Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 5/9: Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đầu năm học mới
D.Ngân - 05/09/2023 10:15
 
Năm học mới bắt đầu khi dịch đau mắt đỏ đang bùng phát ở Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc. Trong 3 tuần của tháng 8, Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ, tăng 2 lần so với tháng 6.

Phòng chống dịch đau mắt đỏ

Thông tin từ Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương, cơ sở đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp, trong đó 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng.

Ảnh minh hoạ.

Phòng khám Mắt, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) mỗi ngày tiếp nhận 80 bệnh nhân thăm khám, trong đó khoảng 50% là bị đau mắt đỏ.

Có một số gia đình gần như cả nhà đều mắc bệnh. Không ít trường hợp người lớn, trẻ em gặp biến chứng nặng viêm giác mạc cần phải nhập viện điều trị.

Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo người bị bệnh đau mắt đỏ cần nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế những nơi đông người để tránh lây cho người khác.

Bởi đau mắt đỏ là bệnh lây từ người này sang người khác qua nước mắt và rử ghèn có chứa nhiều tác nhân gây bệnh. Người bị viêm kết mạc hay lấy tay dụi mắt, sau đó cầm nắm vào các đồ vật sử dụng chung trong nhà, nơi làm việc, trường học… làm cho người khác khi sử dụng đồ vật đó bị lây, cũng có thể lây qua môi trường bể bơi tập thể.

Một số viêm kết mạc do virus còn lây bệnh qua đường hô hấp. Ở người bình thường, nước mắt được dẫn lưu xuống mũi qua hệ thống lệ đạo, khi viêm kết mạc, nước mắt chứa yếu tố gây bệnh được dẫn lưu xuống mũi họng. Khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi dịch mũi họng bắn ra ngoài không khí sẽ gây bệnh cho người khác.

Vì vậy, bác sĩ khuyên không sử dụng một lọ thuốc tra mắt cho nhiều người. Không sử dụng nước muối tự pha để nhỏ mắt vì không đảm bảo vô trùng. 

Không vứt bừa bãi bông gạc sau khi sử dụng thấm rửa mắt. Thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi nắng. Các phòng khám cần vệ sinh tay và sát trùng dụng cụ đúng quy trình.

Dịch tay chân miệng đáng lo

Theo Bộ Y tế, số ca mắc tay chân miệng tính đến thời điểm này đang tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm trước. Tuần qua, cả nước ghi nhận 5.727 trường hợp mắc, tích luỹ từ đầu năm cả nước có 68.096 ca mắc, 18 bệnh nhân tử vong (tăng 15 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022).

Trong những tuần gần đây, Hà Nội ghi nhận trung bình từ 40-50 ca tay chân miệng, tính từ đầu năm đến nay toàn TP có 36 ổ dịch. Các chuyên gia dịch tễ cho biết, 2 chủng gây bệnh tay chân miệng lưu hành ở Việt Nam là EV71 và A16, trong đó EV71 thường gây bệnh nặng, dễ biến chứng và có thể tử vong.

Trong hơn 500 ca tay chân miệng phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm tới nay, có 20-30% nhiễm chủng EV71, gây biến chứng viêm não, viêm màng não…

PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vào năm học mới, dự báo số trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ gia tăng nếu trường học, đặc biệt là trường mầm non, tiểu học nếu không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh dụng cụ, đồ chơi nhằm phòng bệnh.

Tay chân miệng lây qua đường tiêu hoá (phân- miệng) thông qua các giọt bắn từ miệng vào đồ chơi, qua phân của người bệnh ra ngoài vào thức ăn, nước uống và người lành ăn phải.

Khi phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, quần áo. Tại các cơ sở mầm non, tiểu học, rất dễ có sự lây nhiễm từ trẻ mắc bệnh sang trẻ lành qua giọt bắn, bàn tay sờ vào vật dụng bị nhiễm virus…

55 người tử vong do bệnh dại

Trong gần 8 tháng qua, cả nước ghi nhận 55 trường hợp tử vong do bệnh dại, tại 25 tỉnh, thành phố.

So với cùng kỳ năm ngoái, số ca tử vong do bệnh dại tăng 15 trường hợp. Gia Lai là tỉnh có số người mắc bệnh dại và tử vong nhiều nhất với 9 trường hợp, tiếp đến là Nghệ An và Điện Biên, mỗi tỉnh 6 trường hợp, Bình Phước và Bến Tre, mỗi tỉnh 4 trường hợp. 20 tỉnh thành khác có từ 1-2 người tử vong vì bệnh dại trong gần 8 tháng qua.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, vết liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%.

Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Chuyên gia cho hay, người bị bệnh dại chủ yếu tại vùng nông thôn có thói quen nuôi chó thả rông. Mặc dù vậy, bệnh dại hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.

Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết hết sức phức tạp
Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 1.129 ca mắc sốt xuất huyết và 66 ổ dịch chỉ trong một tuần. Dự báo, tình hình dịch vẫn diễn biến phức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư