Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 7/3: VNVC ra mắt sách “Tiêm chủng vắc-xin trọn đời”; Hà Nội không phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết mới
D.Ngân - 07/03/2023 09:45
 
Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC vừa tổ chức lễ ra mắt sách “Tiêm chủng vắc-xin trọn đời”; Hà Nội không phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết mới.

Tiêm chủng vắc-xin trọn đời

Đây là ấn phẩm đầu tiên tại Việt Nam cung cấp khá đầy đủ, toàn diện cho cộng đồng các thông tin về vắc-xin và tiêm chủng cho trẻ em và người lớn, đồng thời là tài liệu tham khảo cho các nhân viên y tế về lĩnh vực vắc-xin và tiêm chủng.

Quyển sách được được soạn thảo bởi các chuyên gia uy tín hàng đầu trong lĩnh vực y tế dự phòng, bệnh lý truyền nhiễm, tiêm chủng vắc-xin…, do GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Phó chủ tịch thường trực Hội Y học Dự phòng Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Y học Dự phòng Việt Nam giữ vai trò Chủ Biên, được đầu tư toàn diện cả về nội dung và hình thức, từ đó được kỳ vọng sẽ tiếp cận được số lượng lớn độc giả.

“Tiêm chủng vắc-xin trọn đời” là cuốn sách thể hiện một cách đơn giản, sinh động về những nghiên cứu, mô tả một cách khoa học các phương thức lây truyền bệnh, triệu chứng nhận biết, các biến chứng nguy hiểm và lịch tiêm chủng cụ thể của từng loại vắc-xin cho tất cả mọi lứa tuổi.

“Tiêm chủng vắc xin trọn đời” là ấn phẩm đầu tiên tại Việt Nam cung cấp khá đầy đủ, toàn diện cho cộng đồng các thông tin về vắc xin và tiêm chủng cho trẻ em và người lớn.

VNVC với hệ thống 103 trung tâm tiêm chủng rộng khắp cả nước sẽ đưa cuốn sách này về với người dân tuyến huyện, tỉnh trên cả nước, các địa phương còn hạn chế về cơ hội tiếp cận các thông tin khoa học chuyên về tiêm chủng, giúp hạn chế những tác động tiêu cực từ thông tin không chính thống, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc chủ động chăm sóc sức khỏe, góp phần giảm gánh nặng khám chữa bệnh cho hệ thống y tế địa phương còn đang gặp nhiều khó khăn.

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong tuyên truyền, phổ biến kiến thức tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh, tuy nhiên vẫn còn không ít trẻ em và người lớn chưa có đầy đủ nhận thức, không chủ động đi tiêm phòng nhiều loại vắc-xin cần thiết nằm ngoài chương trình TCMR dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng tại một số địa phương còn thấp, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao. Đó không chỉ là mối quan tâm của riêng lãnh đạo Bộ Y tế, hệ thống y tế dự phòng mà còn là trăn trở của những người làm công tác tiêm chủng.

Chính vì vậy, sách “Tiêm chủng vắc-xin trọn đời” ra đời với kỳ vọng góp phần nâng cao nhận thức phòng bệnh và tiêm chủng vắc-xin cho mọi lứa tuổi trong suốt cuộc đời, nhất là trong bối cảnh sau đại dịch do trong thời kỳ này nhiều người đã không đi tiêm chủng, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác có nguy cơ quay trở lại.

Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, truyền thông và xuất bản, người dân có thể tìm kiếm thông tin, kiến thức về bệnh dịch, vắc-xin, tiêm chủng… một cách dễ dàng, tuy nhiên, đó chủ yếu là những tài liệu ngắn, nhỏ, riêng lẻ; thông tin có trên mạng internet từ nhiều nguồn với nhiều độ tin cậy khác nhau.

Vì thế, sách “Tiêm chủng vắc-xin trọn đời” sẽ giúp người đọc tìm thấy đúng thông tin mình cần với chất lượng nội dung chuyên môn được kiểm chứng, những kiến thức, thông tin đã được nghiên cứu chọn lọc và tổng hợp tâm huyết từ các chuyên gia đầu ngành về y tế dự phòng, bệnh lý truyền nhiễm, tiêm chủng vắc-xin, nhi khoa, tim mạch, hô hấp…

Trong khuôn khổ buổi lễ ra mắt sách, VNVC chính thức phát động “Năm hành động vì cộng đồng được bảo vệ bởi vắc-xin” với hàng loạt các hoạt động, dự án quy mô lớn, thiết thực với cộng đồng toàn quốc từ đây cho đến hết năm 2023 nhằm nâng cao nhận biết và kiến thức tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em và người lớn tại Việt Nam. Các hoạt động có quy mô lớn, dễ dàng tiếp cận với cộng đồng như các giải chạy marathon, tuần hành bằng xe đạp, các cuộc thi viết, thi ảnh; các hoạt động tài trợ, từ thiện; kêu gọi sự ủng hộ, hỗ trợ và cộng hưởng sức lan tỏa từ cộng đồng, của các cơ quan truyền thông, báo chí, mạng xã hội…

Cũng tại buổi lễ, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, trao tặng 10.000 liều vắc-xin cúm miễn phí, đồng thời ưu đãi giá đặc biệt thấp vắc-xin cúm để tiêm cho bệnh nhân và người thân khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội và Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM trong tháng 3/2023.

Đây được cho là dấu ấn quan trọng tiếp theo thể hiện trách nhiệm xã hội và nỗ lực chăm sóc sức khỏe cộng đồng của VNVC nhằm nâng cao cơ hội được tiêm vắc-xin cúm cho người dân, đặc biệt là những nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền (đái tháo đường, suy thận, cao huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim, viêm gan, hen suyễn, xương khớp…) từ đó góp phần thúc đẩy cộng đồng cùng thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cúm từ 4% lên 10% cho toàn cộng đồng từ đây đến hết năm 2025.

Hà Nội: Không phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết mới

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 24-2 đến 3-3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 10 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 54,5% so với tuần trước đó) nhưng không có ổ dịch mới.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có 150 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 16,7 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Trong tuần qua thành phố cũng có thêm 24 ca mắc tay chân miệng (giảm 32% so với tuần trước đó). Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã có 80 ca mắc tay chân miệng. Các dịch bệnh khác như: Sởi, ho gà, viêm não mô cầu hiện chưa ghi nhận ca bệnh kể từ đầu năm đến nay.

Đáng chú ý, theo báo cáo của huyện Chương Mỹ (Hà Nội), trên địa bàn huyện vừa ghi nhận một ổ dịch thủy đậu ở Trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc và ổ dịch tại Trường mầm non Đồng Lạc với 22 ca mắc. Cộng dồn từ đầu năm đến nay toàn huyện đã có 129 ca mắc thủy đậu.

CDC Hà Nội nhận định, tình dịch bệnh Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến khó lường liên quan đến các biến chủng mới với khả năng lây lan nhanh hơn do có khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch. Dịch bệnh Đậu mùa khỉ và các dịch bệnh nguy hiểm khác cũng có thể xâm nhập vào Hà Nội bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, các đơn vị cần tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp.

Các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đầy đủ, kịp thời. Cùng đó, không chủ quan với công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác.

Cứu bệnh nhân người Trung Quốc thoát nguy cơ tử vong do liên cầu khuẩn lợn

Bệnh viện Bãi Cháy vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân người Trung Quốc bị nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn thoát nguy cơ tử vong.

Bệnh nhân người Trung Quốc 52 tuổi được chuyển điều trị từ Trung tâm y tế TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đến Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng tỉnh, sốt rét run trên 38 độ C, đau lưng thượng vị và hạ sườn phải lan ra sau lưng. Kết quả chụp CT scaner ổ bụng có Hình ảnh giãn đường mật trong và ngoài gan, ống mật chủ đoạn đầu giãn 10mm, đoạn đầu tụy có sỏi tăng tỳ trọng KT 11mm. 

Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng ban đầu, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật do tắc sỏi ống mật chủ, chỉ định can thiệp đặt stent đường mật xử trí. Sau can thiệp, bệnh nhân vẫn xuất hiện cơn sốt rét run, xét nghiệm cấy máu xác định bệnh nhân dương tính với liên cầu khuẩn lợn (tên khoa học là Streptococcus suis). Các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa Ngoại – Truyền nhiễm – Quốc tế và điều trị theo yêu cầu kết luận tình trạng nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn/ nhiễm trùng đường mật. 

Bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh tích cực theo phác đồ tại Khoa Quốc tế và điều trị theo yêu cầu. Sau 12 ngày điều trị, hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, xét nghiệm chỉ số nhiễm trùng cải thiện, không để lại di chứng của viêm màng não.

Ths.BS Hoàng Thị Nhung -  Khoa Quốc tế và điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “ Bệnh nhân người Trung Quốc có bệnh cảnh điển hình nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do nhiễm liên cầu khuẩn lợn (tên khoa học là Streptococcus suis).Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Đường lây nhiễm có thể thông qua đường tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể do người bệnh ăn tiết canh, thịt sống hoặc qua đường tiếp xúc với máu, dịch tiết, thịt lợn sống thông qua vết thương trầy xước từ da, niêm mạc của người. 

Bệnh cảnh lâm sàng thường gặp là nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não với biểu hiện đau đầu, sốt cao, nôn, suy giảm ý thức, tri giác lơ mơ, xuất hiện ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vi liên cầu khuẩn lợn. Nếu không điều trị kịp thời, một số trường hợp nguy kịch có diễn tiến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tử vong nhanh chóng. Di chứng viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn để lại khiến người bệnh có thể bị điếc, đau đầu…

Qua trường hợp này, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân: Không ăn tiết canh , lòng lợn và thịt lợn chưa được nấu chín, không ăn thịt lợn chết hoặc bị bệnh;

Đối với người chăn nuôi và giết mổ thường xuyên tiếp xúc với dịch tiết, máu, thịt lợn sống  cần thực hiện vệ sinh cá nhân trang bị bảo hộ lao động, giữ tay không bị trầy xước và rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với lợn để tránh vi khuẩn xâm nhập. Nếu có dấu hiệu sốt cao, đau đầu , buồn nôn cần phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn;

Thường xuyên cọ rửa chuồng gia súc và tẩy uế bằng dung dịch diệt khuẩn; Xử lý phân hợp lý tránh đào thải mầm bệnh ra ngoại cảnh…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư