liều vắc xin viêm gan B sau sinh.

Bệnh nhân viêm gan đang điều trị tại cơ sở y tế.

Tại Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C.

Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh được phát hiện và quản lý còn rất khiêm tốn. Nếu không được kiểm soát tốt, nhiều người trong số đó sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.

Hàng ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám và nhập viện nhưng không biết bị nhiễm virus viêm gan B, C vì đa số có triệu chứng âm thầm, kín đáo, khi đến viện đã có biến chứng xơ gan thậm chí ung thư gan.

Đến khám gần đây nhất là ông Nguyễn Văn K. (64 tuổi, Hà Nam). Ngày 21/7 ông nhập viện với triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng da.

Bệnh nhân phát hiện xơ gan - viêm gan mạn cách đây 1 năm, điều trị thuốc kháng virus tại tuyến tỉnh thấy có đỡ, tuy nhiên sau đó lại bỏ thuốc 6 tháng nay.

Theo lời kể của người nhà, 1 tuần nay bệnh nhân mệt mỏi, ăn ngủ kém, đầy bụng. Ông K. đang điều trị tiểu đường nên vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám, xét nghiệm thấy men gan tăng cao nên được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan mạn, biến chứng xơ gan, suy gan,.. tiên lượng bệnh rất khó khăn.

Trường hợp khác là bệnh nhân Nguyễn Phương N. (47 tuổi, Yên Bái) phát hiện viêm gan B từ 4 năm trước, điều trị thuốc kháng virus nhưng đã tự ý bỏ thuốc 2 tháng nay. Trước khi nhập viện 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, cảm giác đầy bụng, vàng da vàng mắt...

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới chị N. được chẩn đoán xơ gan, men gan cao, suy gan và có chỉ định lọc máu, thậm chí bác sĩ tư vấn có chỉ định ghép gan. 

PGS. TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh, điều trị viêm gan B là điều trị suốt đời nên bệnh nhân cần được theo dõi, quản lý chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu ngừng thuốc, bỏ thuốc thì virus sẽ bùng lên dẫn tới suy gan cấp.

Rất nhiều bệnh nhân đến Trung tâm do bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị với các triệu chứng vàng da, vàng mắt, biểu hiện xơ gan, men gan cao và suy gan.

Bệnh viêm gan B đã có vắc-xin phòng bệnh. Do vậy, người dân cần được sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Thuốc điều trị viêm gan B và C hiện nay đã được bảo hiểm y tế chi trả nên bệnh nhân không phải lo lắng nhiều về giá thành điều trị. Điều quan trọng là người dân phải nhận thức được mức độ nguy hiểm của viêm gan với sức khỏe, thực hiện theo khuyến cáo của các chuyên gia.

Nhập viện cấp cứu vì không tuân thủ điều trị tiểu đường

Đi du lịch với bạn bè, chị N.T.Q.V (36 tuổi ở Hà Nội) quên mang thuốc tiêm insulin để điều trị tiểu đường. Chỉ 3 ngày sau, chị bị nôn mửa, khó thở, nhiễm toan ceton, đường máu tăng cao và phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 27/7, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, nữ bệnh nhân N.T.Q.V (36 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1 được 5 năm. Bệnh nhân đang điều trị tại tuyến huyện và được cho sử dụng thuốc tiêm insulin.

Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân có đi chơi cùng bạn bè và đã không mang theo thuốc tiêm để sử dụng. Hậu quả là sau 3 ngày bỏ thuốc ,bệnh nhân đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn nhiều, khó thở, nhiễm toan ceton, đường máu mao mạch lúc nhập viện là 29,5 mmol/l.

Theo Bộ Y tế, nước ta có khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường; hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch, 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận....

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người bệnh đái tháo đường để đạt được mục tiêu cần tuân thủ các chế độ điều trị, bao gồm: chế độ sử dụng thuốc; chế độ ăn uống; thay đổi thói quen sống; kiểm soát đường huyết; khám sức khỏe định kỳ.

Việc không tuân thủ kéo theo những biến chứng cấp tính như hạ đường huyết, nhiễm toan ceton và hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng đường máu không nhiễm toan ceton, hôn mê nhiễm toan lactic, các bệnh nhiễm trùng cấp tính.

Ngoài ra, những biến chứng mạn tính được ghi nhận như biến chứng thần kinh, loét chân và đoạn chi, biến chứng tim mạch, biến chứng suy thận, biến chứng mắt, suy giảm nhận thức.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, việc tuân thủ phác đồ điều trị là chìa khóa vàng để kiểm soát chặt chẽ tình trạng sống chung với bệnh. Trong điều trị đái tháo đường, hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào ý thức hợp tác tự quản lý của người bệnh.

Suy gan, thận vì bị côn trùng cắn

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa điều trị thành công bệnh nhân bị suy đa tạng do sốt mò (Rickettsia), nhập viện trong tình trạng suy hô hấp phải thở máy.

Bệnh nhân là nam giới, 36 tuổi, làm nghề nông nghiệp và nuôi ong mật trên núi đá. Thi thoảng bệnh nhân lại lên núi đá lấy mật ong.

Cách vào viện một tuần, người bệnh xuất hiện sốt, đau mỏi người, tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ. Sáng cùng ngày vào viện, người bệnh sốt cao liên tục, khó thở, mệt mỏi nhiều, được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, sốt cao liên tục, rét run, thể trạng nhiễm trùng, nhiễm độc. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện 1 vết thương rất đặc trưng do mò đốt ở vùng mông bên trái của bệnh nhân. Vết thương khô, đóng vảy và không đau.

Các xét nghiệm cận lâm sàng thể hiện bệnh nhân có tình trạng tổn thương gan, thận cấp, rối loạn đông máu và hình ảnh viêm phổi. Bệnh nhân được chẩn đoán: suy đa tạng do sốt mò. Bệnh nhân nhanh chóng được điều trị bằng thở máy, sử dụng kháng sinh đặc hiệu và các biện pháp hỗ trợ tạng suy.

Sau hơn 1 tuần điều trị điều trị và chăm sóc tích cực, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.

Theo bác sĩ Hoàng Công Tình - Khoa Hồi sức tích cực 1 bệnh viện, sốt mò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, tỉ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đặc hiệu. Bệnh có biểu hiện đa dạng, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Vi khuẩn gây bệnh có tên Orientalis, thuộc họ Rickettsia. Ấu trùng mò mang vi khuẩn Orientalis sẽ truyền bệnh sang người qua vết đốt. Như vậy, ấu trùng mò chính là trung gian truyền bệnh.

Sốt, đau đầu, đau mỏi khắp người, vết loét ngoài da do mò đốt (dấu hiệu đặc trưng của sốt mò), phát ban, sưng các hạch, tổn thương đa cơ quan (đặc biệt là phổi, tim, gan…) là dấu hiệu chủ yếu của bệnh.

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng hay gặp ở lứa tuổi lao động. Bệnh có thể gặp rải rác trong năm nhưng hay gặp chủ yếu về mùa mưa và nắng nóng.

"Để phòng ngừa mò đốt, khi đi vào nương rẫy, đồi núi, mọi người cần mặc quần áo kín, quần áo có tẩm hóa chất chống côn trùng, bôi hóa chất xua côn trùng lên các vùng da hở. Tránh ngồi, nằm, phơi quần áo, đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây", bác sĩ Tình khuyến cáo.

Đừng chủ quan với "sát thủ thầm lặng" viêm gan B
Viêm gan B là một trong những bệnh mạn tính nguy hiểm, gây ra cái chết cho hơn 600.000 người mỗi năm trên toàn thế giới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư