Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 14/3: Hợp tác trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến mạch máu
D.Ngân - 14/03/2024 08:52
 
Bệnh viện Đông Đô vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyên môn với Trung tâm Mạch máu và Can thiệp (VIC) Singapore, đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực thăm khám và chữa bệnh tại đây.

Nâng chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân

Với mục tiêu xây dựng Bệnh viện Đông Đô trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ 2011, Bệnh viện Đông Đô đã không ngừng nỗ lực xây dựng một môi trường y tế cao cấp và chuyên nghiệp, đồng thời tăng cường học hỏi, ứng dụng công nghệ mới và hợp tác quốc tế.

Trung tâm Can thiệp & Mạch máu VIC Singapore được thành lập từ năm 2015, là một trong những trung tâm can thiệp và mạch máu lớn nhất Singapore. Trung tâm có đội ngũ bác sĩ phẫu thuật mạch máu chất lượng, thành thạo các phương pháp điều trị nội mạch và phẫu thuật cho tất cả các bệnh liên quan đến mạch máu.

Biên bản ghi nhớ hợp tác hướng tới nhiều nội dung quan trọng, nhằm mục đích thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bệnh viện Đông Đô và Trung tâm Can thiệp & Mạch máu VIC Singapore

Chia sẻ về sự hợp tác này, bà Đinh Thị Phương Thủy, Giám đốc điều hành Bệnh viện Đông Đô cho hay, Bệnh viện Đông Đô với thế mạnh trong việc thăm khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn diện rất vinh dự khi cùng hợp tác về chuyên môn cùng Trung tâm mạch máu và can thiệp Singapore. Sự hợp tác này sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến mạch máu, cũng như cung cấp các phương pháp can thiệp nội mạch tiên tiến và hiệu quả cho người bệnh tại Việt Nam.

"Điều này dự kiến sẽ giúp nâng cao chất lượng thăm khám và điều trị cho người bệnh, tạo ra những cơ hội mới trong việc cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cho người dân Việt Nam, đồng thời giúp giảm thiểu chi phí cho người bệnh khi di chuyển ra nước ngoài để điều trị", bà Đinh Thị Phương Thuỷ nói.

Đại diện phía Trung Tâm Mạch Máu và Can Thiệp Singapore, TS.BS Benjamin Chua, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Mạch máu và Can thiệp Singapore, cũng đã bày tỏ niềm hân hoan trước việc hợp tác với Bệnh viện Đông Đô và hy vọng sẽ cùng nhau đạt được những thành tựu lớn trong việc chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Tại buổi lễ, TS.BS Benjamin Chua đã chia sẻ về các phương pháp điều trị và chẩn đoán đang được ứng dụng tại Trung tâm Mạch máu và Can thiệp Singapore trên các lĩnh vực như suy giãn tĩnh mạch chi dưới, các bệnh lý về mạch máu trong điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Trong khuôn khổ buổi lễ,TS.BS Benjamin Chua cùng các bác sĩ Bệnh Viện Đông Đô đã thực hiện thăm khám miễn phí cho các bệnh nhân có dấu hiệu mắc suy giãn tĩnh mạch cũng như các bệnh lý về mạch máu khác.

Sự kết hợp hợp tác chuyên môn giữa Bệnh viện Đông Đô và Trung tâm Mạch máu và Can thiệp VIC Singapore hứa hẹn sẽ đánh dấu một chương mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Đông Đô, mang lại những cơ hội phát triển và tiến bộ đáng kể.

Bộ Y tế khuyến cáo về tình hình bệnh dại gia tăng

Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).

Từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng, nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận số ca tử vong do dại cao như Gia Lai 14 ca, Nghệ An 7 ca, Bình Phước 7 ca, Điện Biên 6 ca, Bến Tre 5 ca, Đắk Lắk và Bình Thuận 4 ca.

Năm 2024, tình hình bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp).

Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (Đắk Lắk 4 ca, Gia Lai 01 ca). Đặc biệt gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.

Công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ tiêm vắc xin phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; có nơi chỉ đạt ~10%.

Trong khi đó, chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêm vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại vẫn còn hạn chế dẫn đến tình trạng chủ quan lơ là trong việc thực hiện nghiêm các quy định về tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo cũng như quản lý đàn chó, mèo; không tiêm phòng huyết thanh kháng dại, vắc xin phòng dại kịp thời sau khi bị động vật nghi dại cắn hoặc tự chữa trị bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.   

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn cần:

Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.

Bộ Y tế gia hạn, cấp mới số đăng ký lưu hành thuốc cho điều trị, phòng bệnh

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có các quyết định số 166/QĐ-QLD gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với 879 loại thuốc khác nhau. Cùng đó, Cục cũng ban hành danh mục 193 thuốc nước ngoài được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và 15 biệt dược gốc khác...

Công bố kèm theo Quyết định này Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024 theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội (Đợt 11)

Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại địa chỉ: https://moh.gov.vn/home, Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược tại địa chỉ: https://dav.gov.vn và được tiếp tục cập nhật, bổ sung tại các đợt công bố tiếp theo.

Thông tin chi tiết của từng thuốc, nguyên liệu làm thuốc được tra cứu theo số đăng ký công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược tại địa chỉ https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index. Trường hợp thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã thực hiện thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành hoặc có đính chính, sửa đổi thông tin liên quan đến giấy đăng ký lưu hành đã được cấp, doanh nghiệp xuất trình văn bản phê duyệt hoặc xác nhận của Cục Quản lý Dược với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật.

Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin
Trẻ bị chó cắn là tai nạn phổ biến, từ đầu tháng 10/2023 đến nay, Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 3 trường hợp trẻ bị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư