Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 7/8: Số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng; Lo ngại tình trạng hậu Covid-19 trên toàn cầu
D.Ngân - 07/08/2022 08:36
 
Theo nhận định, đánh giá tình hình dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, số mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tại Hà Nội đều tăng so với tuần trước.

Số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao

Theo báo cáo CDC Hà Nội, tuần qua, TP ghi nhận 149 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, tăng 2,3 lần so với tuần trước. Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 26 quận/huyện; 89 xã/phường/thị trấn.

Dịch bệnh mùa hè có dấu hiệu tăng, người dân cần chủ động phòng chống. 

Trong đó, bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận huyện như: Ba Đình (19 ca), Đống Đa (16 ca), Thường Tín (14 ca), Thanh Oai (10 ca), Thanh Xuân (10 ca). Còn lại các quận huyện khác điều ghi nhận số mắc dưới 10 trường hợp.

Cộng dồn năm 2022, TP. Hà Nội ghi nhận 608 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong; tăng so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (359 mắc). 

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 240/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2.

Trong tuần, TP. Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch mới tại Đống Đa (2), Thanh Oai (2), Thường Tín (2), Long Biên (1), Hoài Đức (1). Cộng dồn 2022, Hà Nội đã ghi nhận 55 ổ dịch tại 19 quận huyện, 45 xã phường. Hiện tại còn 13 ổ dịch đang hoạt động.

Cụ thể tại Đống Đa (2), Thường Tín (2), Thanh Oai (2), Hoài Đức (2), Bắc Từ Liêm (1), Hoàng Mai (1), Long Biên (1), Quốc Oai (1), Thanh Trì (1).

Còn với bệnh tay chân miệng, theo CDC Hà Nội, trong tuần, TP. Hà Nội ghi nhận 32 trường hợp, tăng 9 trường hợp so với tuần trước. 

Cộng dồn 2022, TP có 1.183 ca mắc bệnh tay chân miệng; không có ca tử vong; tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê trên phần mềm thông tư 54, trong tháng 7 toàn TP. Hà Nội ghi nhận thêm 828 trường hợp mắc cúm mùa (giảm nhẹ so với tháng 6 là 887 trường hợp). Cộng dồn năm 2022, TP ghi nhận 3.433 trường hợp mắc, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Với các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản, Rubella, ho gà, não mô cầu, trong tuần, TP. Hà Nội không ghi nhận ca bệnh. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc các dịch bệnh khác đều giảm hoặc tương đương.

Theo nhận định, đánh giá tình hình dịch của CDC Hà Nội, trong tuần qua, số mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng đều tăng so với tuần trước. 

Dự kiến, các ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng.

Do đó, CDC Hà Nội yêu cầu các đơn vị, quận huyện tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn TP. 

Đặc biệt, với hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch, các đơn vị theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. 

Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát huyết thanh và virus Dengue. Tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh. Phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng.

Ngoài ra, các cơ sở tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ. 

Triển khai ngay các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ, trong đó cần huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể. 

Tiếp tục truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè nhằm góp phần khống chế và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả.

Bộ Y tế thành lập 4 đoàn kiểm tra về tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BYT về việc thành lập 4 đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Mục tiêu của việc thành lập 4 đoàn kiểm tra lần này, theo Bộ Y tế, là nhằm khảo sát, ghi nhận thực trạng cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số bệnh viện. 

Bên cạnh đó, khảo sát, ghi nhận tác động của việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh.  

Cụ thể, Bộ Y tế thành lập 4 đoàn kiểm tra như sau:

Đoàn 1: Kiểm tra vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía Bắc (25 tỉnh, thành phố), do ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn.

Đoàn 2: Kiểm tra vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố), do ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn.

Đoàn 3: Kiểm tra vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (11 tỉnh, thành phố), do ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn.

Đoàn 4: Kiểm tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành), do ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn.

Mỗi đoàn sẽ kiểm tra ít nhất 1 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 1 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và 1 bệnh viện/trung tâm y tế huyện. 

Mục tiêu của việc thành lập 4 đoàn kiểm tra lần này, theo Bộ Y tế, nhằm khảo sát, ghi nhận thực trạng cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số bệnh viện. 

Ngoài ra, khảo sát, ghi nhận tác động của việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế. 

Bộ Y tế đề nghị, các đoàn kiểm tra xác định khó khăn, vướng mắc mang tính khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp ngắn hạn, dài hạn cho các cấp quản lý trung ương, địa phương để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Trong hoạt động kiểm tra, các đoàn sẽ khảo sát, kiểm tra các hoạt động khám, chữa bệnh nói chung; tình hình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; thực trạng các thuốc, vật tư, trang thiết bị sẵn có trong kho, đơn vị; các thuốc, vật tư đang thiếu; 

Thực trạng việc mua sắm, đấu thầu đã triển khai trong các năm gần đây; tác động, ảnh hưởng của việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị đến chất lượng chuyên môn điều trị và chất lượng dịch vụ;

Xác định các khó khăn, vướng mắc, rào cản chính dẫn tới các khó khăn trong việc mua sắm, đầu tư thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Lo ngại về tình trạng hậu Covid-19 trên toàn cầu

Một nghiên cứu mới khác về hậu Covid-19 cũng cho thấy 1/8 người lớn mắc bệnh có thể gặp phải triệu chứng kéo dài nhiều tháng.

Nghiên cứu được công bố ngày 5/8 trên tạp chí The Lancet. Kết quả cho thấy 12,7% người bị Covid-19 có các triệu chứng mới hoặc gia tăng sự nghiêm trọng sau ít nhất 3 tháng kể từ thời điểm mắc bệnh đầu tiên. Con số này nhỏ hơn so với các nghiên cứu khác trước đó đã đưa ra.

Các tác giả khảo sát 4.231 người bị Covid-19 và 8.462 người không mắc bệnh. Các tình nguyện viên được kiểm tra 24 lần trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2021 và so sánh hai nhóm.

Họ được hỏi về 23 triệu chứng được cho là của hậu Covid-19. Trong đó, khó thở và mệt mỏi là phổ biến nhất. Nhiều người cũng cho biết họ bị đau ngực.

Hạn chế lớn nhất của nghiên cứu là được thực hiện ở Hà Lan, không đa dạng sắc tộc. Hầu hết dữ liệu được thu thập trước khi có vắc-xin và một số nghiên cứu khác đã chứng minh tiêm chủng giúp bảo vệ khỏi Covid-19 kéo dài.

Nghiên cứu cũng được tiến hành trước khi Omicron thống trị. Vì vậy, không rõ liệu kết quả ở người nhiễm Omicron và các dòng phụ của nó có giống với những gì đã công bố hay không.

Các nhà nghiên cứu cho biết giới khoa học phải làm việc nhiều hơn để xác định Long Covid là gì, kéo dài bao lâu, bao nhiêu người mắc bệnh cũng như cách điều trị, ngăn ngừa nó.

Dịch sốt xuất huyết đang gây lo ngại tại Hà Nội
Chuyên gia dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc sẽ rơi vào giữa tháng 8 và cần chủ động phòng bệnh từ bây giờ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư