Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 20/4: Dị ứng thuốc nguy hiểm thế nào?
D.Ngân - 20/04/2024 10:18
 
Bệnh nhân nữ tại Hà Nội sốt cao liên tục, nuốt khó do loét niêm mạc họng, ban đỏ thẫm màu có bọng nước dày đặc toàn thân, mắc hội chứng hiếm gặp do dị ứng thuốc.

Chú ý các dấu hiệu dị ứng thuốc

Chị Đinh Huyền (Long Biên, Hà Nội) điều trị đau dây thần kinh số 5 bằng thuốc Tegretol, sau 3 tuần dùng thuốc xuất hiện tình trạng đau họng, nuốt vướng, sốt, khám tại cơ sở y tế khác xác định có nhiều nhân trong họng, điều trị không đỡ.

Ảnh minh họa.

Hai ngày sau, tình trạng nặng nề do đau họng tăng, mặt phù, môi nề, mắt sụp, ban đỏ kèm bọng nước từ bụng lên ngực, lưng, 2 cánh tay, 2 chân, loét miệng và bộ phận sinh dục.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thùy Ninh, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, sau khi khai thác bệnh sử, thuốc đang điều trị, thực hiện các xét nghiệm và kết luận người bệnh dị ứng thuốc nặng dẫn tới mắc hội chứng Stevens - Johnson hiếm gặp (tỷ lệ mắc 2/1.000.000 người).

Chị Huyền được chỉ định dùng thuốc tiêm tĩnh mạch, bù dịch kết hợp phác đồ dinh dưỡng cá thể hóa, sau 10 ngày các vết loét se dần, họng hết đau, sức khỏe ổn định.

Dị ứng thuốc là phản ứng quá mức, bất thường, có hại cho người bệnh khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc, do đã có giai đoạn mẫn cảm và gây ra những phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân. Biểu hiện dị ứng thuốc là nổi mày đay; ban đỏ; phù, bọng nước… Dị ứng thuốc nặng là nguyên nhân gây ra Hội chứng Stevens- Johnson

Khi mắc hội chứng Stevens – Johnson, người bệnh thường có các biểu hiện mệt mỏi, ngứa khắp người, cảm giác nóng ran, sốt cao, ban đỏ, các bọng nước trên da, loét hốc tự nhiên như mắt, miệng, họng, bộ phận sinh dục.

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh có khả năng loét tăng, tổn thương da nặng lên nguy cơ nhiễm trùng, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong.

Sau 5 ngày người bệnh hồi phục được 70% tổn thương. Bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng phối hợp lên phác đồ chế độ ăn mềm cho người nuốt khó đảm bảo đủ dinh dưỡng cho người bệnh.

Bác sĩ Ninh khuyến cáo khi có những triệu chứng sốt, ban đỏ, bọng nước, loét miệng, bộ phận sinh dục, loét da… cần tới bệnh viện khám ngay. Phát hiện sớm giúp điều trị dị ứng thuốc trở nên dễ dàng hơn; tránh biến chứng nguy hiểm, chi phí tốn kém.

Điều trị dị ứng thuốc cần lưu ý chăm sóc tránh làm vỡ bọng nước gây tổn thương da nặng hơn, nguy cơ nhiễm trùng, sốc nhiễm khuẩn cho bệnh nhân, đặc biệt cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Còn ttheo các bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng như hội chứng TEN cần được điều trị và theo dõi chặt tại bệnh viện chuyên khoa, nằm trong phòng riêng cách ly, chăm sóc da đặc biệt để giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc.

Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương da lan tỏa sẽ gây đau rát, mệt mỏi, tổn thương niêm mạc miệng gây khó khăn trong ăn uống, tổn thương da hoại tử diện rộng gây mất nước, mất dịch qua da và rất dễ nhiễm khuẩn da, gây nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Để giảm và tránh nguy cơ dị ứng thuốc, các bác sỹ khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thuốc khi có bệnh, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sỹ khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp, đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ dị ứng thuốc như khó thở, đau bụng, nổi ban đỏ, sẩn phù, bọng nước... nên dừng ngay thuốc đang uống và đi khám lại.

Các chuyên gia y tế cho hay, kháng sinh chỉ sử dụng khi bị bệnh nhiễm khuẩn và được bác sỹ chỉ định dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ gây nhiều tác hại.

Người bệnh không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng thuốc, thời gian, những thức ăn kiêng kỵ, chống chỉ định với thuốc, từ đó dễ gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra. Đó là chưa kể, việc điều trị tại nhà kéo dài không đúng bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây tốn kém kinh tế

Việc mua, dùng thuốc kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ và dùng không đủ liều có thể gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Hậu quả của việc kháng thuốc kháng sinh rất nghiêm trọng, có nhiều trường hợp các liệu pháp điều trị người mắc bệnh do nhiễm khuẩn sẽ không còn hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Ngoài ra, việc tự ý dùng thuốc giảm đau cũng tai hại không kém. Thuốc giảm đau khiến bệnh nhân tưởng bệnh đã đỡ, nhưng thực ra bệnh vẫn tiến triển và hậu quả không thể lường hết được do chậm trễ trong việc mổ cấp cứu đối với các bệnh như viêm ruột thừa, viêm tụy cấp.

Một số thuốc có thể gây dị ứng, thậm chí gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Có thuốc dùng lâu ngày sẽ dẫn đến nguy cơ gây loãng xương, cao huyết áp..., nhất là các thuốc corticoid dùng để trị đau nhức.

Bởi vậy, khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh, cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng, hiệu quả, tránh dẫn đến những hậu quả, biến chứng đáng tiếc.

Tiêm filler làm đẹp, một thiếu phụ bị biến chứng nghiêm trọng

Theo ThS.Tạ Thị Hà Phương, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân nữ (SN 1987, Hà Nội), sau khi tiêm filler vùng mũi - má 4 ngày trước tại một cơ sở của người quen. 

1h ngay sau tiêm, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau vùng tiêm kèm dấu hiệu thiểu dưỡng xung quanh vùng cánh mũi, sống mũi, lan ra quanh miệng bên trái và một phần vùng trán.

Sau đó bệnh nhân tự tiêm thuốc tan tại spa, nhưng  tình trạng này không được cải thiện mà còn xuất hiện thêm mụn nước xung quanh vị trí tiêm.

Theo ThS.BS Tạ Thị Hà Phương, bệnh nhân đã đến khám tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương sau khi các biểu hiện nặng lên, được chẩn đoán biến chứng tắc mạch sau tiêm filler do kỹ thuật tiêm không đúng kỹ thuật bởi người tiêm không có chuyên môn.

Đây là biến chứng hay gặp gần đây với những người tiêm filler ở cơ sở không uy tín. Các bác sĩ tại khoa đã điều trị kháng sinh, chăm sóc tại chỗ cùng hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.

BS cũng khuyến cáo, việc lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín, có chuyên môn đã được thẩm định bởi các cơ quan có thẩm quyền, sử dụng những loại thuốc tiêm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng cho phép sử dụng rõ ràng là rất quan trọng để tránh gặp phải các biến chứng khó lường khi tiêm filler.

Sự lựa chọn kỹ càng này không chỉ mang lại kết quả làm đẹp tốt mà còn đảm bảo an toàn và tránh xa khỏi các biến chứng không mong muốn. 

Filler là một biện pháp thẩm mỹ nội khoa được thế giới công nhận, giúp làm đầy khiếm khuyết trên khuôn mặt như trũng mắt, trũng lệ, hõm thái dương, cằm ngắn, cằm lẹm… để gương mặt đầy đặn, tròn trịa hơn.

Ngoài ra, phương pháp này giúp chị em phụ nữ vào tuổi lão hóa điều trị da mặt nhăn, làm da căng bóng. Nhiều người nghe theo quảng cáo đã đến các cơ sở làm đẹp để tiêm filler trẻ hoá.

Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ sở làm đẹp đều đảm bảo chất lượng và an toàn. Bên cạnh những cơ sở có chuyên môn, có kiểm định, vẫn tồn tại nhiều cơ sở "chui" với kỹ thuật viên không được đào tạo bài bản, thậm chí không có kiến thức về y học, làm việc một cách không an toàn, đã để lại hậu quả đáng tiếc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư