Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 11/9: Báo động bệnh lý tim mạch trong cộng đồng
D.Ngân - 11/09/2024 09:52
 
Năm 2010, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch mạn tính ở người trưởng thành tại Việt Nam là 4%, tương đương 3,4 triệu người. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên gần 8%, tương đương hơn 7 triệu người, gấp đôi so với một thập kỷ trước.

Báo động bệnh lý tim mạch trong cộng đồng

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của sự gia tăng này xuất phát từ nhiều yếu tố như lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, gia tăng tình trạng béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường.

Bên cạnh đó, sự gia tăng tuổi thọ trung bình và áp lực cuộc sống ngày càng cao cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.

Ảnh minh họa.

Theo TS.Dương Hồng Niên, Trưởng Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện 19-8, theo xu thế chung, tỷ lệ người mắc bệnh lý tim mạch đến khám và điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng.

Hằng ngày, khu vực phòng khám tiếp nhận 200-300 bệnh nhân đến khám với nhiều bệnh khác nhau, trong đó chủ yếu là tăng huyết áp, hội chứng mạch vành cấp và mãn tính.

Đáng chú ý, trong các ca nhồi máu cơ tim nhập viện cấp cứu, có trường hợp mới ngoài 20 tuổi. Điều đó cho thấy bệnh lý tim mạch đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa.

Theo chuyên gia, nhờ đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy can thiệp mạch, thiết bị đốt rối loạn nhịp tim, máy tạo nhịp… Khoa đã có thể cấp cứu kịp thời nhiều ca bệnh nặng, không phải chuyển lên tuyến trên. Hơn 10 năm nay, Khoa cũng đã triển khai các kỹ thuật can thiệp mạch.

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc histamine từ cá biển

TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian qua, đơn vị đã từng tiếp nhận những trường hợp ngộ độc histamine do ăn phải hải sản đông lạnh, không còn tươi. Do histamine bền vững với nhiệt nên khi nấu chín vẫn gây ngộ độc.

Hải sản tươi sống không gây ngộ độc histamine, histamine chỉ sản sinh ở hải sản đã chết. Trong hải sản sạch, hàm lượng histamine dưới 1mg/100g thịt, khi hàm lượng trên 50mg/100g thịt hải sản có thể gây ngộ độc.

Khi hải sản chết, trong điều kiện bảo quản không đủ lạnh ngay từ đầu, các vi khuẩn có trên hải sản chuyển hóa thịt hải sản thành histamine, qua thời gian lượng histamine tích lũy ngày càng tăng dẫn tới gây ngộ độc cho người ăn phải. Trên thực tế nhiều loại hải sản như cá ngừ, cá thu, tôm khô, tép khô nếu không được bảo quản bảo đảm cũng gây nên ngộ độc histamine cho người ăn phải.

Theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, biểu hiện ngộ độc histamine trong hải sản từ vài phút tới 4 giờ sau khi ăn, nạn nhân thường có biểu hiện đau đầu, đỏ da, ngứa, nóng bừng, cảm giác khó chịu.

Tình trạng đỏ da thường tập trung nửa người trên (đầu, ngực và một phần bụng), sưng ở mặt hoặc lưỡi, môi, xung huyết kết mạc, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, có thể bị co thắt phế quản, khó thở, trống ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt. Ngộ độc thường kéo dài từ 12- 48 giờ. Nếu được điều trị, bệnh nhân sẽ được cải thiện ngay sau vài giờ đồng hồ.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị. Đáng chú ý, gần đây đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm do Histamine có trong cá tại Nghệ An và Hải Phòng.

Theo Cục An toàn thực phẩm, histamine được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển có thịt màu đỏ: cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá cờ, cá bạc má, cá trích, cá mòi… Khi cá ươn, hỏng, vi khuẩn phát triển nhanh, thúc đẩy quá trình sản sinh histamine là chất gây độc cho cơ thể. Histamine có đặc tính chịu nhiệt, thậm chí  không bị phá hủy khi cá được nấu chín.

Triệu chứng ngộ độc histamine thường xảy ra nhanh chóng, từ 1 đến vài giờ sau khi ăn. Do đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân giám sát phát hiện sớm người có biểu hiện dị ứng sau khi ăn cá biển từ một đến vài giờ.

Các cơ sở y tế tư vấn kịp thời cho người bệnh để tránh lo lắng, hốt hoảng về tâm lý. Nếu người dân bị ngộ độc histamine cần nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu, điều trị kịp thời.

200.000 trẻ chào đời nhờ hỗ trợ sinh sản

Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 trẻ chào đời trong 26 năm nhờ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, số bệnh viện điều trị hiếm muộn ngày càng nhiều và tỷ lệ thành công tăng.

Theo ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế), lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Việt Nam đi sau thế giới 15 năm về hỗ trợ sinh sản. Năm 1998, những bé đầu tiên Việt Nam chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ.

Từ vài cơ sở đầu tiên, Việt Nam đã phát triển khoảng 60 cơ sở hỗ trợ sinh sản toàn quốc. Tỷ lệ điều trị thành công tăng, từ 10-20% nay lên 40-50%, có những cơ sở 70%. Đến nay, bác sĩ làm chủ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại trên thế giới, thực hiện nuôi trứng trưởng thành trong ống nghiệm (IVM), bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI)...

Hiện, một số cơ sở sử dụng công nghệ time-lapse tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi sự phát triển của phôi, mang lại sự an toàn và chất lượng cao cho bệnh nhân. Có những nơi ứng dụng công nghệ thông tin và sinh trắc học trong quản lý để tránh sai sót, tránh nhầm lẫn, gian lận, tội phạm trong hỗ trợ sinh sản.

Khi công nghệ thông tin chưa phát triển, đa số cơ sở nhận diện bệnh nhân bằng chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn. Nay, hầu hết nơi nhận diện khách hàng bằng căn cước công dân có gắn chip, mã số định danh, ứng dụng VNeID, thiết lập hồ sơ bệnh án điện tử, dùng mống mắt, vân tay để nhận diện...

Theo ông Tuấn, một thách thức lớn trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản là chi phí điều trị hiếm muộn tại Việt Nam thấp hơn thế giới nhưng vẫn cao so với thu nhập của đa số người dân, lại chưa được bảo hiểm y tế chi trả, khiến nhiều cặp vợ chồng chưa thể tiếp cận. Với đại đa số người lao động, chi phí điều trị vẫn là gánh nặng quá lớn, với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng một ca.

Các chuyên gia kỳ vọng thời gian tới Việt Nam sẽ có những thay đổi về chính sách, sự chi trả của bảo hiểm y tế như nhiều nước châu Âu cũng như một số nước châu Á. Điều này giúp nhiều cặp vợ chồng mong con có cơ hội tiếp cận điều trị, trong bối cảnh mức sinh nước ta đang ngày càng xuống thấp.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, sau ung thư và bệnh tim mạch, ở thế kỷ 21. Thống kê của WHO cũng chỉ ra, Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới.

Hành trình 15 năm nhiều trái ngọt của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E
Chiều ngày 23/08/2024, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Trung tâm Tim mạch.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư