Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 29/2: Cảnh báo nguy hiểm của bệnh sỏi niệu quản
D.Ngân - 29/02/2024 11:05
 
Sỏi niệu quản nếu không được điều trị sẽ gây biến chứng nguy hiểm như giãn đài bể thận ứ nước gây mất chức năng thận, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm thận bể thận. Đột nhiên đau bụng đi khám bất ngờ nhập viện cấp cứu.

Không chủ quan với dấu hiệu bệnh

Cách vào viện 3 giờ, bệnh nhân đột ngột xuất hiện cơn đau bụng dữ dội mạn sườn trái, đau lan sang thắt lưng trái, xuống tiết niệu sinh dục, kèm theo tiểu dắt, nước tiểu hồng, buồn nôn nhưng không nôn, không sốt, đại tiện bình thường.

Ảnh minh họa.

BSCKI.Hoàng Minh Toại, chuyên khoa Hồi sức Cấp cứu cho hay, khi vào viện toàn thân các chỉ số sinh tồn bình thường, bụng mềm chướng nhẹ, phản ứng thành bụng (+) vùng mạn sườn trái, ấn điểm niệu quản trái 1/3 giữa đau nhói.

Với chẩn đoán sơ bộ theo dõi sỏi niệu quản trái/ sỏi thận hai bên, bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm máu, tổng phân tích nước tiểu và siêu âm ổ bụng, X-quang hệ tiết niệu.

Kết quả xét nghiệm có số lượng bạch cầu 10,18G/L, % bạch cầu đa nhân trung tính 70%, thiếu máu nhẹ hồng cầu nhỏ nhược sắc Hb: 119 g/l, MCV:83fL MCH: 27pg, chức năng thận Ure: 3,4 mmol/L, Cre: 76 umol/L, CRP 0,94mg/L, đặc biệt hồng cầu niệu tăng cao 200Ery/uL (3+).

Siêu âm ổ bụng có bất thường tại thận trái: đài bể thận trái giãn độ II, đường kính trước sau 14mm, không có sỏi.

Niệu quản đoạn 1/3 trên giãn đường kính 13mm, đoạn trước bắt chéo động mạch chậu đường kính 5,6mm, đoạn bắt chéo động mạch chậu nghi ngờ có sỏi kích thước 4x5mm.

Bệnh nhân được chỉ định Chụp (CT) cắt lớp vi tính hệ tiết niệu có tiêm thuốc cản quang, kết quả có hình ảnh giãn đài bể thận - niệu quản trái do sỏi niệu quản đoạn ngay chỗ bắt chéo động mạch chậu. Thận trái ngấm thuốc đều, bài xuất thuốc chậm. Sỏi nhỏ thận phải.

Mặc dù cách đây 6 tháng, đã phát hiện sỏi niệu quản phải 1/3 dưới - sỏi thận 2 bên, nhưng bệnh nhân và gia đình vô cùng bất ngờ với chẩn đoán: Đài bể thận trái giãn ứ nước độ II do sỏi niệu quản trái 1/3 giữa - Sỏi thận phải Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc.

Bệnh nhân được xử trí dùng thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ tại phòng khám. Sau 3 giờ dùng thuốc bệnh nhân đỡ đau bụng, còn tiểu buốt dắt, nước tiểu hồng.

Tuy nhiên, để tránh các biến chứng nguy hiểm như giãn đài bể thận gây ứ nước mất chức năng thận, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm thận bể thận, bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Sau 5 ngày điều trị nội khoa, bệnh nhân “vui như Tết” vì đã chấm dứt các cơn đau đớn hành hạ và sỏi niệu quản đã di chuyển ra ngoài theo đường nước tiểu mà không phải can thiệp phẫu thuật.

Sỏi niệu quản là bệnh lý thường gặp tại đường tiết niệu. Sỏi được hình thành ở thận và di chuyển xuống niệu quản, sau đó dừng lại ở các vị trí hẹp tự nhiên của niệu quản, hoặc do bất thường cấu trúc giải phẫu của hệ bài xuất.

Đa phần sỏi niệu quản có kích thước nhỏ hơn 5mm, có thể di chuyển theo nước tiểu xuống bàng quang và đi ra ngoài một cách tự nhiên.

Tuy nhiên, những trường hợp sỏi lớn hoặc sỏi nhỏ nhưng góc cạnh sắc nhọn, không thể di chuyển qua niệu quản, mặc dù đã được điều trị nội khoa tích cực, những trường hợp này phải được can thiệp ngoại khoa.

Sỏi niệu quản nếu không được điều trị sẽ gây biến chứng nguy hiểm như giãn đài bể thận ứ nước gây mất chức năng thận, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm thận bể thận. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Theo bác sĩ Toại, các phương pháp điều trị sỏi niệu quản được triển khai ở các cơ sở y tế hiện nay gồm chỉ định điều trị nội khoa.

Phân tích sự hợp lý trong điều trị nữ bệnh nhân này, PGS-TS.Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC chia sẻ, sỏi niệu quản nếu không được điều trị sẽ gây biến chứng nguy hiểm như ứ nước ở thận, giãn đài bể thận.

Tuy nhiên, ở bệnh nhân này, trên hình ảnh CT cho thấy sỏi niệu quản kích thước nhỏ 4x5mm, đều, trơn, nhẵn, đồng thời không thấy hình ảnh viêm niệu quản phía trên và phía dưới sỏi, chứng tỏ thành niệu quản trơn nên điều trị nội khoa sẻ trôi xuống. Thực tế ca bệnh này đúng như tiên lượng ban đầu của ê-kíp bác sĩ.

PGS-TS.Nguyễn Quốc Dũng lưu ý, những trường hợp tắc nhưng hầu như không có triệu chứng lâm sàng, do tắc mỗi ngày một ít, nước tiểu vẫn qua niệu quản, hoặc triệu chứng tức vùng thắt lưng nên không gây ra tình trạng rầm rộ.

Trường hợp của bệnh nhân gây ra triệu chứng lâm sàng rầm rộ, tức sỏi đã chạy.

Khi sỏi chạy sẽ kèm đau, kèm đái máu, thậm chí làm nhiễm trùng. Ở bệnh nhân này, dấu hiệu nổi bật là cơn đau, sỏi thận đã di chuyển.

Theo chuyên gia, nếu người dân xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ sỏi niệu quản như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, nước tiểu đục và có mủ, đau mỏi lưng… cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị.

Đặc biệt, những người có tiền sử sỏi thận cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm/ lần, hoặc đi kiểm tra ngay để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh theo chuyên gia, người dân cần có chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn tới sỏi thận và sỏi tiết niệu, vì thế người dân cần lưu ý phòng ngừa bằng chế độ ăn uống hợp lý.

Tránh xa các đồ ăn, nước uống làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận như: Thực phẩm nhiều muối, đồ ngọt, đồ ăn nhanh, chế biến sẵn.

Thực phẩm chứa nhiều protein: không nên ăn quá 150g thịt, cá mỗi ngày. Ăn ít thực phẩm chứa nhiều axit uric: Thịt ướp muối, nội tạng động vật, thịt chó…

Thực phẩm nhiều Oxalat: Socola, cao cao, đậu phộng, hạnh nhân, hạt óc chó, măng tây… Thực phẩm giàu Canxi: Sữa chua, phô mai. Chế độ thực phẩm tốt cho người mắc bệnh, cũng như giúp phòng tránh bệnh, gồm:

Trái cây chứa ít Oxalat: Cam, chanh, dứa, táo, lê, mận, xoài, kiwi… Rau củ chứa ít Oxalat: Bông cải xanh, súp lơ, khoai tây, cà rốt, đậu xanh, xà lách, dưa leo.

Nước lọc: Người bệnh nên uống đủ nước mỗi ngày để làm loãng nước tiểu và giảm nguy cơ hình thành sỏi. Lượng nước nên cân nhắc tùy thuộc vào thể trạng, thời tiết, chế độ vận động nhưng tốt nhất bảo đảm uống 2 lít/ngày.

Ngoài ra, người bệnh lưu ý luyện tập thể dục thể thao hàng ngày, tuân thủ uống theo đơn của bác sĩ.

Không lạm dụng chất làm ngọt nhân tạo

Chất làm ngọt nhân tạo là chất thay thế đường được làm từ các hóa chất chế biến thương mại dùng nhiều trong ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống như: Bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhẹ...

Các chất làm ngọt nhân tạo: Acesulfame K, aspartame, advantame, cyclamate, neotame, saccharin, sucralose, stevia và các dẫn xuất của stevia được quảng cáo như một chất thay thế lành mạnh hơn đường tinh luyện. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh tác hại tiềm ẩn của chất làm ngọt nhân tạo đối với sức khỏe con người.

Theo các nhà nghiên cứu dinh dưỡng, chất làm ngọt nhân tạo ngọt hơn đường từ 200 đến 20.000 lần. Do cơ thể con người cơ bản không có các enzym cần thiết để tiêu hóa các chất làm ngọt nhân tạo nên hầu hết không được chuyển hóa hoàn toàn và cung cấp rất ít calo hoặc hoàn toàn không được chuyển hóa, vì vậy chúng không cung cấp calo.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, việc sử dụng lâu dài các chất làm ngọt nhân tạo có thể gây ra tác dụng không mong muốn, gây bất lợi cho sức khỏe như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2 và tử vong ở người trưởng thành.

Việc sử dụng thực phẩm và đồ uống có các thành phần như saccharin, sucralose hoặc thêm chúng vào thực phẩm sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích lâu dài nào trong việc giảm mỡ cơ thể ở người lớn và trẻ em.

Các nghiên cứu cũng cho thấy lạm dụng chất làm ngọt nhân tạo có thể dẫn đến các tác dụng phụ bất lợi khác cho sức khỏe như tăng vi khuẩn có hại cho đường ruột, gây tăng cân và tăng nguy cơ béo phì, tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa...

Chất làm ngọt nhân tạo có thể là một chất thay thế ít calo hơn đường nhưng chúng ta không thể bỏ qua những tác hại tiềm ẩn của chúng đối với sức khỏe.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị, người dân có thể chọn cách làm ngọt tự nhiên lành mạnh, cân bằng, không gây hại cho sức khỏe như làm ngọt thực phẩm và đồ uống bằng mật ong, đường dừa, chà là hoặc xi-rô cây phong thay vì đường ăn và chất làm ngọt nhân tạo. Người dân cũng có thể nướng thức ăn với trái cây ngọt như chuối, táo, lê, việt quất, xoài chín.

Tin mới y tế 24/2: Điểm mặt 4 bệnh lý tai mũi họng dễ gặp vào mùa Xuân
Thời tiết Hà Nội và các tỉnh phía đang đang vào mùa xuân. Trời không còn quá lạnh nhưng những cơn mưa xuân, trời nồm thường xuyên và sự thay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư