Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 5/7: Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế
D.Ngân - 05/07/2022 10:05
 
Liên quan đến vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.

Thứ nhất, Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về đảm bảo thuốc, vật tư y tế và thanh toán cho phí khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Ảnh minh hoạ

Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như kết quả kiểm tra tại các địa phương, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị, tránh tình trạng tâm lý sợ sai, không dám mua sắm. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm Y tế; Luật Trang thiết bị Y tế.

Tổ chức Lễ phát động chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3, mũi 4

Sáng nay, 5/7, Bộ Y tế phối hợp với Tổng Liên đoàn tổ chức Lễ phát động chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 và mũi 4 cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động.

Theo Bộ Y tế, kháng thể bảo vệ của vắc-xin Covid-19 sẽ suy giảm theo thời gian, cụ thể từ 4-6 tháng. Do đó, việc tiêm các mũi nhắc lại là cần thiết để phòng mắc bệnh, tái mắc bệnh, giảm nguy cơ bệnh nặng, tử vong, nhất là trong bối cảnh xuất hiện các biến chủng mới khó lường.

Hiện nay, tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn chưa bảo đảm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đối với tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 4 cho đối tượng cho nguy cơ cao và tiêm cho trẻ em gặp nhiều khó khăn mặc dù Bộ Y tế đã phân bổ đủ vắc-xin cho các bộ và các tỉnh, thành phố; ban hành đầy đủ các hướng dẫn tiêm vắc-xin, truyền thông, tổ chức đôn đốc, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Việc triển khai tiêm chậm và khó khăn có nhiều nguyên nhân, trong đó có tâm lý chủ quan của người dân sau khi mắc bệnh khỏi không muốn tiếp tục tiêm vắc-xin; Tâm lý sợ trách nhiệm khi tiếp nhận vắc-xin đã có quyết định phân bổ; công tác vận động, huy động người dân tham gia tiêm chủng tại địa phương chưa thực sự hiệu quả;

Tác động của sự di biến động dân cư, gây khó khăn cho việc thống kê, xây dựng kế hoạch tiêm mũi nhắc lại; Đồng thời, hầu hết trẻ em đang trong giai đoạn nghỉ hè dẫn đến khó huy động việc tiêm chủng so với giai đoạn trước đây.

Đã có 92.000 người mắc, 36 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Đến ngày 4/7, cả nước ghi nhận khoảng 92.000 ca sốt xuất huyết.  Con số này tăng khoảng 15.000 ca so với thống kê 10 ngày trước đó. Đã có 36 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết - tăng 6 trường hợp so với 10 ngày trước đó.

Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản chỉ đạo về chuyên môn cũng như đề nghị các địa phương phải nỗ lực phòng chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời, mới đây, Bộ Y tế đã lập 7 đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh/ thành phố trọng điểm trong tháng 6 - tháng 7 năm 2022. 

Sốt xuất huyết tại TP. HCM tăng gần 7% trong 1 tuần; BV ở miền Bắc ghi nhận bệnh nhân diễn biến nặng có dịch tễ trở về từ phía Nam

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC), trong tuần qua trên địa bàn đã ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết  Ngoài ra đã phát sinh thêm 175 ổ dịch sốt xuất huyết mới ở 98 phường, xã, nhiều nhất kể từ đầu năm.

Tính từ ngày 24- 30/6, TP. HCM đã có 2.428 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng tăng gần 7% so với trung bình 4 tuần trước.

Tính đến hết tháng 6, TP. HCM ghi nhận 21.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 181% với cùng kỳ năm ngoái. Số ca sốt xuất huyết nặng gấp 3,7 lần năm trước với 346 trường hợp.

Tại miền Bắc, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương... đã ghi nhận các ca sốt xuất huyết diễn biến nặng (sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi...) có dịch tễ trở về từ các tỉnh phía Nam.

Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh...

Hà Nội tăng cường kiểm tra lấy mẫu chất lượng thuốc

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn về việc tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng thuốc gửi lãnh đạo các cơ sở y tế trên địa bàn; trưởng phòng y tế các quận, huyện, thị xã.

Yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, bán lẻ thuốc. Sở Y tế Hà Nội sẽ kiểm tra, giám sát các cơ sở, đơn vị trong việc tuân thủ quy chế chuyên môn về dược.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội cần tăng cường công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc, lưu ý đối với các thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng.

Các cơ sở y tế, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu phát hiện thuốc không bảo đảm chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nghi ngờ giả cần khẩn trương thông báo về Thanh tra Sở Y tế để có biện pháp xử lý.

Phòng y tế các quận, huyện, thị xã được yêu cầu xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn quản lý trong việc thực hiện quy chế chuyên môn; đồng thời thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ sở, người dân và xử lý theo thẩm quyền quy định.

Nhiều tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 1 thấp

Kết quả sơ bộ tiến độ tiêm chủng đến hết ngày 4/7/2022 của Bộ Y tế

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) có tổng số 45.533.296 mũi tiêm (67,9%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 thấp: Hải Phòng (43,1%); Quảng Nam (45,4%); Đồng Nai (43,7%); Cà Mau (40,0%); Hậu Giang (35,1%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 cao: Thanh Hóa (93,8%); Bắc Giang (95,3%); Bến Tre (91,8%).

Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 4.712.466 mũi tiêm (31,8%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 thấp: Hà Nội (15,7%); Bắc Cạn (3,2%); Nghệ An (9,8%); Lai Châu (14,4%); Đồng Tháp (8,8%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao: Quảng Ninh (78,8%); Khánh Hòa (70,5%); BR-VT (83,9%)

Nhóm từ 12-17 tuổi: Ghi nhận 8.648.920 trẻ tiêm đủ 2 mũi đạt 98,7%; Tiêm nhắc: 940.081 trẻ (10,7%).

Tỉnh tiêm thấp dưới 5% gồm:

Miền Bắc (14 tỉnh): Hà Nội; Nam Định;Hà Nam; Bắc Giang; Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang;Cao Bằng; Yên Bái; Điện Biên.

Miền Trung (2 tỉnh): Quảng Nam; Bình Thuận

Miền Nam (9 tỉnh): Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Vĩnh Long; Đồng Tháp; Bình Phước; Kiên Giang; Hậu Giang.

Kết quả tiêm nhắc tốt: Thanh Hóa (47,3%); Tây Ninh (47,0%); Bến Tre (43,7%).

Dịch sốt xuất huyết đang gây lo ngại tại Hà Nội
Chuyên gia dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc sẽ rơi vào giữa tháng 8 và cần chủ động phòng bệnh từ bây giờ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư