Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 22 tháng 08 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 22/8: Hoàn thành phần mềm sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID
D.Ngân - 22/08/2024 09:41
 
Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng phần mềm Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Đã có hơn 26 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử VneID theo định dạng mới

Báo cáo của Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến cho biết, đến nay có 26,6 triệu hồ sơ có thể lập sổ sức khỏe điện tử VNeID theo chuẩn định dạng dữ liệu mới.

Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng phần mềm Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID; cùng với đó là phối hợp với Bộ Công an tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.

Đồng thời, báo cáo Chính phủ về việc thí điểm các cơ sở khám bệnh chữa bệnh chữa ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gửi dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức yêu cầu Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thống nhất với Trung tâm Công nghệ thông tin, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Việt Nam để kịp thời trích xuất dữ liệu phục vụ tích hợp hiển thị Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, trong đó sẽ sử dụng mã định danh của bác sĩ trong trường thông tin của bác sĩ trong sổ sức khỏe điện tử.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối xây dựng hướng dẫn sử dụng Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID.

Thứ trưởng yêu cầu phải tích hợp giấy chuyển tuyến và giấy hẹn tái khám, tham mưu lãnh đạo Bộ Y tế về vấn đề pháp lý của chữ ký số, tháo gỡ vướng mắc trong giấy hẹn tái khám hiện nay đang để thủ trưởng đơn vị ký xác nhận, nên để bác sĩ chủ động hẹn để phù hợp với vấn đề chuyên môn.

Cùng đó, hoàn thiện thủ tục pháp lý, đưa khái niệm Sổ sức khỏe điện tử vào thông tư quy định về hồ sơ bệnh án mà Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đang xây dựng.

Thứ trưởng cũng đề cập đến việc thành lập tổ công tác theo dõi, thúc đẩy việc xây dựng, triển khai Sổ Sức khỏe điện tử.

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm tổ trưởng phối hợp với Trung tâm thông tin y tế quốc gia, Vụ BHYT tham gia giao ban cùng C06 Bộ Công An trong các cuộc họp rút kinh nghiệm với 7 tỉnh đang triển khai thí điểm để trong tháng 10/2024 các đơn vị phối hợp tổ chức hội nghị về Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID để tiếp tục tuyên truyền, phổ biến tới người dân và hệ thống y tế.

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tiếp tục xử phạt các quảng cáo mỹ phẩm khi chưa được cấp phép và quảng cáo thực phẩm bổ sung không phù hợp với tài liệu đã được quy định.

Điểm mới về quy định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Tại báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế lần 2 đang lấy ý kiến rộng rãi và sẽ kết thúc vào ngày 12/10 tới đây, trong nội dung về điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn, Bộ Y tế đề xuất quy định tỷ lệ hưởng bảo hiểm y tế 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng đối với một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao hơn theo quy định của Bộ Y tế.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, quy định sẽ giúp tiết kiệm chi cho quỹ bảo hiểm y tế do người bệnh không phải khám nhiều lần ở cấp dưới và khám lại ở cấp trên.

Theo danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo bao gồm 42 loại bệnh như ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt..., nếu như với đề xuất trên, người mắc các bệnh trong danh mục sẽ không cần phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng tối đa chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất quy định người bệnh mắc các bệnh mạn tính khi chuyển về cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu quản lý, sẽ được cấp phát thuốc chuyên khoa, thuốc sử dụng ở cấp chuyên môn cao hơn.

Đồng thời được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo tỷ lệ 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề xuất mở rộng độ tuổi được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế trong điều trị tật về mắt (lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt) đối với người dưới 18 tuổi.

Theo quy định hiện hành, Quỹ Bảo hiểm y tế chỉ thanh toán chi phí này với trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, theo đánh giá, điều này chưa phù hợp về chuyên môn.

Lý do được Bộ Y tế đưa ra là tuổi được chỉ định kỹ thuật này thường trên 6-18 tuổi mới bảo đảm hiệu quả. Vì thế, từ khi ban hành Luật Bảo hiểm y tế (hiệu lực từ năm 2009) đến nay, hầu như không có trẻ em được hưởng quy định này.

Bổ sung hơn 400 tỷ đồng để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế. Theo đó, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành việc bổ sung dự toán chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình năm 2024 cho Bộ Y tế là hơn 424 tỷ đồng để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng.

Năm tháng đầu năm 2024, trong 11 loại vắc-xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ có 3 loại tiêm đạt chỉ tiêu, còn 8 loại vắc-xin chưa đạt chỉ tiêu đề ra trong tiêm chủng.

Hiện nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng đang triển khai tiêm chủng vắc xin để phòng 11 bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm bao gồm viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Haemophilus influenzae tuýp B, sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota.

Về kết quả tiêm chủng mở rộng theo Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng chưa đạt tiến độ, chỉ có vắc-xin phòng lao, vắc-xin sởi và vắc xin DPT đạt tiến độ theo kế hoạch.

Cụ thể, trong kế hoạch tiêm chủng mở rộng chỉ tiêu đặt ra đối với 11 loại vắc-xin trong 5 tháng đạt 37,5% đến 39,6% và trong năm nay là trên 90% đến 95%.

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm hiện chỉ có ba loại vắc-xin phòng lao, vắc-xin sởi và vắc-xin DPT đạt tiến độ theo kế hoạch. Trong đó cao nhất là tỷ lệ tiêm vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) đạt 40,6%.

Còn lại 8 loại vắc-xin không đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó thấp nhất là tỷ lệ tiêm và uống vắc-xin bại liệt chỉ triển khai được dưới 30%.

Mới đây, trong văn bản đề nghị các địa phương tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa hè, Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin, chưa tiêm đủ mũi. Vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích tiêm vắc xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.

Muôn kiểu trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế
Tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn, rõ nhất là âm quỹ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư