Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 10/4: Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở
D.Ngân - 10/04/2024 08:42
 
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định 281/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở

Mục đích, yêu cầu của kế hoạch nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và người dân về công tác y tế cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho công tác y tế cơ sở.

Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở.

Người đứng đầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, ngành y tế phải nêu cao trách nhiệm đối với hoạt động của y tế cơ sở thuộc phạm vi phụ trách.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chính quyền, cơ quan chuyên môn trong thực hiện trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động và tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân.

Nhân viên y tế phường Nghi Hoà, thị xã Cửa Lò tiêm phòng cho trẻ em. Nguồn: dbndnghean

Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, yêu cầu của công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu và vai trò, nhiệm vụ của y tế cơ sở.

Mở rộng và đa dạng hoá các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ. Đẩy mạnh phong trào rèn luyện, nâng cao sức khoẻ toàn dân.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở

Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế cơ sở vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và chiến lược phát triển dài hạn của quốc gia, các ngành, các cấp và địa phương.

Rà soát, xây dựng chính sách, pháp luật về y tế cơ sở đồng bộ với chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm… bảo đảm y tế cơ sở giữ vai trò tuyến đầu trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân.

Hoạt động của trạm y tế xã, phường, thị trấn phải gắn với quản lý toàn diện sức khoẻ cá nhân; quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, dinh dưỡng cộng đồng; thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình y học gia đình; kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại; kết hợp quân y và dân y; gắn với y tế trường học.

Sắp xếp hệ thống y tế trường học gắn với y tế cơ sở, bảo đảm mỗi trường học có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học (nhân viên chuyên trách hoặc phân công nhân viên kiêm nhiệm theo dõi công tác y tế trường học) hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế ở địa phương; các trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học.

Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước

Nghiên cứu tiếp tục tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp với ngân sách nhà nước, khả năng chi trả của Nhân dân; từng bước mở rộng danh mục dịch vụ thuộc phạm vi của y tế cơ sở do quỹ bảo hiểm y tế chi trả phù hợp với mức đóng.

Phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo hoặc tập huấn về chuyên môn.

Nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ cho nhân lực y tế cơ sở tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc. Có chính sách đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, nhất là vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khoẻ, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật; đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; thực hiện quản lý sức khoẻ người dân tại gia đình và cộng đồng. Sớm hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khoẻ toàn diện.

Phát triển mô hình bác sĩ gia đình, thiết lập hệ thống chuyển tuyến chuyên môn linh hoạt. Xây dựng quy định việc chuyển tuyến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động của y tế cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin, tăng cường kết nối giữa y tế cơ sở với y tế tuyến trên và người dân trong tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh từ xa; thống kê, quản lý dữ liệu về y tế cơ sở thống nhất với hệ thống y tế trong cả nước, gắn với bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân, thông tin cá nhân.

Hà Nội: Thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm

Triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2024, theo kế hoạch, TP. Hà Nội sẽ thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm.

Các đoàn sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của thành phố trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của các Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến và quảng cáo thực phẩm.

Đoàn 1 do lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Đống Đa, Hà Đông, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Thanh Trì.

Đoàn 2 do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Tây Hồ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sơn Tây.

Đoàn 3 do lãnh đạo Sở Công thương làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh.

Đoàn 4 do lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Sóc Sơn, Thường Tín, Phú Xuyên, Long Biên, Gia Lâm.

Thời gian các đoàn tiến hành kiểm tra từ ngày 15/4 đến hết 15/5/2024.

Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Kiến nghị nâng lương, phụ cấp cho bác sỹ, nhân viên y tế cơ sở
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư