Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 26 tháng 06 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 17/6: Phát hiện ung thư nhờ khám sức khỏe định kỳ
D.Ngân - 17/06/2024 09:51
 
Cùng khám sức khỏe tổng quát do công ty tổ chức, anh M. và anh H. phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm, được điều trị kịp thời, tiên lượng khỏi bệnh đến hơn 90%.

Phát hiện ung thư nhờ khám sức khỏe tổng quát

Anh T.V.M. (42 tuổi, Đồng Tháp) tỉnh dậy sau mổ, đợi tin phẫu thuật của bạn. Anh bớt lo lắng khi hay tin ca mổ của anh D.A.H. (34 tuổi, Đồng Tháp) thành công.

Người dân nên khám sức khỏe định kỳ, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (nếu có), điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ chữa khỏi, trở lại với công việc và cuộc sống hàng ngày.

Anh M. và H. cho biết cùng làm chung công ty về lĩnh vực điện lực. Trước đó, công ty anh cho 1.000 nhân viên đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm thì phát hiện gần 200 người có u ở tuyến giáp; trong đó khoảng 30 người bị nghi ngờ ung thư tuyến giáp. Anh M. và anh H. có nhân tuyến giáp nên mang kết quả đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM kiểm tra lại.

Kết quả siêu âm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM ghi nhận anh M. bị bướu giáp đa nhân 2 thùy. Riêng thùy trái có nhân sát eo giáp được đánh giá mức TIRADS 5 (nguy cơ ác tính đến 80%).

Còn anh H., tuyến giáp có nhiều u với mức độ từ TIRADS 2 đến TIRADS 5; vùng eo giáp có nhân TIRADS 4.

Thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, Đơn vị Đầu Mặt Cổ chỉ định sinh thiết. Kết quả khẳng định anh M. và anh H. cùng bị ung thư tuyến giáp dạng nhú.

Bác sĩ chỉ định cắt toàn bộ tuyến giáp cho 2 anh, vì vị trí u ung thư sát eo giáp, nguy cơ xâm lấn và lan rộng đến các cơ quan lân cận.

Anh M. và anh H. được xếp lịch mổ chung một ngày, ca mổ kế tiếp nhau. Anh M. được chuyển vào phòng mổ trước, anh H. vỗ vai bạn, động viên bạn đừng lo lắng.

Bác sĩ Huỳnh Bá Tấn cùng ê kíp đã phẫu thuật cho hai bệnh nhân. Cả hai ca phẫu thuật, các bác sĩ đều rạch đường da ở cổ 7cm, cắt khối tuyến giáp bị ung thư và bảo tồn các tuyến cận giáp, dây thần kinh thanh quản.

Ngay sau mổ, 2 anh ăn, uống và trò chuyện bình thường, không bị khàn giọng, xuất viện ngay ngày hôm sau. Kết quả giải phẫu bệnh ghi nhận tình trạng ung thư của anh M. và anh H. đều chưa xâm lấn nên không cần điều trị thêm với i-ốt phóng xạ.

Riêng anh H., các nhân giáp đều ác tính, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nguy hiểm hơn.

Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan) thống kê năm 2022, ung thư tuyến giáp là một trong 10 loại ung thư phổ biến ở Việt Nam, với khoảng 6.120 ca mắc mới, hơn 850 người tử vong.

Chưa rõ nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp ở nam giới. Tuy nhiên, bệnh có một số yếu tố nguy cơ: thừa cân, béo phì, ăn ít i-ốt, tiếp xúc với bức xạ, phóng xạ, di truyền…

Bác sĩ Tấn cho biết, ung thư tuyến giáp thể nhú là loại ung thư tuyến giáp phổ biến, chiếm khoảng 80%-85% trường hợp, thường gặp ở người từ 30 - 50 tuổi.

Hầu hết ung thư tuyến giáp dạng nhú đáp ứng tốt với điều trị, ngay cả khi di căn hạch cổ. Trường hợp của anh M. và anh H. may mắn được tình cờ phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên đến hơn 90%, có thể xem như điều trị khỏi.

Bác sĩ Tấn khuyên không phải ai làm trong môi trường tiếp xúc bức xạ cũng bị ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, người dân khi làm trong môi trường bức xạ, phóng xạ cần bảo hộ lao động đầy đủ.

Người dân nên khám sức khỏe định kỳ, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (nếu có), điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ chữa khỏi, trở lại với công việc và cuộc sống hàng ngày.

41.000 người bệnh đang lọc máu chu kỳ để duy trì cuộc sống

Theo thống kê của Hội Lọc máu Việt Nam, nước ta hiện nay có khoảng 41.000 người bệnh đang thực hiện lọc máu chu kỳ, một tuần từ 2 - 3 lần để duy trì cuộc sống.

Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận mạn tính không hồi phục theo thời gian do tổn thương không hồi phục về số lượng và chức năng của các nephron.

Khi đã chuyển bệnh sang điều trị bằng lọc máu có chu kỳ thì urê creatinin, acid uric máu và một số nitơ phi protein khác sẽ được giảm xuống sau chu kì lọc. Natri, kali, nước cũng được điều chỉnh tốt; pH máu có thể trở về bình thường. Bệnh nhân sẽ thoải mái hơn, ăn ngon hơn, đỡ phù, đỡ mệt.

Bệnh thận mạn tính có liên hệ chặt chẽ với các bệnh như đái tháo đường, xơ hóa do tăng huyết áp, các bệnh cầu thận nguyên phát và thứ phát.

Ngoài ra, bệnh thận mạn tính còn phát triển do nguyên nhân khác như di truyền, bệnh lý đường tiết niệu, thận đa nang, bệnh thận do thuốc giảm đau, không rõ nguyên nhân.

Bệnh thận mạn tiến triển đến giai đoạn cuối sẽ dẫn đến suy thận, đây là giai đoạn nặng nhất đòi hỏi người bệnh cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 41.000 người bệnh đang thực hiện lọc máu chu kỳ, một tuần từ 2 - 3 lần để duy trì cuộc sống.

Nhiều người bệnh lọc máu vẫn tham gia lao động đóng góp cho xã hội. Lọc máu chu kỳ ở Việt Nam hiện nay sánh ngang tầm khu vực.

PGS-TS.Đặng Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thận - Tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, hiện nay có khoảng 850 triệu người trên thế giới mắc bệnh thận mạn tính. Con số này tại nước ta là gần 9 triệu người tương đương gần 13% dân số Việt Nam.

Theo PGS.TS Đặng Thị Việt Hà, bệnh thận mạn tính là bệnh không lây nhiễm nhưng nằm trong nhóm các bệnh có tỷ lệ tử vong cao.

Nhiều trường hợp không biết mình mắc bệnh và tới khi phát hiện bệnh thận đã suy thận giai đoạn cuối. Việc chẩn đoán phát hiện và điều trị sớm bệnh thận là vấn đề cấp thiết và vô cùng quan trọng.  

Cũng theo các chuyên gia, với bệnh nhân lọc máu ngoài thận chu kỳ phải đảm bảo các nguyên dinh dưỡng như đủ đạm, nhiều đạm hơn người bình thường.

Người bình thường cần 1 g/kg/ngày thì bệnh nhân lọc máu ngoài thận cần 1,2-1,4 g/kg/ngày. Tỷ lệ đạm trong một số thực phẩm như sau, thịt bò là 18 gam/100gam; thịt lợn nạc là 19 gam/100gam, cá chép là 17 gam/100gam; trứng gà là 16gam/100gam, nhưng trong các loại đậu đỗ tỷ lệ protein chiếm tới 21-25 gam/ 100gam đặc biệt trong đỗ tương đạm cao tới 35-40 gam/100gam (tuy nhiên giá trị sinh học của đạm trong đậu đỗ, vừng lạc, ngũ cốc…

Đảm bảo 50% trở lên đạm động vật, giàu acid amin thiết yếu bao gồm thịt, cá, tôm, cua… Đủ năng lượng, ít nhất là 35 Kcal/ngày. Đủ vitamin và các yếu tố vi lượng khác đặc biệt là sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin B6 là phức hợp chống thiếu máu cần bổ sung cho bữa ăn.

Các loại thực phẩm giàu sắt và các vitamin kể trên bao gồm: thịt đỏ, tôm, cá, hải sản, động vật có vỏ (nghêu, hàu), sữa, thịt gà, cua….

Ăn giảm muối, hạn chế muối ở mức 2 - 4 g/ngày (một thìa cà phê muối tương ứng với 5 gram muối). Hạn chế các loại thức ăn giàu kali như: rau dền, na, đu đủ, chuối chín, mít chín, các loại hoa quả có múi (bưởi, cam, quýt ngọt…)…

Giảm thức ăn giàu phosphate như: trứng, phủ tạng động vật, thịt hộp, đồ ăn chế biến sẵn… Tăng thức ăn giàu calci: sữa, cá, sụn… Đảm bảo cân bằng muối, nước, ít toan. Nước uống vừa đủ, tương ứng với lượng nước đái ra, ít hơn nếu có phù, nhiều hơn nếu mất nước (tiêu chảy, mất dịch…).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư