Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 4/10: Các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ; Phân luồng, tuyến điều trị bệnh nhân mắc Adenovirus
D.Ngân - 04/10/2022 10:54
 
Việt Nam đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP.HCM thông qua giám sát dịch tễ. Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện 6 biện pháp phòng bệnh.

6 biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Ảnh minh hoạ

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Phân luồng, tuyến điều trị đối với bệnh nhân mắc virus Adeno

Chiều 3/10, Bộ Y tế tổ chức họp về thu dung, điều trị bệnh nhi mắc virus Adeno.

Thông tin từ bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay bệnh viện đã ghi nhận hơn 3.130 ca mắc virus Adeno, 9 ca tử vong, tăng thêm 2 ca.

Ca bệnh có xu hướng tăng nhanh theo từng tuần từ giữa tháng 9 đến nay. Tuần từ 12-18/9 chỉ ghi nhận 168 ca. Tuần qua (26/9-2/10) ghi nhận gần 1.150 ca. Chỉ trong 3 tuần, viện này ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc virus Adeno. Bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi 1-3 tuổi.

Số ca mắc mới, ca nặng chưa dừng lại dù tốc độ gia tăng có dấu hiệu "đi ngang” riêng bệnh nhân có địa chỉ tại Hà Nội ghi nhận tới 2.344 ca, tương đương 75% tổng số bệnh nhân. Ngoài ra, Bắc Ninh, Hưng Yên ghi nhận mỗi nơi 103 ca, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Đến sáng 3/10, Bệnh viện Nhi Trung ương còn khoảng 300 ca mắc virus Adeno đang điều trị. Hiện có hơn 40 ca nặng, nguy kịch; trong đó có 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim phổi ngoài lồng ngực); 2 ca lọc máu, 35 ca thở oxy.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh vấn đề sàng lọc, phân luồng, phân tuyến điều trị rất quan trọng, nhằm hạn chế tối đa bệnh nhân trở nặng, tử vong, lây chéo trong cơ sở điều trị.

Virus này có khả năng gây ra nhiều bệnh khác nhau như viêm phổi, đau mắt đỏ… và có khả năng đề kháng, chịu đựng với khí hậu hay các bề mặt nhiễm cao so với các loại virus khác như SARS-CoV-2.

Tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng phải phân luồng từ khu vực phòng khám. Khi chẩn đoán khẳng định trẻ mắc viurs Adeno phải có buồng điều trị riêng.

Vấn đề chỉ định xét nghiệm được nhiều chuyên gia nêu ý kiến và thống nhất quan điểm cần cá thể hóa từng bệnh nhân, không xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, lãng phí.

Hội đồng chuyên môn đang xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Adeno ở trẻ em, dự kiến sẽ sớm ban hành Hướng dẫn này.

Hà Nội: Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết và Adenovirus

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua thành phố ghi nhận 807 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 9,3% so với tuần trước), ghi nhận ở 29 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 4.720 ca (cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ), trong đó có 5 cả tử vong.

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 465/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp vi rút lưu hành trên địa bàn thành phố chủ yếu là Dengue 1 và Dengue 2, Dengue 4. Trong tuần, thành phố cũng ghi nhận thêm 56 ổ dịch mới tại 17 quận, huyện, thị xã.

Từ ngày 23- 29/9, Hà Nội có thêm 920 ca mắc Adenovirus. Từ đầu năm 2022 đến ngày 29/9, Hà Nội đã ghi nhận 1.940 bệnh nhân dương tính với Adenovirus phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong. Một số quận, huyện ghi nhận số ca mắc Adenovirus cao như: Long Biên (175 ca), Đống Đa (154 ca), Hoàng Mai (152 ca), Nam Từ Liêm (152 ca), Hà Đông (64 ca).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đánh giá, dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm nhẹ so với tuần trước nhưng hiện đang là cao điểm mùa dịch nên số mắc có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Ngành Y tế thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.

Tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ; đồng thời chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi.

Yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát phát hiện ca mắc Adenovirus tại cộng đồng và các cơ sở y tế để phát hiện sớm ca bệnh, tránh các biến chứng do phát hiện muộn; đồng thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế dịch bệnh lan rộng.

Nguy cơ lây lan ra cộng đồng của ca đậu mùa khỉ đầu tiên ở mức nào?
Theo đại diện Bộ Y tế, cho đến nay, các đánh giá lây nhiễm đã khoanh vùng, xử lý người tiếp xúc thì ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên khó có khả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư