
-
Mắc cùng lúc hai loại ung thư vì rượu và thuốc lá
-
Dịch bệnh truyền nhiễm tăng trở lại, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường phòng chống
-
Sữa rửa mặt Gammaphil 125ml bị thu hồi do không đúng thành phần theo công bố
-
Can thiệp dinh dưỡng trong điều trị thừa cân, béo phì -
Bộ Y tế công khai danh sách 7 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Các nguyên nhân chính gây suy thận
Ông L., 53 tuổi, bắt đầu chạy thận định kỳ sau một cơn đột quỵ cách đây nửa năm và được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối. Trong hơn một tháng điều trị tại một bệnh viện gần nhà, cuộc sống của ông dường như gắn liền với máy lọc máu.
![]() |
Một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ người mắc bệnh thận gia tăng, đặc biệt ở người trẻ, là do lối sống thiếu lành mạnh là ăn mặn, dùng thức ăn nhanh, thức khuya, ít vận động, lạm dụng rượu bia và thuốc lá. |
Tuy nhiên, khi đến viện để đăng ký tiếp tục điều trị, ông L. đã được các bác sỹ phát hiện vẫn còn khả năng tiểu tiện, dấu hiệu cho thấy thận chưa hoàn toàn mất chức năng. Đây là cơ hội hiếm hoi để giúp người bệnh thoát khỏi việc phụ thuộc vào lọc máu suốt đời.
Theo bác sỹ CKI Đỗ Thị Hằng, Trưởng Đơn vị Nội thận-Lọc máu, người điều trị cho ông L. cho hay, nếu còn một tia hy vọng, đội ngũ bác sỹ sẵn sàng cùng người bệnh chiến đấu để trì hoãn hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn nhu cầu lọc máu, vì một khi bệnh nhân đã bước vào chu kỳ lọc máu thì cuộc sống sẽ gắn liền với bệnh viện và gánh nặng chi phí là không nhỏ.
Trường hợp của ông L. khá phức tạp với hàng loạt bệnh lý nền đi kèm như tăng huyết áp kéo dài, đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu, tăng acid uric, bệnh tim thiếu máu cục bộ… Đây đều là các yếu tố nguy cơ cao gây tổn thương thêm cho thận.
Trước tình hình đó, các bác sỹ đã xây dựng phác đồ điều trị cá thể hóa, kết hợp sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết, huyết áp, lipid máu, thuốc chống đông và các biện pháp bảo vệ tim mạch.
Mục tiêu điều trị đặt ra là kiểm soát huyết áp dưới 140/90 mmHg, HbA1c dưới 7% và LDL-C dưới 1,8 mmol/L các ngưỡng tối ưu nhằm ngăn biến chứng, đặc biệt là đột quỵ lần hai, vốn có thể khiến bệnh nhân phải lọc máu ngay lập tức.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, ông L. cũng nghiêm túc thực hiện chế độ ăn uống hợp lý: ăn giảm đạm, hạn chế muối, nước mắm, nước tương, thực phẩm nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật và thịt đỏ. Ông tuyệt đối không dùng thuốc giảm đau tùy tiện, không uống rượu bia, không hút thuốc và tránh hoàn toàn các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Sau 3 tháng điều trị và tuân thủ nghiêm túc phác đồ, chỉ số độ lọc cầu thận (eGFR) của ông L. đã tăng từ 24 lên 31 mL/phút/1,73m², tức từ suy thận mạn giai đoạn cuối đã chuyển sang mức độ 3, đủ để không cần tiếp tục lọc máu.
Đây là thành công lớn trong điều trị bệnh thận mạn, khi bệnh nhân thoát khỏi tình trạng phải gắn bó cả đời với máy móc.
Theo bác sỹ Hằng, ông L. bị suy thận cấp trên nền suy thận mạn sau đột quỵ, nhưng may mắn được điều trị kịp thời trong “giai đoạn vàng” khi thận vẫn còn một phần chức năng.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ và bệnh nhân đã giúp cải thiện chức năng thận đáng kể, mang lại cơ hội sống khỏe không cần lọc máu.
Chia sẻ về hành trình điều trị, ông L. cho biết trước khi phát bệnh, ông kinh doanh tự do và thường xuyên làm việc với đối tác nước ngoài nên ăn uống thất thường, hay dùng đồ ăn nhanh, thức khuya, tiệc tùng, uống rượu bia và hút thuốc lá.
Sau đột quỵ và đặc biệt là khi được bác sỹ tư vấn có thể thoát khỏi chạy thận nếu tuân thủ điều trị, ông đã quyết tâm thay đổi hoàn toàn lối sống. Ông ngừng rượu bia, thuốc lá, ăn uống khoa học và tuyệt đối làm theo chỉ định của bác sỹ, nhờ đó sức khỏe tiến triển rõ rệt và chức năng thận cải thiện từng ngày.
Hiện nay, tại Việt Nam có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, tương đương khoảng 12,8% dân số trưởng thành. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 ca mắc mới.
Theo bác sỹ Hằng, một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ người mắc bệnh thận gia tăng, đặc biệt ở người trẻ, là do lối sống thiếu lành mạnh là ăn mặn, dùng thức ăn nhanh, thức khuya, ít vận động, lạm dụng rượu bia và thuốc lá.
Bác sỹ khuyến cáo người dân cần thay đổi lối sống từ hôm nay, ăn uống điều độ, tăng rau xanh và trái cây, giảm muối, bỏ rượu bia, thuốc lá, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng, đồng thời nên khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng để phát hiện sớm các dấu hiệu tổn thương thận và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu không thể bỏ qua của bệnh túi mật
Anh Th., 40 tuổi, nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, kèm theo nôn ói và ớn lạnh toàn thân.
Kết quả siêu âm bụng phát hiện túi mật có hai viên sỏi kích thước lớn với một viên 2,5 cm và một viên gần 1 cm kèm theo bùn mật và mảng cholesterol bám vào thành túi mật.
Các bác sỹ xác định viên sỏi lớn đã gây tắc ống dẫn mật, chặn đường thoát của dịch mật, làm tăng áp lực trong túi mật. Đây là nguyên nhân dẫn đến cơn đau quặn mật cấp tính mà bệnh nhân đang gặp phải.
TS.Phạm Công Khánh, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, sỏi có kích thước trên 2 cm là hiếm gặp và có nguy cơ cao gây biến chứng nguy hiểm, trong đó có ung thư túi mật nếu kéo dài không điều trị.
Ngoài ra, một số ít trường hợp sỏi lớn có thể gây tắc ruột nếu di chuyển vào ống tiêu hóa, gây bít tắc tại ruột non. Trong trường hợp của anh Th., các bác sỹ chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật ngay để giải quyết tình trạng tắc nghẽn và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Ca phẫu thuật được thực hiện bằng hệ thống nội soi hiện đại 3D/4K. Bác sỹ tiến hành phẫu tích tam giác gan, mật, kẹp và đốt động mạch túi mật, cắt ống túi mật và tách túi mật ra khỏi gan.
Túi mật được đưa ra ngoài cùng hai viên sỏi màu vàng, một viên kích thước 25mm và một viên 8mm. Sau phẫu thuật, anh Thành hồi phục nhanh chóng, có thể ăn uống nhẹ và đi lại sau một ngày, xuất viện an toàn sau hai ngày điều trị.
Trước khi nhập viện, anh Thành từng xuất hiện những cơn đau âm ỉ vùng trên rốn trong thời gian dài nhưng nghĩ là đau dạ dày nên tự mua thuốc uống mà không đi khám. Đến khi cơn đau trở nên dữ dội và không thể chịu nổi, anh mới được người nhà đưa đi cấp cứu.
Theo TS.BS Phạm Công Khánh, sỏi túi mật là bệnh lý khá phổ biến, chiếm khoảng 8 - 10% dân số, đặc biệt ở người có lối sống ít vận động, ăn nhiều chất béo bão hòa, thừa cân, béo phì hoặc giảm cân quá nhanh.
Sỏi hình thành do sự mất cân bằng trong thành phần dịch mật, đặc biệt là thừa cholesterol hoặc bilirubin. Dạng sỏi của anh Th. là sỏi cholesterol, loại sỏi thường gặp nhất, hình thành khi cholesterol trong dịch mật không được hòa tan đầy đủ, dẫn đến kết tủa.
Điều nguy hiểm là quá trình hình thành sỏi mật thường diễn ra âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng. Nhiều trường hợp được phát hiện tình cờ qua siêu âm khi khám sức khỏe tổng quát, siêu âm thai kỳ hoặc các kỹ thuật hình ảnh khác như CT hay MRI.
Nếu sỏi túi mật không gây triệu chứng, người bệnh có thể được chỉ định theo dõi định kỳ. Tuy nhiên, nếu sỏi gây triệu chứng, làm tắc dòng chảy của dịch mật, hoặc có nguy cơ cao như sỏi nhỏ kích thước 3-5mm dễ rơi vào ống mật thì phẫu thuật cắt túi mật là cần thiết.
Để phòng ngừa nguy cơ hình thành sỏi mật, bác sỹ Khánh khuyến cáo nên duy trì lối sống lành mạnh là ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, bổ sung chất béo không bão hòa từ dầu cá hoặc dầu thực vật, hạn chế thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và thức ăn nhanh, đồng thời tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Tuyệt đối tránh các phương pháp giảm cân cấp tốc, nhịn ăn hoặc ăn uống thiếu cân đối. Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý túi mật, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao.
Viêm gan sơ sinh nguy hiểm thế nào?
Bé An, 6 tuần tuổi, được gia đình đưa đi khám do bị vàng da kéo dài sau sinh. Trước đó, bé được bác sỹ tại một cơ sở y tế chẩn đoán là vàng da sinh lý. Tuy nhiên, trẻ có màu da ngày càng sậm hơn, khiến gia đình lo lắng và đưa đến viện thăm khám lại.
Tại đây, bé được bác sỹ CKII Phan Thị Tường Vân, người trực tiếp điều trị cho bé đã chỉ định xét nghiệm máu. Kết quả cho thấy chỉ số bilirubin trực tiếp đại diện cho lượng mật trong máu tăng lên đến 40% (trong khi mức bình thường dưới 20%), cho thấy bé đang bị vàng da do ứ mật, không còn là vàng da sinh lý đơn thuần.
Ngay lập tức, bác sỹ chỉ định siêu âm để loại trừ teo đường mật, nguyên nhân ngoại khoa nghiêm trọng và phổ biến nhất gây ứ mật ở trẻ sơ sinh. Đây là tình trạng các ống dẫn mật ngoài gan bị teo hẹp và tắc nghẽn, nếu không phẫu thuật kịp thời trong “thời gian vàng” (trước 6-8 tuần tuổi) có thể dẫn đến xơ gan và phải ghép gan trong tương lai.
Để phân loại chính xác nguyên nhân, bé An được bác sỹ cho dùng thuốc điều trị thử trong một tuần. Trong thời gian này, gia đình theo dõi sát sao, ghi chép hàng ngày màu da, nước tiểu và phân của bé theo hướng dẫn.
Sau một tuần, khi tái khám ngày 11/7, bác sỹ ghi nhận bé đáp ứng tốt với thuốc da giảm vàng rõ rệt, men gan và bilirubin giảm xuống đáng kể. Bé được chẩn đoán bị viêm gan sơ sinh, nguyên nhân do virus hoặc nhiễm trùng khiến gan giảm khả năng bài tiết mật, gây ứ mật.
Bé được tiếp tục điều trị nội khoa nhằm phục hồi chức năng gan và ngăn biến chứng. Tuy nhiên, bác sỹ Vân nhấn mạnh rằng cần theo dõi sát trong thời gian dài từ 6 đến 12 tháng vì bệnh có nguy cơ tái phát hoặc diễn tiến nặng nếu bilirubin tăng trở lại.
Viêm gan sơ sinh chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây vàng da ứ mật ở trẻ nhỏ. Trường hợp trẻ không đáp ứng với điều trị thuốc có thể liên quan đến các rối loạn chuyển hóa di truyền như galactosemia, hội chứng Alagille, hội chứng ARC.
Theo bác sỹ, đây là những bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm, thường đi kèm nhiều triệu chứng toàn thân và cần xét nghiệm chuyên sâu, điều trị phức tạp với mục tiêu kiểm soát triệu chứng và kéo dài sự sống.
Về mặt cơ chế, vàng da ứ mật xảy ra khi dòng chảy của mật từ gan xuống ruột bị tắc nghẽn. Bình thường, sau khi hồng cầu bị phân hủy sẽ sinh ra bilirubin gián tiếp, gan có nhiệm vụ chuyển hóa thành bilirubin trực tiếp, sau đó đưa vào mật để đào thải qua đường ruột.
Nếu dòng mật bị cản trở, bilirubin trực tiếp không thể ra khỏi gan mà thấm ngược vào máu, khiến da và mắt trẻ chuyển vàng đậm. Do biểu hiện ban đầu giống vàng da sinh lý, nhiều phụ huynh dễ chủ quan, khiến việc chẩn đoán và điều trị bị trì hoãn, làm mất đi “thời gian vàng” điều trị hiệu quả.
Bên cạnh dấu hiệu vàng da và vàng mắt, trẻ bị ứ mật còn có thể có phân bạc màu (trắng xám, như đất sét), nước tiểu sậm như bia đen, kèm theo ngứa ngáy, bụng to, gan to, chậm tăng cân và suy dinh dưỡng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng ứ mật kéo dài sẽ làm tổn thương gan không hồi phục, dẫn đến xơ gan, suy gan, và thậm chí tử vong.
Ngoài ra, do mật đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu chất béo và các vitamin tan trong dầu, trẻ bị ứ mật thường bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng.
Bác sỹ Vân khuyến cáo, nếu sau sinh trẻ có dấu hiệu vàng da kéo dài trên 4 tuần (với trẻ uống sữa công thức) hoặc 6 tuần (với trẻ bú mẹ hoàn toàn), kể cả khi bé vẫn ăn bú tốt, thì đó là biểu hiện bất thường và cần được đưa đi khám chuyên khoa ngay lập tức.
Việc can thiệp kịp thời có thể giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân, điều trị đúng hướng và bảo vệ gan cho trẻ ngay từ những ngày đầu đời.

-
Tin mới y tế ngày 14/7: Thay đổi lối sống để giảm tỷ lệ mắc suy thận -
Tin mới y tế ngày 13/7: Việt kiều Canada được bác sỹ Việt Nam cứu sống ngoạn mục -
Bệnh chồng bệnh vì lạm dụng corticoid -
Sốt xuất huyết tại TP.HCM diễn biến phức tạp -
Cảnh giác trước sự gia tăng bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ -
Kê đơn điện tử: Lời giải cho bài toán lạm dụng kháng sinh và thuốc đặc trị -
Tin mới y tế ngày 12/7: Phẫu thuật cột sống ít xâm lấn cho người cao tuổi
-
StockGuru - AI Advisor đầu tiên được thiết kế riêng cho thị trường chứng khoán Việt Nam
-
Bảo hiểm Liberty tiếp tục ghi dấu ấn tại Giải thưởng Bảo hiểm châu Á 2025
-
Trang trại chăn nuôi an toàn sinh học của chủ đại lý cám tại Phú Thọ
-
Thẻ SeABiz Ultra Cash của SeABank: Lợi ích kép cho doanh nghiệp
-
Thực thi ESG chuẩn quốc tế, Meey Group củng cố nội lực và tạo đà tăng trưởng bền vững
-
DKSH Việt Nam thúc đẩy đổi mới và tuân thủ trong ngành chăm sóc cá nhân