Thứ Ba, Ngày 13 tháng 05 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 12/5: Tôn vinh điều dưỡng - Trụ cột âm thầm giữ gìn sức khỏe cộng đồng
D.Ngân - 12/05/2025 11:33
 
Từ năm 1965, Ngày Quốc tế Điều dưỡng (International Nurses Day - IND) được tổ chức thường niên nhằm tưởng nhớ Florence Nightingale, người đặt nền móng cho ngành điều dưỡng hiện đại.

Tôn vinh lực lượng điều dưỡng tại Việt Nam

Ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5) không chỉ là dịp để tri ân, tôn vinh những cống hiến thầm lặng nhưng không thể thay thế của đội ngũ điều dưỡng, lực lượng chiếm hơn một nửa nhân lực y tế toàn cầu mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy cải cách chính sách, chuyên nghiệp hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Việc nâng cao vị thế nghề điều dưỡng cũng là bước đi chiến lược nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực y tế, đồng thời tạo dựng niềm tin và sự an tâm cho người bệnh trong quá trình điều trị và phục hồi.

Từ năm 1965, Ngày Quốc tế Điều dưỡng (International Nurses Day - IND) được tổ chức thường niên nhằm tưởng nhớ Florence Nightingale, người đặt nền móng cho ngành điều dưỡng hiện đại.

Sự kiện này đã trở thành ngày hội nghề nghiệp toàn cầu, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hệ thống y tế nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đang đối mặt với già hóa dân số, dịch bệnh và áp lực thiếu hụt nhân lực trầm trọng.

Chủ đề Ngày Quốc tế Điều dưỡng năm 2025 do Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) lựa chọn là: “Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Hãy quan tâm đến điều dưỡng để đẩy mạnh nền kinh tế” (Our Nurses. Our Future. The Economic Power of Care).

Thông điệp này khẳng định rằng đầu tư cho điều dưỡng chính là đầu tư cho một hệ thống y tế chất lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng suất lao động và đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

ICN đồng thời kêu gọi hành động trên 5 lĩnh vực trọng tâm gồm đầu tư toàn diện vào nguồn nhân lực điều dưỡng; bảo vệ sức khỏe và phúc lợi điều dưỡng; cải thiện môi trường làm việc; mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp và tăng cường vai trò điều dưỡng trong hoạch định chính sách y tế quốc gia.

Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Điều dưỡng đã và đang trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp điều dưỡng theo hướng chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế.

Từ năm 2018, Bộ Y tế đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày này trên toàn quốc, trong đó lồng ghép giữa việc tôn vinh, ghi nhận đóng góp của đội ngũ điều dưỡng với việc thúc đẩy đổi mới thể chế, chính sách, mở rộng hành lang pháp lý để điều dưỡng phát huy vai trò chủ động trong chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt, năm 2020 khi Việt Nam tham gia chiến dịch toàn cầu Nursing Now, sự kiện này đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho quá trình chuyên nghiệp hóa nghề điều dưỡng, khẳng định vai trò then chốt của điều dưỡng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại.

Những năm gần đây, hệ thống pháp luật tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể nhằm nâng cao vị thế và điều kiện hành nghề của lực lượng điều dưỡng.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 là dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên công nhận chăm sóc người bệnh là một hoạt động chuyên môn độc lập, đồng thời trao quyền hành nghề độc lập cho điều dưỡng tương tự như các chức danh chuyên môn khác trong ngành Y tế. Đây là bước đột phá pháp lý, mở đường cho mô hình chăm sóc toàn diện, đa ngành, lấy người bệnh làm trung tâm.

Cùng với đó, Nghị định 96/2023/NĐ-CP đã công nhận chức danh điều dưỡng chuyên khoa, cho phép thành lập cơ sở dịch vụ điều dưỡng ngoài bệnh viện, góp phần đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong chăm sóc sức khỏe và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Thông tư 31/2021/TT-BYT đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy hành nghề điều dưỡng khi xác định vai trò trung tâm, chủ động của điều dưỡng trong nhóm chăm sóc đa ngành.

Thay vì chỉ làm công việc hỗ trợ, điều dưỡng nay có thể tự đánh giá, chẩn đoán và thực hiện các can thiệp điều dưỡng với tư duy lâm sàng rõ nét. Bước tiến này đã giúp nâng cao chất lượng chăm sóc và khẳng định giá trị chuyên môn của đội ngũ điều dưỡng.

Thông tư 32/2023/TT-BYT quy định danh mục 1.252 kỹ thuật chuyên môn điều dưỡng được phép thực hiện và chỉ định thực hiện, đồng thời phân định rõ phạm vi hành nghề theo trình độ đào tạo. Đây là căn cứ quan trọng mở rộng cơ hội đào tạo chuyên sâu, tiệm cận với chuẩn mực nghề điều dưỡng quốc tế.

Đặc biệt, Thông tư 02/2025/TT-BYT lần đầu tiên bổ sung chức danh điều dưỡng hạng I, tương đương với các chuyên gia đầu ngành với yêu cầu trình độ chuyên khoa II hoặc tiến sỹ. Quy định này không chỉ nâng cao vị thế nghề nghiệp mà còn thúc đẩy hình thành đội ngũ điều dưỡng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe hiện đại và hội nhập quốc tế.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Điều dưỡng tại Việt Nam, ngành y tế không chỉ dừng lại ở các hoạt động tri ân mà đã chuyển thành hành động cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường làm việc, tăng cơ hội thăng tiến và phát huy tối đa năng lực của đội ngũ điều dưỡng. Điều này không chỉ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân mà còn góp phần xây dựng một hệ thống y tế linh hoạt, nhân văn và bền vững trong bối cảnh mới.

Việc nâng cao vị thế nghề điều dưỡng cũng là bước đi chiến lược nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực y tế, đồng thời tạo dựng niềm tin và sự an tâm cho người bệnh trong quá trình điều trị và phục hồi.

Tôn vinh điều dưỡng không chỉ dừng lại ở những bó hoa và lời cảm ơn trong ngày 12/5, mà quan trọng hơn là sự công nhận đúng đắn và hành động thực chất từ thể chế pháp luật, từ hệ thống đào tạo cho đến môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ. Đó mới chính là nền tảng để xây dựng một đội ngũ điều dưỡng chuyên nghiệp, vững vàng về chuyên môn, đủ đầy về nhân phẩm và có tiếng nói trong chiến lược phát triển y tế quốc gia.

Bộ Y tế kêu gọi giới trẻ thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để ngăn ngừa thừa cân, béo phì

Trước thực trạng tỷ lệ thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng tại các đô thị lớn và trong giới trẻ, Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng thực hiện những “thay đổi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn” trong thói quen sinh hoạt hàng ngày để cải thiện sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra mục tiêu bảo đảm chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho mọi nhóm dân số, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai và các nhóm dễ tổn thương tại vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, trong khi tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em vẫn đáng lo ngại tại nhiều vùng miền núi – nơi có đến 38% trẻ bị thấp còi, thì ở các đô thị lớn như TP.HCM, tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, vượt mốc 20%.

Đây là một thực trạng đáng báo động, bởi thừa cân và béo phì không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như tim mạch, tiểu đường và rối loạn chuyển hóa.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, giới trẻ hiện nay đang tiêu thụ ngày càng nhiều thực phẩm chế biến sẵn và nước ngọt có ga, trong khi mức độ vận động thể chất lại chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho sức khỏe. “Đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi hành động đồng bộ từ chính sách, nhà trường, gia đình đến từng cá nhân”, ông nhấn mạnh.

Bộ Y tế kêu gọi người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, hãy bắt đầu bằng những hành động đơn giản nhưng thiết thực: một bữa ăn lành mạnh hơn, tăng cường rau xanh và trái cây; giảm đường, muối, chất béo; cùng với ít nhất một giờ vận động mỗi ngày. “Những thay đổi nhỏ hôm nay sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong tương lai”, Thứ trưởng Thuấn khẳng định.

Theo các chuyên gia y tế, các loại thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có ga thường chứa nhiều đường tinh luyện, dễ làm tăng đường huyết đột ngột nhưng lại không duy trì năng lượng lâu dài. Việc tiêu thụ thường xuyên các sản phẩm này có thể dẫn đến viêm dạ dày, rối loạn chuyển hóa, tim mạch và tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì.”

Ngoài ra, không ít người mắc kèm các bệnh lý khác như tim mạch, tuyến giáp, những yếu tố càng làm cho việc kiểm soát cân nặng trở nên khó khăn hơn. “Chúng tôi khuyến khích người dân thực hiện thay đổi hành vi sức khỏe theo nhóm, tức là gia đình hoặc bạn bè cùng tham gia, sẽ giúp tăng động lực và hiệu quả hơn,” bác sỹ Dung chia sẻ.

Ung thư đại trực tràng tại Việt Nam: Báo động xu hướng "trẻ hóa" và nhu cầu sàng lọc sớm

Tại Tọa đàm "Chiến lược sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng tại Việt Nam" do Báo Nhân Dân phối hợp với Viện Công nghệ Phacogen tổ chức, các chuyên gia y tế hàng đầu đã lên tiếng cảnh báo về xu hướng “trẻ hóa” đáng lo ngại của bệnh ung thư đại trực tràng tại Việt Nam.

Không còn là căn bệnh chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, ngày càng nhiều bệnh nhân trẻ trong độ tuổi 30 - 40, thậm chí dưới 30 tuổi, đang được chẩn đoán mắc bệnh.

Theo thống kê của Globocan, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 16.000 ca mắc mới và hơn 8.400 ca tử vong do ung thư đại trực tràng. Căn bệnh này hiện đứng thứ tư về tỷ lệ mắc và thứ năm về tỷ lệ tử vong trong số các loại ung thư phổ biến tại Việt Nam.

PGS.Vũ Văn Khiên, Tổng Thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, cảnh báo, lối sống hiện đại thiếu lành mạnh, ăn uống không khoa học, ít vận động và căng thẳng kéo dài đang trở thành những yếu tố nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ở người trẻ tuổi. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, Việt Nam có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai gần.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, theo Phó Giáo sư Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, có tới 30% bệnh nhân ung thư đại trực tràng đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, khối u lớn hoặc đã di căn. Không ít trường hợp chỉ phát hiện bệnh khi xuất hiện các triệu chứng rõ rệt như tắc ruột, đi ngoài ra máu, đau bụng kéo dài hoặc thay đổi khuôn phân.

"Tỷ lệ sống thêm 5 năm ở bệnh nhân được phát hiện sớm có thể lên tới 90–93%. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, khi khối u đã xâm lấn hoặc di căn, việc điều trị trở nên phức tạp và tiên lượng sống giảm đáng kể", bác sỹ Phương cho biết.

Các chuyên gia đồng thuận rằng tầm soát định kỳ là giải pháp quan trọng trong việc phát hiện sớm và giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng. Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế, người từ 45 tuổi trở lên, đặc biệt là người có tiền sử gia đình mắc bệnh, nên bắt đầu sàng lọc. Những người có nguy cơ cao như béo phì, viêm ruột mãn tính hoặc có hội chứng đa polyp nên xét đến việc sàng lọc sớm hơn.

Phương pháp tầm soát phổ biến gồm nội soi đại tràng (được xem là tiêu chuẩn vàng), xét nghiệm máu ẩn trong phân, nội soi ảo đại tràng và gần đây là xét nghiệm DNA đa mục tiêu trong phân - một kỹ thuật tiên tiến đã được triển khai tại Mỹ và Trung Quốc với độ nhạy, đặc hiệu trên 90%.

PGS.TS.Phạm Cẩm Phương cũng cảnh báo người dân không nên lệ thuộc vào xét nghiệm máu thông thường bởi xét nghiệm máu không thể thay thế vai trò của nội soi hay các xét nghiệm chuyên biệt. Việc chẩn đoán phải dựa vào tổng thể triệu chứng và kết quả cận lâm sàng.

Còn theo PGS-TS.Nguyễn Công Hoàng, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, nhiều nước như Mỹ, Anh, Hàn Quốc đã giảm đáng kể tỷ lệ tử vong nhờ chiến lược sàng lọc toàn dân.

Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng đã giảm hơn 50% trong ba thập kỷ nhờ đẩy mạnh sàng lọc. Ở Anh, chương trình sàng lọc quốc gia giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm tăng gấp 4 lần.

"Chi một đồng cho dự phòng bằng 100 đồng cho điều trị. Ngành y tế Việt Nam cần định hướng chiến lược sàng lọc theo ba trụ cột: truyền thông nâng cao nhận thức, tích hợp sàng lọc vào khám định kỳ và đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp tầm soát không xâm lấn, chi phí hợp lý", bác sỹ Hoàng nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư