Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 17 tháng 06 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 25/5: Tuổi thọ trung bình dân số thế giới đã giảm
D.Ngân - 25/05/2024 09:20
 
Theo thông cáo báo chí toàn cầu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa phát đi, từ năm 2019 đến năm 2021, tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm tới 1,8 năm và tuổi thọ khỏe mạnh giảm tới 1,5 năm.

Gánh nặng của bệnh không lây nhiễm

Theo WHO, sự sụt giảm này đã xóa bỏ một thập kỷ tiến bộ về tuổi thọ, đẩy tuổi thọ trung bình xuống còn 71,4 năm, tuổi thọ khỏe mạnh xuống 61,9 năm, tương đương mức của năm 2012. Đại dịch Covid-19 có liên quan lớn nhưng không phải nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà là nhóm bệnh không lây nhiễm.

Theo thông cáo báo chí toàn cầu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa phát đi, từ năm 2019 đến năm 2021, tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm tới 1,8 năm và tuổi thọ khỏe mạnh giảm tới 1,5 năm.

Báo cáo Thống kê Y tế thế giới 2024 cũng nêu bật những tác động được cảm nhận không đồng đều trên toàn thế giới. Trong đó, các khu vực dịch tễ Châu Mỹ và Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tuổi thọ giảm khoảng 3 năm và tuổi thọ khỏe mạnh giảm 2,5 năm trong những năm 2019 - 2021.

Ngược lại, khu vực dịch tễ Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng tối thiểu trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, với mức giảm tuổi thọ dưới 0,1 năm và tuổi thọ khỏe mạnh giảm 0,2 năm.

Khu vực dịch tễ vốn có sự khác biệt với khu vực địa lý. Trong đó, Việt Nam được WHO xếp vào khu vực Tây Thái Bình Dương, là khu vực ít bị ảnh hưởng nhất này.

Tuổi thọ là số năm sống đơn thuần, trong khi tuổi thọ khỏe mạnh là số năm một người có thể sống khỏe mạnh và độc lập, tức không bị hạn chế về khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày do bệnh tật hoặc suy giảm chức năng.

Tuổi thọ trong thập kỷ qua sụt giảm mạnh, chủ yếu trong giai đoạn 2019 - 2021 xảy ra đại COVID-19. Đại dịch này là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 3 trên toàn cầu vào năm 2020 và thứ 2 vào năm 2021. Gần 13 triệu người đã thiệt mạng trong giai đoạn này.

Các ước tính mới nhất tiết lộ rằng ngoại trừ khu vực châu Phi và Tây Thái Bình Dương, COVID-19 nằm trong số 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nơi khác, đặc biệt trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở châu Mỹ trong cả 2 năm 2020 - 2021.

Tuy vậy, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở mọi khu vực vẫn là bệnh không lây nhiễm (NCD). Các bệnh nổi trội nhất, gây tử vong nhiều nhất trong nhóm NCD bao gồm bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh Alzheimer và các chứng mất trí nhớ khác, bệnh tiểu đường.

NCD là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trước đại dịch, gây ra 74% tổng số ca tử vong năm 2019. Ngay cả trong thời kỳ đại dịch, các bệnh không lây nhiễm vẫn tiếp tục chiếm 78% số ca tử vong không do Covid-19.

Ngoài ra, thế giới phải đối mặt với một vấn đề lớn và phức tạp là gánh nặng kép về suy dinh dưỡng, trong đó suy dinh dưỡng cùng tồn tại với thừa cân và béo phì.

Vào năm 2022, hơn 1 tỉ người từ 5 tuổi trở lên sống chung với bệnh béo phì, trong khi hơn nửa tỉ người bị thiếu cân. Các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng này cũng góp phần gây gia tăng về số ca và làm trầm trọng thêm nhóm bệnh không lây nhiễm.

Nhập viện tâm thần vì ăn uống

Thông tin từ Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, mới đây cơ sở tiếp nhận nữ sinh viên đến khám do ăn uống vô độ.

Người bệnh sinh ra và lớn lên trong gia đình có điều kiện khá giả, có học lực giỏi. Qua quá trình tiếp xúc, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân là người dễ xúc động, yêu bản thân. Theo chia sẻ của nữ sinh, năm cuối lớp 12, em có yêu một bạn nam nhưng bị từ chối vì béo.

Từ khi bị bạn nam từ chối, nữ sinh đã tìm mọi cách để thay đổi bản thân nhằm chinh phục được bạn trai. Khi vào đại học, nữ sinh giảm cân bằng cách ăn duy trì 2 bữa/ngày liên tục trong 6-7 tháng.

Kết quả nữ sinh đã giảm được 8kg. Do giảm cân nhiều, bệnh nhân cảm thấy hình thể quá gầy nên bắt đầu ăn nhiều hơn. Bệnh nhân thích ăn thức ăn giàu năng lượng, tuy nhiên sau những bữa ăn như vậy, em bắt đầu cảm thấy hối hận.

Số lượng cơn thèm ăn của bệnh nhân ngày càng tăng lên, nên tìm mọi cách để ăn nhiều hơn. Sau mỗi bữa ăn giàu năng lượng, bệnh nhân dùng thuốc nhuận tràng và nhịn ăn.

Trung bình mỗi tuần nữ sinh xuất hiện 3-4 cơn thèm ăn, kể cả vào ban đêm. Bệnh nhân mệt mỏi, không thể đi học, tâm trạng bi quan, chán nản, ít tiếp xúc với mọi người, dễ cáu gắt, kết quả học tập kém… Lúc này người nhà mới đưa bệnh nhân tới bệnh viện khám.

Kết quả khám bệnh cho thấy bệnh nhân mắc chứng ăn vô độ tâm thần. Bệnh nhân đã được sử dụng thuốc chống trầm cảm, điều trị nội trú một tháng và giảm các cơn thèm ăn uống. Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân hết cơn thèm ăn, cảm xúc ổn định.

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Anh, Phó Phòng điều trị Rối loạn cảm xúc và ăn uống, chứng cuồng ăn vô độ tâm thần, còn gọi là bệnh ăn vô độ tâm thần, là tình trạng được đặc trưng bởi các giai đoạn ăn uống vô độ, không kiểm soát, lặp đi lặp lại, theo sau đó là các hành vi để tránh tăng cân như tự đào thải thức ăn bằng cách gây nôn mửa, dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu, tập thể dục quá mức.

Người bệnh ăn vô độ tâm thần hầu hết đều có ít nhất một rối loạn tâm thần khác đi kèm như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn tâm thần do sử dụng chất, rối loạn nhân cách, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ám ảnh nghi thức…

Bệnh ăn vô độ tâm thần ảnh hưởng đến khoảng 1,6% trẻ vị thành niên nữ, phụ nữ trẻ và 0,5% nam giới trong độ tuổi tương đương. Không giống như đa số trường hợp chán ăn thần kinh, những người mắc chứng cuồng ăn vô độ tâm thần thường có cân nặng bình thường hoặc cao hơn bình thường.

Tin mới về y tế ngày 21/5: Covid-19 lấy đi hơn 336 triệu năm tuổi thọ; Thêm 3 trường hợp ngộ độc Botulinum
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 14,9 triệu người đã tử vong do các lý do liên quan Covid-19, qua đó rút ngắn 336,8 triệu năm tuổi thọ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư