Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 7/2: Số ca mắc sốt xuất huyết ở một số địa phương gia tăng; FDA Mỹ thu hồi kem Diệp Bảo 10g nghi nhiễm chì
D.Ngân - 07/02/2023 09:58
 
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 27-1 đến 3-2, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 25 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 22 trường hợp so với tuần trước.

Trong tuần thứ 5/2023, thời tiết mưa phùn, nồm, ẩm là điều kiện để muỗi vằn sinh sôi, nảy nở nên số ca mắc SXH tại Hà Nội tăng cao.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 88 ca mắc SXH, số mắc giảm mạnh so với cuối năm 2022 nhưng tăng tới 9,7 lần so với cùng thời điểm này năm ngoái, không ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 22/30 quận, huyện, thị xã; 66/579 xã, phường, thị trấn.

Ảnh minh hoạ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự báo, trong thời gian tới, có thể vẫn sẽ ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, theo các chuyên gia y tế, trong mùa ẩm nồm, muỗi vằn - vật trung gian truyền bệnh SXH, dễ sinh sôi nảy nở. Do đó, người dân không được chủ quan.

Theo Sở Y tế Bình Định, từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 2/2023, toàn tỉnh này đã ghi nhận tổng cộng 312 ca sốt xuất huyết, có tuần ghi nhận trên 70 ca mắc sốt xuất huyết mới, hàng chục huyện đã ghi nhận có ca bệnh. Hiện tại đã xuất hiện 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định).

Các địa phương có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết ở Bình Định như: huyện Tuy Phước (36 ca); TP. Quy Nhơn (33 ca); An Nhơn (46 ca); Hoài Nhơn (34 ca); Tây Sơn (47 ca); Vĩnh Thạnh (39 ca)…

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết, ngành y tế địa phương đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường ngay các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.

Ngành y tế địa phương cũng đã chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bình Định cấp ngay hóa chất diệt muỗi cho các đơn vị tuyến dưới để chủ động phun diệt muỗi ngay từ cơ sở. Công tác điều trị cũng sẵn sàng, cơ sở y tế các tuyến phối hợp với nhau rất nhịp nhàng, bệnh viện tuyến trên thì ưu tiên để điều trị bệnh nhân nặng.

FDA Mỹ thu hồi kem Diệp Bảo 10g nghi nhiễm chì

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã có thông báo thu hồi dòng sản phẩm Kem Diệp Bảo 10g được bán bởi Shop Me Cá vì có khả năng bị nhiễm chì.

Kem Diệp Bảo được bán thông qua trang Facebook Shop Me Cá và nhiều nhóm Facebook của các bà mẹ Việt Nam như Hội Mẹ Việt Nuôi Con Tại Mỹ, Mẹ Việt Tại Mỹ, Chuyên Đồ Bầu và Chăm Sóc Sau Sinh, Nguyễn Ngọc.

Sản phẩm có dạng ống nhựa màu trắng và được đóng gói trong hộp bìa cứng màu trắng với trọng lượng 10 g. Tất cả nhãn mác đều bằng tiếng Việt. Mặt dưới của hộp có ghi ngày sản xuất là 1/5/2021 và hạn sử dụng là 5/7/2023.

Shop Mẹ Cá ở Herndon, bang Virginia, Hoa Kỳ, đã ra thông cáo thu hồi các tuýp kem "Diệp Bảo” 10 g. Shop này nói các nhóm Facebook trên không liên kết với họ. Khách hàng có thể liên hệ qua email hoặc điều mẫu đơn trên trang web để trả lại sản phẩm.

Lý do cơ quan quan lý của Mỹ thu hồi kem Diệp Bảo là vì khả năng loại kem này bị nhiễm chì. Vụ việc được phát hiện sau khi Sở Y tế bang Oregon (OHA) phát hiện hàm lượng chì cao trong hai tuýp kem Diệp Bảo đã được phụ huynh của hai cháu nhỏ ở Porland, bang Oregon, sử dụng để bôi trên da con của họ. Hai cháu bé được phát hiện đều có nồng độ chì cao trong máu.

FDA cho biết một trường hợp đã được xác định sau khi có một bài đăng đầu tiên trên trang nhóm Facebook của các bà mẹ Việt Nam vào tháng 12/2022 cảnh báo khách hàng về sản phẩm.

Trường hợp thứ hai được Sở Y tế bang Oregon báo cáo vào tháng 1/2023.

Việc thu hồi được bắt đầu sau khi thử nghiệm của Cơ quan Y tế Oregon (OHA) cho thấy hàm lượng chì cao trong hai mẫu sản phẩm. Shop Me Ca đang tự nguyện thu hồi sản phẩm.

Trong khi kiểm tra sản phẩm, OHA cho biết họ đã phát hiện ra một trong các tuýp kem chứa 9.670 phần triệu (ppm) chì trong khi mẫu còn lại chứa 7.370 ppm.

Mặc dù FDA không có giới hạn về lượng chì trong thuốc, nhưng đối với mỹ phẩm là 10 ppm. Cơ quan này cho biết điều này có nghĩa là các loại kem này chứa gần 1.000 lần lượng chì tối đa cho phép trong mỹ phẩm.

Theo FDA, người có nồng độ chì trong máu cao có thể không có triệu chứng, nhưng có thể gây tổn thương các cơ quan nội tạng.

Ngộ độc chì cấp tính có thể gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm: đau bụng, yếu cơ, nôn mửa, tiêu chảy, đi tiểu ra máu…

FDA cho biết trẻ em đặc biệt dễ bị nhiễm độc chì. Nếu một đứa trẻ tiếp xúc với lượng chì đủ lớn trong một thời gian dài, hệ thần kinh trung ương có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Điều này có thể dẫn đến rối loạn khả năng học tập, khiếm khuyết trong phát triển cơ thể và các vấn đề sức khỏe lâu dài khác

Sau khi Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế nắm được các thông tin nêu trên, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng cũng như việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm tuân thủ theo quy định của pháp luật, Cục Quản lý Dược đã có công văn số 1103/QLD-MP ngày 07/02/2023 đề nghị Sở Y tế TP.HCM và Sở Y tế tỉnh Đồng Nai kiểm tra sản phẩm kem Diệp Bảo.

Cục Quản lý Dược đề nghị 2 Sở Y tế trên tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động công bố sản phẩm mỹ phẩm, sản xuất, kinh doanh sản phẩm Kem Diệp Bảo tại các địa chỉ đã nêu ở trên, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) và gửi báo cáo về Cục Quản lý Dược trước ngày 10/02/2023.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế TP.HCM và Sở Y tế Đồng Nai chỉ đạo trung tâm kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm thuộc thẩm quyền khẩn trương lấy mẫu sản phẩm Kem Diệp Bảo lưu thông trên thị trường để kiểm tra chất lượng sản phẩm, đặc biệt là chỉ tiêu kim loại nặng (chì, thủy ngân, arsen…) và gửi báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 20/02/2023.

Hà Nội triển khai kế hoạch công tác dược, mỹ phẩm năm 2023

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 338/KH-SYT triển khai công tác dược, mỹ phẩm năm 2023.

Kế hoạch hướng tới các mục tiêu: nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác dược, mỹ phẩm; phổ biến, triển khai, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc, mỹ phẩm góp phần phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân trên địa bàn.

Cung ứng kịp thời thuốc có chất lượng, hợp lý, an toàn, hiệu quả cho nhân dân trên địa bàn; 100% các bệnh viện tổ chức hoạt động dược lâm sàng theo quy định của pháp luật; củng cố, tăng cường chất lượng hoạt động của Hội đồng thuốc điều trị nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý;

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, quản lý giá thuốc; tiếp tục thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, thúc đẩy việc cập nhât dữ liệu của các cơ sở kinh doanh thuốc vào hệ thống dữ liệu quốc gia, triển khai việc kê đơn thuốc điện tử theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nội dung trọng tâm công tác dược, mỹ phẩm năm 2023 được xác định từ công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giá sát và công tác chuyên môn (dược lâm sàng; cung ứng, bảo quản, sử dụng thuốc; quản lý mỹ phẩm; quản lý giá thuốc; chất lượng thuốc, mỹ phẩm; thuốc kiểm soát đặc biệt; quản lý hóa chất diệt côn trùng, hóa chất sát khuẩn).

Trong đó, đối với công tác chuyên môn dược lâm sàng, kiện toàn, bổ sung nhân sự làm công tác dược lâm sàng trong các bệnh viện trực thuộc. Tăng cường đào tạo, hướng dẫn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho dược sĩ làm công tác dược lâm sàng.

Tiếp tục hợp tác với Trường Đại học Dược Hà Nội trong công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm soát, can thiệp sử dụng thuốc đối với các bệnh mãn tính (tim mạch, tiểu đường, huyết áp…). Phối hợp với các hội nghề nghiệp trong việc đào tạo, chuyển giao các hoạt động chuyên môn về dược lâm sàng. Tổ chức các hội nghị hướng dẫn chuyên đề liên quan đến sử dụng các nhóm thuốc: tim mạch, chuyển hóa, kháng sinh, ung thư…

Tăng cường triển khai áp dụng Quyết định số 5948/QĐ-BYT ngày 30/12/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục tương tác thuốc chống chỉ định trong thực hành lâm sàng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phấn đấu 20% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng tránh tương tác thuốc chống chỉ định.

Về cung ứng, bảo quản, sử dụng thuốc, đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch, khám chữa bệnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng, sử dụng và báo cáo thống kê thuốc, tham mưu đề xuất xây dựng phần mềm quản lý thuốc đồng bộ, liên thông với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh. Nâng cao chất lượng công tác bảo quản, sử dụng thuốc…

Về quản lý mỹ phẩm, đẩy mạnh kết nối thông tin nhằm nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trên địa bàn. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội tăng cường kiểm nghiệm các mẫu mỹ phẩm lưu thông trên địa bàn nhằm kiểm soát chất lượng mỹ phẩm. Thẩm định các cơ sở sản xuất mỹ phẩm, hồ sơ công bố mỹ phẩm, quảng cáo mỹ phẩm theo đúng quy định.

Về quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm, ban hành văn bản đình chỉ lưu hành thuốc, mỹ phẩm theo thông báo của Cục Quản lý Dược đúng quy định, gửi trên hệ thống quản lý văn bản & điều hành tác nghiệp điện tử và hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Củng cố mạng lưới kiểm soát chất lượng thuốc tại các đơn vị, rà soát, hoàn thiện nội dung kiểm soát chất lượng.

Chỉ đạo và phối hợp Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội triển khai giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm. Đăng tải, cập nhật kịp thời các thông tin liên quan thuốc, mỹ phẩm vi phạm chất lượng trên trang thông tin của Trung tâm. Đồng thời, thực hiện giám sát thu hồi thuốc, mỹ phẩm tại các cơ sở kịp thời, triệt để…

Tăng cường phát triển các dự án nghiên cứu dược mỹ phẩm từ thảo dược thiên nhiên
Lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ giữa Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư