Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 7/10: Hà Nội mở chiến dịch cao điểm phòng sốt xuất huyết
D.Ngân - 07/10/2023 10:08
 
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, liên tục trong 4 tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng mạnh.

Hà Nội mở đợt cao điểm chống dịch sốt xuất huyết

Riêng trong tuần cuối cùng của tháng 9/2023, thành phố tiếp tục có thêm gần 2.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 1,5 lần so với tuần đầu của tháng 9/2023.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, liên tục trong 4 tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng mạnh.

Cộng dồn trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội ghi nhận 15.354 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022; trong đó có 3 ca tử vong. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân như: Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thanh Trì, Thạch Thất, Hà Đông, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Oai…

Ngoài ra, tổng số ổ dịch tính từ đầu năm 2023 đến nay là 1.029. Hiện còn 289 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã, bao gồm một số ổ dịch diễn biến phức tạp, kéo dài.

Đề cập sự cần thiết triển khai đợt cao điểm về công tác phòng, chống sốt xuất huyết, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũ Thu Hà nhấn mạnh, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng. Còn cơ quan chuyên môn, lực lượng khác tại địa phương tăng cường hướng dẫn, giám sát và kiểm tra.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai đợt cao điểm, cụ thể, 30 quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai đợt cao điểm một cách chi tiết, trong đó nội dung truyền thông phải tới được từng người dân. Việc truyền thông phải trực tiếp, sâu sát, dễ hiểu, hiệu quả và khẩn trương.

Thứ hai là, toàn bộ các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội về công tác phòng, chống sốt xuất huyết rất đầy đủ. Các quận, huyện, thị xã cần rà soát, xem xét giải pháp thực hiện để đem lại hiệu quả.

Cuối tháng 10/2023, TP sẽ tổ chức giao ban để đánh giá các nội dung mà các quận, huyện, thị xã đã triển khai trong đợt cao điểm này.

Bình Dương ghi nhận ca đậu mùa khỉ thứ hai

Bệnh nhân đậu mùa khỉ Bình Dương vừa ghi nhận là người có tiếp xúc với bệnh nhân ở TP.HCM. Đây là ca đậu mùa khỉ thứ hai được ghi nhận tại tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, ca đậu mùa khỉ vừa được ghi nhận là em L.M.T (SN 2004, khu phố Bình Phước, phường Bình Nhâm, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Trước đó T. có tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được TPHCM xác định trước đó là N.T.S (SN 2001, phường 2, Quận Tân Bình , TP.HCM).

Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, ca bệnh được Bệnh viện Quốc tế Becamex khám phát hiện, gửi mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính. Hiện tại đang được cách ly điều trị tại Khoa nhiễm Trung tâm Y tế TP.Thuận An

Toàn bộ người tiếp xúc gần có yếu tố dịch tễ và ổ dịch được ngành y tế tỉnh Bình Dương xử lý triệt để trong chiều 5/9 ngay khi phát hiện.

Trước đó vào ngày 23/9, Bình Dương ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên là chị N.K.L (SN 2001, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên). Chị L. là bạn của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở TPHCM là anh L.V.T.

Bộ Y tế cho biết, các triệu chứng điển hình của đậu mùa khỉ là: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.

Bệnh lây nhiễm trực tiếp qua tiếp xúc với người nhiễm ở khoảng cách gần (tiếp xúc với chăn ga gối trải giường, quần áo, khăn mặt, dịch tiết, giọt bắn đường hô hấp, cọ xát, da có trầy xước, quan hệ tình dục.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế đã ban hành các khuyến cáo. Cụ thể, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp;

Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khoẻ.

Phát bệnh dại sau 1 tháng bị mèo cắn

Ngày 6/10, theo thông tin từ Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân nam ở Thái Nguyên được chuyển đến từ Bệnh viện C Thái Nguyên với chẩn đoán theo dõi dại.

Nam bệnh nhân có tiền sử khoẻ mạnh, làm nghề thợ xây. Một tháng trước, bệnh nhân bị mèo cắn vào tay (không nhớ vị trí cắn). Sau một tuần con mèo chết, nhưng bệnh nhân không đi tiêm phòng dại.

Cách thời điểm vào viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau nhức người, đau cột sống thắt lưng. Sau khi tắm xong, bệnh nhân xuất hiện kích thích, buồn chồn, tức ngực, khó thở, sợ gió, sợ nước, tăng tiết đờm dãi, khạc nhổ nhiều lần.

Nam bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với biểu hiện nặng của bệnh dại, không ăn không uống được. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi thể dại hung dữ.

Hiện tại, sau 2 ngày nhập viện, bệnh nhân vẫn hôn mê, đang được thở máy. Hiện bệnh nhân đã có kết quả khẳng định với bệnh dại.

Để phòng chống bệnh dại, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc Nam.

Khi bị chó, mèo cắn nên xử lý vết thương bằng cách rửa ngay thật kỹ vết cắn với nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng virus tại vết cắn.

Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày. Tiêm vắc-xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.

Tiêm vắc-xin dại hoặc dùng cả vaccine và huyết thanh kháng dại để điều trị dự phòng tuỳ theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn. Cần đến khám ở trung tâm vắc-xin để được tư vấn.

Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại. Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.

Những người có nguy cơ bị nhiễm virus dại như nhân viên thú y, kiểm lâm, làm việc trong phòng thí nghiệm có virus dại... khuyến cáo nên tiêm phòng dại.

Kỳ vọng người dân Việt Nam sớm được sử dụng vắc-xin sốt xuất huyết
Sự hợp tác giữa Takeda và VNVC sẽ mang lại lợi ích thiết thực, và kỳ vọng thời gian tới người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận vắc-xin sốt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư