Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 8/6: TP.HCM lên tiếng vụ “hút máu” tình nguyện viên; Đã có ca tử vong do sốt xuất huyết
D.Ngân - 08/06/2022 08:59
 
Sở Y tế TP.HCM kiến nghị xử lý tới cùng những người lợi dụng việc thiện nguyện để trục lợi, sau bài điều tra "Hút máu … tình nguyện viên".

Sai phạm cá nhân?

Theo Sở Y tế TP.HCM, Viện Tim thành phố đã có báo cáo về việc ông Hoàng Trọng An, người lợi dụng hoạt động hiến máu tình nguyện tại viện này để trục lợi cá nhân. 

Sở Y tế TP.HCM kiến nghị xử lý tới cùng những người lợi dụng việc thiện nguyện để trục lợi, sau bài viết "Hút máu … tình nguyện viên".

Cụ thể, ông An có mặt tại Viện Tim khoảng hơn 10 năm nay với tư cách tình nguyện viên, tự nguyện giúp các bệnh nhân nghèo đến khám và điều trị tại bệnh viện.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, ông này cũng đã liên hệ và vận động các mạnh thường quân giúp một số suất cơm miễn phí cho thân nhân các bệnh nhân nội trú, hỗ trợ xe cho người bệnh về quê.

Về hoạt động hiến máu tại bệnh viện, Ban Giám đốc Viện Tim cho biết, do tính chất phẫu thuật tim là loại phẫu thuật mất máu nhiều, luôn yêu cầu phải truyền máu trong lúc phẫu thuật và số lượng bệnh nhân cần mổ tại Viện Tim là rất lớn, do đó bệnh viện phải luôn đảm bảo cung ứng nguồn máu cho người bệnh được phẫu thuật. 

Ngoài nguồn máu tiếp nhận từ Bệnh viện Truyền máu - huyết học, Viện Tim chủ động vận động người thân của bệnh nhân hiến máu.

Đối với bệnh nhân có người thân hiến máu thì không phải đóng chi phí. Đối với trường hợp bệnh nhân không có người thân hiến máu thì nhờ tình nguyện hiến máu, hoàn toàn không có yêu cầu phải bồi dưỡng cho người hiến máu. 

Việc hiến máu không ảnh hưởng đến lịch phẫu thuật, bệnh viện luôn đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người bệnh. 

Qua sự việc này, lãnh đạo Viện Tim đã củng cố, tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ người đến làm công tác thiện nguyện tại bệnh viện.

Ngoài ra, đại diện Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cũng có thông tin thêm về ông Hoàng Trọng An, người này tham gia Câu lạc bộ "Chuyến xe nghĩa tình" của Hội Chữ thập đỏ Trường Trung cấp Quang Trung trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. 

Sau dịch, câu lạc bộ này giải tán, Hội Chữ thập đỏ đã đồng ý cho thành lập Câu lạc bộ "Doanh nhân Chữ thập đỏ TP.HCM" và Câu lạc bộ "Vì sức khỏe cộng đồng" theo yêu cầu của các tình nguyện viên để tham gia các hoạt động nhân đạo. 

Việc ông Hoàng Trọng An làm phó ban phụ trách truyền thông là do Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân phân công, sự việc xảy ra tại Viện Tim TP.HCM là hành vi cá nhân của ông An, không phải là phân công của câu lạc bộ.

Trước đó báo chí đã phản ánh thông tin dưới vỏ bọc làm thiện nguyện, ông An đã lên "kịch bản" tinh vi qua mặt cả nhân viên y tế - tình nguyện viên hiến máu và gia đình các bệnh nhi mổ tim tại Viện Tim TP.HCM. Cứ 350ml máu của tình nguyện viên được hiến, ông này đút túi 1-3 triệu đồng. 

TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết nặng tăng 7 lần so với cùng kỳ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, TPHCM ghi nhận 11.722 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 là 7.039 ca, với số ca nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).

Tính riêng trong tuần 22 (ngày 27/5 đến 2/6), thành phố có 1.504 ca bệnh, tăng 329 ca (28%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp điều trị nội trú và khám ngoại trú và chưa ghi nhận trường hợp tử vong (từ đầu năm đến nay vẫn 7 ca).

Toàn thành ghi nhận 111 ổ dịch mới phát sinh ở 79 phường xã thuộc 20/22 quận huyện, TP Thủ Đức; giảm 10 ổ dịch mới so với tuần 21...

Cùng ngày, HCDC cho biết, hiện bệnh sốt rét đã được công nhận loại trừ từ năm 2020. Các ca bệnh ghi nhận tại thành phố đều là những trường hợp đến từ vùng lưu hành sốt rét trong và ngoài nước. 

Kết quả giám sát côn trùng cho thấy không phát hiện muỗi truyền bệnh sốt rét (muỗi đòn xóc) tại thành phố.

Gia Lai: 1 ca tử vong do sốt xuất huyết

Trường hợp tử vong đầu tiên ở Gia Lai do sốt xuất huyết trong năm nay là bệnh nhân nữ (sinh năm 2002) ở thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa. 

Ngày 30/5, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện thành phố Pleiku và được chẩn đoán là sốt xuất huyết Dengue nặng, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc.

Do bệnh chuyển biến nặng, tiên lượng xấu nên ngày 1/6, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. 

Sau 1 ngày điều trị tại đây, bệnh nhân tử vong. Bệnh nhân đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm huyết thanh định tuýp virus với kết quả dương tính với tuýp virus Dengue II.

Ngay sau phát hiện ca bệnh sốt xuất huyết tại xã Hải Yang, Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa phối hợp Trạm Y tế xã Hải Yang điều tra nguồn bệnh và xác định bệnh nhân không đi đâu trong 1 tháng qua, đây là nguồn bệnh tại chỗ. 

Ngành chức năng đã tiến hành khoanh vùng, xử lý, khống chế ổ dịch. Bên cạnh đó, cán bộ y tế cũng đã tập trung tuyên truyền về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, vận động nhân dân tổ chức diệt lăng quăng/bọ gậy, đồng thời cử nhân viên y tế tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực có ca bệnh.

Theo đại diện CDC Gia Lai, đến nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 308 ca mắc sốt xuất huyết trong đó có 1 trường hợp tử vong. 

Hiện toàn tỉnh đã có 32/220 xã, phường, thị trấn của 16/17 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Kông Chro) ghi nhận các ca mắc sốt xuất huyết.  

Tử vong do ăn mối đặc sản

Mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa và sử dụng những kỹ thuật cao nhất nhưng bệnh nhân Ng.T.T (60 tuổi, Hà Nội) vẫn không qua khỏi. 

Điều đáng lưu ý là bệnh nhân bị nhiễm nấm Aspergillus fumigatus sau khi ăn mối - một món ăn “đặc sản” của địa phương ở tỉnh Ninh Bình.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân về quê Ninh Bình và có qua Hòa Bình mua mối sống về làm món mối rang, ăn không hết thì có để thức ăn thừa và lượng mối còn sống vào trong tủ lạnh bên cạnh các thức ăn nhanh sẵn (giò, chả…). 

Sau đó 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau bụng, đi ngoài, tụt huyết áp, được xử trí theo hướng sốc nhiễm khuẩn tại bệnh viện tỉnh nhưng tình trạng không cải thiện. 

Bệnh nhân sốc nặng lên, suy hô hấp, phải duy trì vận mạch liều rất cao, thở máy nhưng phổi co thắt nhiều, máy thở không thể đẩy khí vào phổi để thông khí được.

Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Bá Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh nhân được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai ngày 30/5 trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, phổi không còn đảm bảo được chức năng thông khí ngay cả khi hỗ trợ máy thở tối đa, bệnh nhân đã được vào ECMO và tiếp tục các biện pháp hồi sức tích cực: kháng sinh, kháng nấm, lọc máu, vận mạch… song không qua khỏi.

Nấm Aspergillus fumigatus là nấm cơ hội ký sinh trên nhiều loại động vật, côn trùng và trong môi trường, khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch (như bị bệnh nặng…) nấm có cơ hội phát triển và gây bệnh với các triệu chứng rất nặng (đặc biệt là hô hấp) với tỷ lệ tử vong rất cao. 

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn các thức ăn được chế biến từ các loại côn trùng và không nên bảo quản chung với các thực phẩm khác.

Một số dấu hiệu gần giống nhau dễ khiến người dân nhầm sốt xuất huyết và Covid-19
Hai trường hợp đầu tiên trong năm 2022 tử vong vì sốt xuất huyết, chuyên gia chỉ rõ cách phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19, đồng thời khuyến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư