Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 22 tháng 02 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 21/2: Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm
D.Ngân - 21/02/2025 09:55
 
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ban hành Công văn số 271/ATTP-NĐTT về việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn trong năm 2025.

Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm

Trong năm 2024, cả nước ghi nhận 135 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến 4.936 người mắc và 24 người tử vong. So với năm 2023, số vụ ngộ độc tăng 10 vụ, số người mắc tăng 2.787 người, nhưng số người tử vong giảm 4 người.

Đặc biệt, có 31 vụ ngộ độc quy mô lớn, mỗi vụ có trên 30 người mắc, chủ yếu xảy ra tại bếp ăn tập thể và các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Một số cơ sở bán thức ăn với số lượng lớn nhưng chưa được kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm.

Ảnh minh họa.

Để nâng cao công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh triển khai một số biện pháp quan trọng sau:

Xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm: Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại các khu vực trọng điểm như bếp ăn tập thể tại trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất và các cơ sở thức ăn đường phố.

Phòng ngừa ngộ độc do thực phẩm có độc tố tự nhiên: Cần chú trọng phòng ngừa ngộ độc từ các động thực vật có chứa độc tố tự nhiên như nấm độc, cóc, cá nóc, nhộng ve sầu, rượu có chứa methanol…

Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm: Các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần được giám sát chặt chẽ. Đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình. Các bữa ăn lưu động, tiệc cưới, đám giỗ đông người cũng cần được kiểm soát.

Xử lý nghiêm vi phạm: Kiên quyết đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Các vi phạm sẽ được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để cảnh báo cộng đồng.

Tăng cường thông tin truyền thông: Cần phối hợp với các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, báo chí địa phương để tăng cường tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Đặc biệt chú trọng vào các thông tin cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại cơ sở.

Nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm: Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đặc biệt về "5 chìa khóa để có thực phẩm an toàn" theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.

Biểu dương các điển hình tiên tiến: Tuyên truyền, biểu dương các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất thực phẩm an toàn, đồng thời phê phán các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại sức khỏe cộng đồng.

Chuẩn bị phương án xử lý sự cố: Các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng và trang thiết bị để xử lý hiệu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ: Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 và Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 về việc phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các Sở Y tế, Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai các biện pháp trên và báo cáo kết quả thực hiện về Cục để tổng hợp và báo cáo Bộ Y tế.

Tôn vinh 227 cán bộ y tế Thủ đô xuất sắc trong đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh

Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị nhằm tôn vinh các Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, và các cán bộ y tế Thủ đô tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025).

Theo báo cáo của Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn và thách thức, công tác y tế tại Thủ đô trong năm 2024 vẫn đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của thành phố.

Không chỉ chú trọng phát triển chuyên môn, ngành Y tế Hà Nội còn đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ, nhân viên y tế. Theo khảo sát và đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh do Bộ Y tế thực hiện tại các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Hà Nội, hơn 80% người bệnh và người nhà họ đã bày tỏ sự hài lòng về tinh thần và thái độ phục vụ của các cán bộ y tế.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành Y tế Hà Nội năm 2025, chia làm hai đợt: Đợt 1 từ tháng 1 đến ngày 30/6/2025 và Đợt 2 từ ngày 1/7 đến 31/12/2025.

Các phong trào thi đua tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, sáng tạo trong công việc, áp dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu là hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và thành phố trong năm 2025.

Thay mặt Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chánh kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Y tế Thủ đô tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, vượt qua khó khăn và thách thức, phát huy truyền thống, sức mạnh đoàn kết để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, chuyên môn của ngành.

Ông cũng nhấn mạnh: "Nghề y là nghề cao quý, được xã hội tôn vinh. Đó vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao, đòi hỏi mỗi cán bộ y tế, dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, cũng phải không ngừng học hỏi, rèn luyện y đức, nâng cao y thuật, tham gia hiệu quả vào các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: 'Lương y như từ mẫu', 'Thầy thuốc như mẹ hiền'..."

Nhân dịp này, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đã tôn vinh và khen thưởng 227 cán bộ y tế Thủ đô tiêu biểu, những người có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua năm 2024, đặc biệt là phong trào "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh".

Đề xuất 18 khung tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng để phục vụ khám chữa bệnh tốt hơn

Ngày 21/02/2025, Cục Quản lý Khám chữa bệnh tổ chức cuộc họp với các chuyên gia từ các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các Hội chuyên ngành về việc xây dựng khung Tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng trong khám chữa bệnh. Đây là một trong những bước quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, với mục tiêu hướng tới việc làm người bệnh là trung tâm của mọi hoạt động.

Theo Điều 58 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, tiêu chuẩn chất lượng bao gồm các yêu cầu về quản lý và chuyên môn kỹ thuật, nhằm đánh giá chất lượng dịch vụ kỹ thuật, từng chuyên khoa, hoặc toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động. Bộ Y tế sẽ ban hành các tiêu chuẩn chất lượng cơ bản, tiêu chuẩn chất lượng nâng cao và các tiêu chuẩn chất lượng cho từng chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật.

Phát biểu tại cuộc họp chiều 20/2, TS.BS Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết Cục đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ hướng dẫn và triển khai các Tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng.

Các tiêu chuẩn này được xây dựng cho từng bệnh, dịch vụ kỹ thuật hoặc chuyên khoa, nhằm đo lường và đánh giá chất lượng điều trị. Mỗi tiêu chuẩn sẽ là một khuyến cáo tổng quát, kết hợp giữa thông tin định tính và định lượng, với các chỉ số để xác định chất lượng đạt yêu cầu hay không.

Tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng sẽ bao trùm các yếu tố liên quan đến bệnh, từ chẩn đoán, xét nghiệm, thăm dò chức năng, đến điều trị, tư vấn, chăm sóc và phòng ngừa tái phát. Các yếu tố liên quan đến cơ sở vật chất, thiết bị và nhân lực cũng sẽ được đánh giá và đo lường. Một số yếu tố này có thể được đánh giá riêng biệt hoặc lồng ghép vào các tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng.

TS Lương cho biết hiện Cục Quản lý Khám chữa bệnh đang xây dựng 18 khung tiêu chuẩn chất lượng để các chuyên gia đóng góp ý kiến, bao gồm các lĩnh vực như: Cơ sở hạ tầng, Thiết bị, Nguồn nhân lực, Xây dựng hướng dẫn/phác đồ điều trị, Giám sát thực hiện, Quy trình kỹ thuật, An toàn người bệnh, Chăm sóc người bệnh, Tôn trọng quyền con người, Phục hồi chức năng...

GS.TS Đỗ Tất Cường, Phó Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc, nhấn mạnh rằng bên cạnh 83 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bệnh viện, tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng sẽ là yếu tố cốt lõi giúp hoạt động khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

GS.TS Nguyễn Văn Chi, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng việc xây dựng khung tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng là một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý chất lượng. Việc lượng hóa chất lượng lâm sàng, như trong chuyên ngành đột quỵ, đã giúp nâng cao chất lượng điều trị.

Các chuyên gia cũng thống nhất cho rằng việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng là một công cụ cần thiết để đo lường và cải thiện chất lượng lâm sàng.

Các chỉ số mức độ đánh giá trong mỗi khung tiêu chuẩn sẽ giúp triển khai và thực hiện dễ dàng hơn. Đồng thời, việc phối hợp với các Hội chuyên khoa và cập nhật các hướng dẫn, khuyến cáo mới nhất về tiêu chuẩn lâm sàng sẽ giúp đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong nước và hội nhập quốc tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư