Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 28 tháng 10 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 27/10: Cập nhật những tiến bộ về chăm sóc vết thương
D.Ngân - 27/10/2024 07:42
 
Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy hàng năm có khoảng 4 triệu lượt người bệnh có phẫu thuật và xu hướng người bệnh có phẫu thuật tăng dần.

Cập nhật các tiến bộ khoa học trong chăm sóc vết thương cho người bệnh

Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam (AVN) vừa phối hợp với Trường đại học Điều dưỡng Nam Định tổ chức Diễn đàn cập nhật những tiến bộ về chăm sóc vết thương lần thứ nhất.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy hàng năm có khoảng 4 triệu lượt người bệnh có phẫu thuật và xu hướng người bệnh có phẫu thuật tăng dần.

Bộ Y tế đang chỉnh sửa Bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện thành Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện Việt Nam, trong đó sẽ bổ sung tiêu chí quản lý và chăm sóc vết thương để chất lượng chăm sóc người bệnh càng được nâng cao.

Điển hình tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chỉ trong năm 2022 có tới 80.000 người bệnh được phẫu thuật, tại Bệnh viện Trung ương Huế có tới 50.000 ca phẫu thuật trong năm 2023.

Còn ở Bệnh viện Chợ Rẫy bình quân có 42.000 phẫu thuật/năm, Bệnh viện K có trên 20.000 phẫu thuật/năm, Bệnh viện Từ Dũ trung bình có 50.000 ca phẫu thuật/năm.

Không chỉ vết thương do phẫu thuật mà còn nhiều loại vết thương khác do bệnh lý toàn thân phối hợp như vết thương liên quan tới chấn thương do tỳ đè, vết thương bàn chân ở người bệnh tiểu đường, vết thương do bỏng nhiệt và hóa chất.

Bên cạnh số liệu phẫu thuật từ các cơ sở khám, chữa bệnh, còn có các chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt và tai nạn giao thông.

Theo báo cáo của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia công bố 6 tháng đầu năm 2024, bình quân mỗi ngày có 30 người tử vong và 45 người gặp các chấn thương do tai nạn giao thông.

Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục cho biết, để nâng cao chất lượng điều trị, rút ngắn ngày điều trị, giảm chi phí y tế, giúp người bệnh có vết thương phức tạp được giảm đau, mau lành đòi hỏi một phương pháp tiếp cận mang tính toàn diện và hệ thống từ bước đánh giá vết thương, chẩn đoán và phân loại vết thương và quản lý vết thương được áp dụng thống nhất giữa các chuyên gia và chuyên khoa lâm sàng.

Còn theo TS.Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, trong thời qua, Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam đã đóng góp tích cực sự phát triển của hệ thống Y tế Việt Nam, tích cực tham gia xây dựng Hướng dẫn điều trị và chăm sóc điều dưỡng của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đang chỉnh sửa Bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện thành Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện Việt Nam, trong đó sẽ bổ sung tiêu chí quản lý và chăm sóc vết thương để chất lượng chăm sóc người bệnh càng được nâng cao.

Quan sát dấu hiệu rối loạn tâm lý ở trẻ

Theo TS.Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, độ tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc thường khiến trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh.

Trẻ trong giai đoạn chưa phải là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con, vừa muốn tự chủ nhưng lại đang sống phụ thuộc vào bố mẹ.

Vì vậy, trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi với các mối quan hệ và những vấn đề khác trong cuộc sống. Nếu cha mẹ không nắm bắt được kiến thức về tâm lý lứa tuổi này thì sẽ rất khó thấu hiểu các con.

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường trong tâm lý trẻ vị thành niên sẽ giúp ngăn chặn nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến cuộc sống sau này của trẻ.

Tùy theo mức độ nặng nhẹ, các bất thường tâm lý ở trẻ vị thành niên có thể biểu hiện bởi một số hoặc bao gồm tất cả các triệu chứng dưới đây.

Nếu những biểu hiện này kéo dài trên 2 tuần và gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập của trẻ thì cha mẹ nên cho trẻ đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc các chuyên gia tâm lý tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Cụ thể các dấu hiệu rối loạn tâm lý của trẻ vị thành niên: Trẻ thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày; rối loạn giấc ngủ hay phàn nàn về bản thân;

Ngại giao tiếp, thu mình, ít tham gia các hoạt động; giảm quan tâm, thích thú đến những điều trước đây trẻ vẫn thích; ăn uống kém, tâm trạng buồn bã hoặc tồi tệ;

Kết quả học tập sa sút, khó tập trung; nghiện rượu, thuốc lá, hành vi tình dục bừa bãi; có ý tưởng tự sát và lập kế hoạch tự sát; tự làm tổn thương cơ thể.

Cần làm gì khi bị sụp mi mắt?

Sụp mi là sự sa xuống của mi trên khi mở mắt thấp hơn vị trí bình thường (bình thường mi trên phủ rìa cực trên giác mạc 1-2mm).

Sụp mi ảnh hưởng đến cả chức năng (lâu ngày có thể gây nhược thị, giảm thị lực, biến dạng cột sống cổ, lệch cung mày, cường cơ nâng mi bên lành…) và ảnh hưởng đến tâm lý, khiến người bệnh cảm thấy mặc cảm và tự ti.

Trước hết, phải điều trị sụp mi theo nguyên nhân gây bệnh. Sau khi điều trị bệnh toàn thân ổn định (như sau điều trị bệnh nhược cơ, u não, chấn thương liệt dây thần kinh III,…) mắt vẫn còn sụp mi thì can thiệp phẫu thuật là chỉ định rõ ràng.

Điều đặc biệt quan trọng là ở trẻ em, nếu sụp mi độ III, độ IV (bờ mi trên đã che qua đồng tử của bệnh nhân), cần phải điều trị sớm từ 3 tuổi hoặc khi đủ điều kiện gây mê, đề phòng nhược thị.

Nếu sụp mi nhẹ độ I, II ít có nguy cơ nhược thị, chủ yếu ảnh hưởng thẩm mỹ thì nên cho trẻ phẫu thuật trước khi vào lớp 1 để giúp trẻ tự tin và hòa đồng với tập thể hơn.

Các phương pháp điều trị sụp mi hiện nay gồm thu ngắn cân cơ nâng mi, khâu gấp cơ nâng mi, cắt cơ Muller, cắt cơ Muller và sụn kết mạc (phương pháp này chỉ áp dụng cho sụp mi vừa và nhẹ, chức năng cơ nâng mi còn duy trì).

Treo mi bằng chỉ, silicon, cân đùi: Đây là phương phát treo tĩnh nên cử động mi không tự nhiên, gây cảm giác nặng mi, dễ tái phát.

Treo mi bằng vạt cơ trán: Ưu điểm của phương pháp là sử dụng cơ trán thay thế cho cơ nâng mi bị yếu hoặc mất chức năng, áp dụng được cho sụp mi mức độ vừa và  nặng, sụp mi tái phát sau khi phẫu thuật bằng các phương pháp khác

Ths.Nguyễn Thị Hoà, Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho hay, tại Trung tâm sử dụng kỹ thuật treo mi bằng vạt cơ trán thiết kế hình chữ C từ năm 2015 với hàng trăm bệnh nhân được phẫu thuật cho kết quả tốt, hạn chế tái phát.

Tuy nhiên theo Ths.Hòa cũng cảnh báo về một số biến chứng có thể gặp trong các phẫu thuật điều trị sụp mi như điều chỉnh quá mức hoặc chưa đủ, không cân xứng 2 bên, hở mi đẫn đến viêm loét giác mạc, lật mi hoặc quặm mi, bờ mi gập góc (cong không bình thường), nếp mi không đẹp,...

Để hạn chế những biến chứng này, bệnh nhân cần tìm đến những cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ, được khám trước mổ cẩn thận, phẫu thuật và theo dõi sau mổ bởi các phẫu thuật viên có kinh nghiệm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư