Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 12/1: Nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh tim mạch; Người dân chủ quan với cúm A
D.Ngân - 12/01/2024 08:37
 
Để phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh tim, bác sĩ khuyến cáo mỗi người cần chủ động khám sức khỏe định kỳ 6 tháng, kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, cholesterol cao.

Bệnh tim diễn tiến âm thầm, bệnh nhân không hay biết

Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch-Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cơ sở đang điều trị cho một bệnh nhân ban đầu nghi ngờ đột quỵ nhưng sau kiểm tra chuyên sâu phát hiện bệnh nhân mắc bệnh tim mà không hề hay biết.

Để phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh tim, bác sĩ khuyến cáo mỗi người cần chủ động khám sức khỏe định kỳ 6 tháng, kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, cholesterol cao.

Theo đó, bệnh nhân đang chăm sóc người nhà điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thì đột nhiên ngất. Bác sĩ nghi ngờ ông bị đột quỵ nên kiểm tra, kết quả cho thấy mạch máu não bình thường.

Các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh khác ghi nhận bất thường tim mạch. Bệnh nhân có van động mạch chủ hai mảnh bẩm sinh (van bình thường có ba mảnh), van bị vôi hóa, hẹp nặng, khiến vách liên thất dày 22 mm (bình thường 11-15 mm). Lòng thất trái rất nhỏ nên co bóp thất trái giảm, chỉ số EF (phân suất tống máu) giảm dưới 50%.

Ê kíp chụp CT mạch vành bệnh nhân phát hiện thân chung động mạch vành trái hẹp 80%, động mạch vành phải hẹp 50%. Bệnh nhân cho biết không có triệu chứng đau thắt ngực, khó thở khi gắng sức, thỉnh thoảng mệt thoáng qua. Bệnh diễn tiến âm thầm. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ suy tim, viêm nội tâm mạc, loạn nhịp tim, đột tử.

Ê kíp phẫu thuật “2 trong 1” thay van động mạch chủ và bắc cầu động mạch vành trong cùng một cuộc mổ nhằm mở rộng đường dẫn máu nuôi tim. Người bệnh được gây mê nội khí quản kết hợp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống giúp giảm đau, hạn chế dùng morphin sau mổ.

Bác sĩ Dũng chọn van sinh học để người bệnh không phải sử dụng thuốc kháng đông suốt đời, van có tốc độ thoái hóa chậm ở người lớn tuổi. Ê kíp thành công bắc hai cầu nối qua đoạn động mạch vành trái và phải hẹp nặng.

Hậu phẫu, bệnh nhân hết mệt mỏi, sinh hoạt bình thường sau ba ngày. Bác sĩ đánh giá van động mạch chủ hoạt động tốt, hai cầu nối đưa máu đến nuôi tim thông suốt. Tim co bóp tốt, chỉ số EF tăng lên 55%. Bệnh nhân xuất viện sau 7 ngày.

Hẹp van động mạch chủ làm giảm hoặc chặn lưu lượng máu từ tim (thất trái) đi nuôi cơ thể. Ban đầu, tim làm việc nhiều hơn để bù đắp lại lượng máu thiếu hụt, đưa đến các cơ quan khác. Khi tim quá sức, dẫn đến phì đại cơ tim thất trái hoặc suy tim.

Nguyên nhân gây hẹp van động mạch chủ bao gồm thoái hóa vôi ở người lớn tuổi do xơ vữa; dị tật van tim bẩm sinh (như van động mạch chủ hai mảnh); viêm nội tâm mạc nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm; bệnh hậu thấp (biến chứng của viêm họng liên cầu khuẩn, gây tổn thương van tim).

Ngoài ra còn có các nguyên nhân ít gặp khác như tiền sử nhiễm trùng ảnh hưởng đến tim, yếu tố nguy cơ tim mạch (đái tháo đường, cholesterol cao, tăng huyết áp), bệnh thận mạn tính, tiền sử xạ trị vùng ngực…

Để phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh, bác sĩ khuyến cáo mỗi người (nhất là người có yếu tố nguy cơ kể trên) cần chủ động khám sức khỏe định kỳ 6 tháng, kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, cholesterol cao.

Ngoài ra, mỗi người cần duy trì chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch như nhiều rau củ quả, sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không có chất béo, thịt gia cầm, cá và ngũ cốc nguyên hạt; tránh chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, hạn chế ăn nhiều muối và đường.

Đồng thời tăng cường hoạt động thể chất; kiểm soát căng thẳng; không hút thuốc lá. Phòng viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn nhằm ngăn ngừa bệnh thấp khớp (nguyên nhân dẫn tới hẹp van động mạch chủ); chăm sóc răng và nướu tránh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Loét bàn chân nặng vì 'buông bỏ' điều trị đái tháo đường

Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận nam bệnh nhân nam bị loét hoại tử nhiễm trùng cẳng bàn chân trái do không tuân thủ điều trị đái tháo đường. Được biết, hai năm trước, bệnh nhân đã từng phải cắt cụt 1/3 trên đùi phải do liên quan tới biến chứng này...

Nam bệnh nhân V.Q.Th, (53 tuổi, Phúc Diễn, Từ Liêm, TP.Hà Nội) vào nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, viêm phổi, suy thận, suy kiệt cơ thể, vết thương bàn cẳng chân trái hoại tử lan rộng với tổn thương nặng nề.

Tiền sử bệnh nhân Th. có nhiều bệnh lý nền đi kèm như mắc đái tháo đường 15 năm, tăng huyết áp 3 năm. Hai năm trước, bệnh nhân đã từng phải cắt cụt 1/3 trên đùi phải do liên quan tới biến chứng đái tháo đường.

Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân Th. đã đã chăm sóc vết thương kết hợp điều trị phối kết hợp nội khoa khác. Hiện tại tình trạng tổn thương, nhiễm trùng đã cải thiện, đường huyết ổn định, sinh hoạt ăn uống dần trở lại bình thường.

ThS.Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng Khoa Chăm sóc bàn chân cho biết, theo ước tính, trên toàn cầu có khoảng 83-148 triệu người mắc đái tháo đường được cho là có thể xuất hiện vết loét bàn chân trong suốt cuộc đời và một nửa số vết loét này sẽ bị nhiễm trùng với hơn 15% phải cắt cụt chi dưới. 

Mặc dù được chăm sóc có hệ thống nhưng các vết thương này thường chậm liền, nguy cơ cắt cụt rất cao, nếu không được chăm sóc toàn diện thì nguy cơ vết thương có thể tái phát và lan rộng, dẫn đến cắt cụt chi. 

Các biện pháp phòng bệnh và chăm sóc vết thương rất quan trọng vì các vết thương này thường bị tái phát ở 30% trường hợp trong năm đầu tiên sau khi khỏi vết thương cũ.

Trường hợp bị tắc động mạch, bàn chân và các ngón chân có thể bị hoại tử toàn bộ. Đáng chú ý, với người bệnh đái tháo đường, biến chứng loét chân là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không phải do chấn thương. 

Việc điều trị bàn chân đái tháo đường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức chưa đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh. Đa số người bệnh chỉ đến khám khi bàn chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở nên vô cùng khó khăn, 

Cũng theo các chuyên gia của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các vết loét bàn chân đái tháo đường tạo nguy cơ cho nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc toàn thân, làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể.

Nhiều trường hợp phải cắt cụt chi để ngăn nhiễm trùng xấu lan rộng. Việc cắt cụt chi không những gây tổn hại về mặt sức khỏe cho bệnh nhân mà còn gây ra các tổn thất về mặt kinh tế và xã hội đối với bệnh nhân và ngành Y tế.

Với trường hợp bệnh nhân Th. ở trên, do thiếu ý thức trong việc kiểm soát đường huyết, lối sống, chế độ dinh dưỡng không hợp lý cùng tâm lý bi quan do đã bị cắt cụt đùi phải cách đây hai năm, dẫn tới tình trạng bệnh nhân phải tái nhập viện để điều trị, làm cho quá trình điều trị trở lên khó khăn hơn.

Các bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo, người bệnh đái tháo đường nên kiểm tra chân thường xuyên. Nếu có vết trầy xước cần đến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường khám để điều trị sớm, tránh nhiễm trùng, hoại tử ảnh hưởng sức khỏe.

Chỉ tính số liệu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, điều trị bệnh đái tháo đường và các biến chứng thì có 5-7% số bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng loét bàn chân.

Nguy cơ cắt cụt chân cao gấp 15 - 46 lần so với người không bị bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị xuất huyết võng mạc dẫn tới mù lòa, suy thận, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim… Việc phát hiện sớm, tuân thủ điều trị, kiểm soát đường huyết sẽ giúp hạn chế biến chứng cho người bệnh.

Ca mắc cúm A diễn biến nặng tăng cao, nhiều người vẫn chủ quan

Nhiều người dân khi có triệu chứng của cúm A vẫn chủ quan cho rằng chỉ là bệnh cúm nên không đáng lo ngại. Khi có dấu hiệu trở nặng mới đi khám tại các cơ sở y tế.

Thời gian gần đây, tại một số bệnh viện trên địa bàn TP.Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi đến khám vì có các triệu chứng cúm. Sau khi được xét nghiệm, không ít người được chẩn đoán mắc cúm A.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm cúm A, chỉ sau ít ngày đã phải đặt ống thở máy vì tình trạng suy hô hấp diễn biến nặng. Có trường hợp phổi trắng xóa trên phim chụp X-quang, tổn thương phổi tới 60%.

Với thực trạng nêu trên, nhưng nhiều người dân khi có triệu chứng của cúm A vẫn chủ quan cho rằng chỉ là bệnh cúm nên không đáng lo ngại. Khi bệnh có dấu hiệu trở nặng mới đi khám tại các cơ sở y tế.

Thực tế ghi nhận tại các hiệu thuốc trên địa bàn TP.Hà Nội, nhiều cửa hàng cho biết, kit test cúm A bán rất chậm, nhiều người có triệu chứng cúm sẽ chỉ đến để tự kê thuốc về uống. 

Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H5N1, A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9, trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch bệnh.

Virus cúm A có nhiều trong trong dịch tiết nước bọt, nước mũi. Do đó, con đường lây truyền phổ biến nhất của bệnh cúm A là qua đường giọt bắn.

Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, giọt bắn sẽ chạm vào miệng, mũi của người đối diện khiến mắc bệnh, hoặc cũng có thể do chạm vào đồ dùng có dính virus rồi đưa lên mũi, miệng.

Bệnh cúm A thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết chuyển mùa, với các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với cúm thông thường như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể... Đôi khi các triệu chứng này tự hết mà không cần điều trị đặc biệt.

Tuy nhiên, bệnh cúm có thể tiến triển rất nhanh, nếu không xử trí kịp thời dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai.

Bệnh nhân cúm A diễn biến nặng có thể gây nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ho khan, sốt cao gây co giật, tức ngực, viêm phổi và gây nặng lên các vấn đề về tim mạch.

Mặc dù khó phân biệt sốt do cúm A với sốt do nhiễm virus khác nhưng các trường hợp sốt cao do cúm A thường kéo dài hơn. Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc cúm A do hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, nên sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Nguy hiểm biến chứng cúm A
Nhiều bệnh nhân mắc cúm A đã phải thở máy, tổn thương phổi, chuyên gia cảnh báo những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh tưởng chừng đơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư