Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 12/11: Dịch sốt xuất huyết giảm, dịch sởi tăng tại Hà Nội; WHO họp khẩn về bệnh đậu mùa khỉ
D.Ngân - 12/11/2024 09:43
 
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 1/11 đến ngày 8/11), toàn Thành phố ghi nhận 566 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 46 trường hợp so với tuần trước.

Hà Nội khống chế các ổ dịch sốt xuất huyết

Cộng dồn năm 2024, Thành phố ghi nhận 6.243 trường hợp, 0 trường hợp tử vong, giảm 80% so với cùng kỳ 2023 (31.013/4).

Trong tuần ghi nhận 33 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện: Hà Đông 7; Thanh Oai 6; Nam Từ Liêm 5; Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Đống Đa 2; Ba Vì, Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Phú Xuyên, Quốc Oai, Tây Hồ, Thường Tín 1; tăng 7 ổ dịch so với tuần trước (26 ổ dịch).

Trong tuần qua, toàn TP. Hà Nội ghi nhận 566 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 46 trường hợp so với tuần trước

CDC Hà Nội nhận định, đánh giá số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang ở giai đoạn cao điểm dịch hàng năm.

Hà Nội cũng ghi nhận 16 trường hợp mắc sởi (trong đó 14 trường hợp chưa tiêm vắc-xin phòng sởi, 2 trường hợp đã tiêm vắc-xin phòng sởi), tăng 6 trường hợp so với tuần trước.

Bệnh nhân ghi nhận chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc-xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ, dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh.

Bệnh nhân ghi nhận tại các quận, huyện: Chương Mỹ 4; Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm 2; Hoài Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thanh Xuân 1. Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 62 trường hợp tại 22 quận huyện, tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tuần ghi nhận 37 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 3 trường hợp so với tuần trước (34/0). Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 2.334 trường hợp; giảm so với cùng kỳ năm 2023.

CDC Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch.

Chỉ đạo các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch có nhiều bệnh nhân; tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần trong vòng 50 năm qua. Ước tính hằng năm có khoảng 50-100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 100 quốc gia có dịch bệnh lưu hành.

Gánh nặng kinh tế toàn cầu do sốt xuất huyết gây ra ước tính rơi vào khoảng 8,9 tỷ USD hằng năm. Trong đó, 40% thiệt hại kinh tế gây ra bởi năng suất lao động bị ảnh hưởng, khi người bệnh phải nghỉ làm hay nhập viện điều trị.

Hằng năm Việt Nam có hàng trăm ngàn ca nhiễm và hàng chục ca tử vong do mắc sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn, tuy nhiên nhiều năm qua chưa có vắc-xin phòng ngừa, các biện pháp kiểm soát nguồn lây như tiêu diệt muỗi trung gian truyền bệnh còn gặp nhiều khó khăn.

Triệu tập cuộc họp khẩn cấp về đậu mùa khỉ

Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay cơ quan này sẽ triệu tập cuộc họp Ủy ban khẩn cấp vào tuần tới để quyết định liệu bệnh đậu mùa khỉ có còn là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu không.

Tháng 8 vừa qua, trong bối cảnh bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục lây lan ở châu Phi, WHO đã ban bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng - mức cảnh báo cao nhất. Động thái này diễn ra sau sự lây lan của biến thể vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ mới, có tên gọi nhánh lb, tại nhiều khu vực châu Phi.

Trong báo cáo công bố ngày 11/11, WHO cho biết kể từ đầu năm tới ngày 3/11, châu Phi đã ghi nhận 46.794 ca mắc và nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 1.081 ca tử vong.

Cộng hòa Dân chủ Congo, Burundi và Uganda là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.

Bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh thường gây ra các triệu chứng giống cúm và các tổn thương có mủ trên cơ thể. Hiện vắc-xin phòng bệnh đã được phân phát cho 9 nước châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chất lượng không khí xấu ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?

Thông tin quan trắc cơ quan chức năng công bố, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành miền Bắc đã bước vào "mùa" ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí đến hẹn lại lên dù nhiều địa phương đã vào cuộc tìm, ngăn chặn các nguồn thải gây ô nhiễm, phát tán bụi mịn PM2.5. Các chuyên gia lo ngại, "mùa" ô nhiễm không khí thường diễn ra từ tháng 10 năm nay đến hết tháng 3 năm sau.

Được biết, chất lượng không khí xấu, khói bụi trong môi trường sẽ khiến người bị ảnh hưởng, đầu tiên và rõ rệt nhất là bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp.

Chất lượng không khí xấu làm người bệnh thấy khó thở, ho nhiều, kèm theo tức ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện. Do vậy những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm.

Với bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cần phải tuân thủ, duy trì thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sỹ. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn của bác sỹ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới và các nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.

Ngoài ra tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch.

Tin mới y tế ngày 9/11: Gánh nặng bệnh ung thư tại Việt Nam; ca bệnh sốt xuất huyết ở TP.HCM vẫn tăng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022 có 20 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong. Các loại ung thư phổ biến nhất là ung thư phổi, vú, và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư