Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 4/9: Khuyến cáo những bệnh truyền nhiễm trước thềm năm học mới
D.Ngân - 04/09/2023 08:00
 
Theo Bộ Y tế, kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương cho thấy tình hình bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố.

Khuyến cáo biện pháp chống dịch trước thềm năm học mới

Đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội và bệnh tay chân miệng tại miền Nam. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Ảnh minh hoạ.

Trong đó, đặc biệt là hóa chất phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ bệnh trên địa bàn triệt để, hiệu quả.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả công lập và ngoài công lập đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt là dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Trước thềm khai giảng năm học mới 2023-2024, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, khi học sinh quay trở lại trường học, các bệnh sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, thủy đậu, tay chân miệng có nguy cơ bùng phát, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh từ sớm, từ xa.

Phụ huynh và nhà trường cũng nên chú ý việc vệ sinh ăn uống như thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi).

Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

Phụ huynh và nhà trường cũng cần chú ý không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng; sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như chậu và khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.

Đắk Lắk ghi nhận ca tử vong thứ 3 do sốt xuất huyết

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk (CDC Đắk Lắk) cho biết, vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết tại huyện Krông Pắk.

Đây là trường hợp thứ ba tử vong vì bệnh này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tính từ đầu năm 2023 đến nay.

Theo số liệu thống kê của CDC Đắk Lắk, tính đến ngày 2/9, toàn tỉnh ghi nhận 2.272 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong.

Đại diện CDC tỉnh này cho biết, hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh tăng đột biến.

Theo dự báo, trong thời gian tới, mùa mưa kéo dài cũng là thời điểm tựu trường, nguy cơ bệnh sốt xuất huyết có thể tăng.

CDC Đắk Lắk khuyến cáo người dân, khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời. Người dân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Dịch bạch hầu ở Hà Giang tiếp tục phức tạp

Theo Sở Y tế Hà Giang, liên quan đến diễn biến dịch bạch hầu tại huyện Mèo Vạc của tỉnh này, đến nay ghi nhận tổng số 32 ca nghi ngờ mắc.

Tất cả bệnh nhân xác định và nghi ngờ mắc bệnh đều ở huyện Mèo Vạc, tập trung tại 8 xã, thị trấn, nhiều nhất là xã Khâu Vai với 14 ca.

Hiện tại, 30 bệnh nhân nghi ngờ đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc. Một số bệnh nhân có biểu hiện ban đầu như sốt nhẹ, ho khan, đau rát thành họng, nuốt đau, mệt mỏi, ăn kém, có giả mạc...

Theo Sở Y tế Hà Giang, dịch diễn biến tương đối phức tạp, nguy cơ lan rộng; các ca bệnh xuất hiện tản phát tại 8 xã, diễn biến tình hình dịch bệnh trong khoảng thời gian khá dài và tương đối phức tạp, nguy cơ có thể lan rộng.

Mặc dù việc giám sát và kiểm soát các ca bệnh tại địa bàn nguy cơ phải quyết liệt hơn, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị năm học mới, nhưng thực tế tồn tại nhiều khó khăn.

Theo các chuyên gia, bệnh bạch hầu (diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu.

Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Do vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh. Trước đó, năm 2021 đã xuất hiện dịch bạch hầu diện rộng tại khu vực Tây Nguyên.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư