Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 21 tháng 02 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 17/2: Nguy cơ tử vong do tự ý ngừng dùng thuốc điều trị
D.Ngân - 17/02/2025 09:14
 
Nhiều bệnh nhân bỏ thuốc điều trị vì phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau trong suốt quá trình điều trị dài hạn, đôi khi cả suốt đời. Tuy nhiên, nhiều người không ý thức được việc tự ý bỏ uống thuốc sẽ khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.

Nguy cơ tử vong do tự ý ngừng dùng thuốc điều trị

Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân L.V.T (51 tuổi, Hải Phòng) nhập viện với tình trạng vàng da nghiêm trọng và suy gan cấp.

Theo thông tin từ bệnh sử, ông T. đã được chẩn đoán viêm gan B mạn tính cách đây hai năm và được chỉ định sử dụng thuốc kháng virus để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân không tuân thủ điều trị, uống thuốc không đều đặn, và đặc biệt đã tự ý ngừng dùng thuốc hơn một tháng trước khi nhập viện.

Ảnh minh họa.

Sau khoảng hai tuần ngừng thuốc, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, sợ dầu mỡ nhưng không đi khám. Đến tuần thứ ba, ông T xuất hiện vàng da rõ rệt, nước tiểu sậm màu, phân bạc màu và bụng chướng do cổ trướng.

Trong tuần thứ tư, bệnh nhân phù toàn thân, xuất huyết dưới da, nhận thức giảm sút và phản ứng chậm. Dù đã lọc máu và lọc huyết tương hai lần tại cơ sở y tế trước đó, tình trạng vẫn không cải thiện. Cuối cùng, bệnh nhân được chuyển đến khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán mắc suy gan cấp, xơ gan, viêm gan B mạn tính, hôn mê gan độ 2, và có nguy cơ tiến triển nhanh lên độ 3-4 nếu không kiểm soát kịp thời. Ngoài ra, bệnh nhân còn có dấu hiệu suy thận do hội chứng gan - thận với chỉ số creatinine tăng hơn 50% so với bình thường và lượng nước tiểu giảm mạnh.

BSCKII Đới Ngọc Anh, khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Viêm gan B là nguyên nhân chính gây xơ gan và ung thư gan.

Nhiều bệnh nhân nghĩ rằng khi dùng thuốc kháng virus, họ sẽ không có nguy cơ mắc ung thư gan, nhưng thực tế, ngay cả khi điều trị, nguy cơ này vẫn tồn tại. Đặc biệt, khi ngừng thuốc, virus có thể bùng phát nhanh chóng, làm tiến triển xơ gan và ung thư gan nhanh hơn. Nếu không đáp ứng điều trị nội khoa, bệnh nhân có thể cần ghép gan để duy trì sự sống."

Nhiều bệnh viện cũng đã tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng do tự ý ngừng thuốc tây và tìm đến thuốc đông y gia truyền không rõ nguồn gốc.

Hiện nay, có nhiều loại thuốc đông y gia truyền được quảng cáo tràn lan trên mạng, nhưng phần lớn trong số đó không có giấy phép, không kiểm định chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chính vì vậy, người bệnh cần kiên trì, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ chuyên khoa và tuyệt đối không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, tránh bỏ lỡ "thời điểm vàng" điều trị.

Việc tự ý kết hợp thuốc đông y và tây y mà không có chỉ định của bác sỹ có thể gây ra tương tác thuốc nguy hiểm, làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.

Ngoài ra, các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp... nếu ngừng thuốc điều trị cũng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Đối với các bệnh lây nhiễm như lao phổi, viêm gan do virus B hoặc C, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, bệnh không thể chữa dứt điểm hoặc sẽ tái phát, thậm chí gây kháng thuốc.

Nhiều bệnh nhân bỏ thuốc điều trị vì phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau trong suốt quá trình điều trị dài hạn, đôi khi cả suốt đời. Điều này khiến họ cảm thấy mệt mỏi, bỏ cuộc, đặc biệt khi cảm thấy cơ thể đã khỏe lại.

Một số người ngại tác dụng phụ của thuốc tây, trong khi số khác lại quá bận rộn với công việc và không thể duy trì thói quen uống thuốc đều đặn. Ngoài ra, chi phí điều trị cũng là một yếu tố khiến bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị.

Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng trong điều trị các bệnh lý mạn tính, việc tuân thủ đúng chỉ định của bác sỹ và tái khám định kỳ là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh tái phát. Không nên tự ý ngừng thuốc khi cảm thấy khỏe hơn, vì điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Để hạn chế tình trạng bỏ dở điều trị, bệnh nhân cần có tinh thần lạc quan và ý thức cao trong việc tuân thủ phác đồ điều trị. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ gia đình, bác sỹ và nhân viên y tế cũng rất quan trọng trong quá trình điều trị. Việc phối hợp đồng bộ giữa các yếu tố này sẽ giúp bệnh nhân đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Hướng tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030

Năm 2025 sẽ đánh dấu bước chuyển quan trọng trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam, nhằm chấm dứt dịch bệnh vào năm 2030, theo Mục tiêu Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

PGS-TS.Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, mục tiêu của chiến lược quốc gia đến năm 2030 là đạt tầm nhìn 'ba không' của Liên hợp quốc: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS, và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Trong những năm qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa phơi nhiễm, đồng thời phối hợp linh hoạt trong việc điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng vi-rút), giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV và giảm đáng kể nguy cơ lây truyền.

Thống kê từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay có hơn 267.000 người nhiễm HIV tại Việt Nam. Đặc biệt, năm 2024, cả số người nhiễm mới và số người tử vong đã giảm so với năm 2023.

Đến nay, xét nghiệm HIV đã được triển khai tại 50/63 tỉnh, thành phố, với hơn 1.300 phòng xét nghiệm sàng lọc và 251 phòng xét nghiệm khẳng định HIV trên toàn quốc. Các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương đều tham gia vào công tác xét nghiệm và điều trị.

Tính đến giữa năm 2024, trên toàn quốc đã có 181.558 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, trong đó có 2.466 trẻ em dưới 15 tuổi.

Việc điều trị ARV hiện nay đã có mặt tại hơn 500 cơ sở y tế trên toàn quốc. Mặc dù Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực và trên thế giới về công tác điều trị và dự phòng HIV/AIDS, nhưng vẫn còn khoảng 70.000 người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV, trong đó có khoảng 40.000 người biết tình trạng nhiễm nhưng chưa tham gia điều trị, và khoảng 30.000 người chưa biết tình trạng của mình.

Việt Nam hiện đang đối mặt với một số thách thức lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Dịch HIV hiện đang tập trung ở các nhóm có nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, và phụ nữ bán dâm. Các nhóm tuổi từ 15-29 và 30-39 chiếm tỷ lệ nhiễm HIV cao, với phần lớn các ca lây nhiễm qua quan hệ tình dục và đường máu.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng là người nhiễm HIV vẫn gặp phải sự kỳ thị, phân biệt từ xã hội, khiến họ khó tiếp cận dịch vụ y tế và cơ hội việc làm.

Về địa lý, dịch HIV chủ yếu tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và Đông Nam Bộ, chiếm gần 70% số ca nhiễm mới. Tuy nhiên, những năm gần đây, các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang tiềm ẩn nguy cơ gia tăng lây nhiễm HIV.

Việt Nam đã triển khai nhiều mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế, cộng đồng và thông qua các dịch vụ trực tuyến. Các biện pháp dự phòng như "K=K" (không phát hiện = không lây truyền) và điều trị ARV kết hợp với điều trị đồng nhiễm viêm gan C và các bệnh không lây nhiễm đang được thực hiện rộng rãi, đảm bảo tiếp cận điều trị lấy con người làm trung tâm.

Người đàn ông 31 tuổi đột ngột bị liệt nửa người, khó nói do đột quỵ

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận và cấp cứu một bệnh nhân nam, 31 tuổi, từ Phú Thọ, bị đột quỵ do nhồi máu não cấp. Khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng liệt hoàn toàn nửa người phải và nói khó. Trước đó, anh không có bất kỳ tiền sử bệnh lý mãn tính nào.

Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sỹ tại Trung tâm Đột quỵ thăm khám và tiến hành chụp mạch não số hóa xóa nền. Kết quả cho thấy anh bị tắc động mạch cảnh trong trái, và các bác sỹ đã chỉ định can thiệp mạch lấy huyết khối. Sau khoảng 20 phút can thiệp, nhóm bác sỹ đã loại bỏ 6 mảnh huyết khối kích thước 2x2mm, giúp tái thông mạch máu não.

Một ngày sau can thiệp, bệnh nhân đã tỉnh táo, có sự cải thiện trong việc vận động tay và chân phải, và tiếp tục được theo dõi điều trị phục hồi chức năng, cùng với việc tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, các bác sĩ cũng đưa ra chiến lược theo dõi và điều trị dự phòng để ngăn ngừa đột quỵ tái phát.

Theo ThS.BS Hoàng Quốc Việt, Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực thần kinh - đột quỵ tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, số lượng người bệnh đột quỵ nặng và tình trạng trẻ hóa ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Tại trung tâm, tỷ lệ bệnh nhân từ 18 đến 45 tuổi đã tăng gấp đôi so với các năm trước.

Các yếu tố nguy cơ đột quỵ ở người trẻ có thể liên quan đến các bệnh lý miễn dịch, di truyền, cũng như tác động của lối sống. Những yếu tố như sử dụng thuốc tránh thai, lạm dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, thừa cân, béo phì, lười vận động, thức khuya, và căng thẳng trong cuộc sống hay công việc đều có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Một vấn đề đáng chú ý là nhiều người trẻ thường chủ quan, nghĩ rằng mình còn khỏe mạnh và không cần khám sức khỏe định kỳ. Do đó, chỉ khi đột quỵ xảy ra mới phát hiện mình mắc các bệnh nền như huyết áp cao hay các bệnh tim mạch.

Khi bị đột quỵ, việc được cấp cứu trong "giờ vàng" (4,5 giờ đầu sau khi có triệu chứng) là vô cùng quan trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, cơ hội phục hồi của bệnh nhân sẽ rất khó khăn, và nhiều người có thể phải đối mặt với tình trạng tàn phế, mất khả năng tự chăm sóc bản thân, hoặc mất sức lao động.

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị đột quỵ, nhưng một số người có nguy cơ mắc cao hơn so với những người khác. Việc nhận thức được các yếu tố nguy cơ và sớm phát hiện các dấu hiệu cảnh báo là rất quan trọng để chủ động phòng ngừa.

Các triệu chứng đột quỵ cần lưu ý như khó nói và hiểu: Người bị đột quỵ có thể bị lú lẫn, nói lắp hoặc không thể hiểu được lời nói của người khác.

Tê, yếu hoặc liệt một bên cơ thể: Thường ảnh hưởng đến mặt, tay, hoặc chân một bên. Nếu cố gắng giơ hai tay lên, tay bị liệt có thể rơi xuống. Một bên miệng có thể xệ xuống khi cố gắng cười.

Vấn đề về thị lực: Mờ mắt hoặc nhìn đôi, có thể xảy ra đột ngột ở một hoặc cả hai mắt. Đau đầu dữ dội: Đau đầu đột ngột và nghiêm trọng, có thể kèm theo nôn mửa, chóng mặt hoặc thay đổi ý thức. Khó đi lại: Bệnh nhân có thể mất thăng bằng, vấp ngã hoặc gặp khó khăn trong việc phối hợp động tác.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư