Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 4/3: Chủ động tầm soát ung thư để phát hiện sớm bệnh
D.Ngân - 04/03/2024 11:09
 
Theo thông tin từ các cơ sở y tế, ung thư vú ngày càng trẻ hóa, nhiều trường hợp phát hiện khi mới 20 - 21 tuổi.

Chủ động tầm soát để phát hiện sớm bệnh

Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) ghi nhận Việt Nam có tới 21.555 ca mắc mới ung thư vú mỗi năm. Tỷ lệ này chiếm tới 25,8 % tổng số các bệnh ung thư ở nữ giới.

Bác sĩ đang tư vấn cho bệnh nhân về ích lợi của việc tầm soát ung thư.

Đáng lo ngại, ung thư vú ngày càng trẻ hóa, nhiều trường hợp phát hiện khi mới 20 - 21 tuổi. Tuy nhiên, do yếu tố tâm lý nên nhiều chị em còn e ngại, trì hoãn việc khám, tầm soát và bỏ lỡ cơ hội phát hiện, điều trị ở giai đoạn sớm.

Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM triển khai chương trình ưu đãi khi đăng ký khám, tầm soát ung thư vú. Qua đó, nhằm khuyến khích chị em nâng cao nhận thức, chủ động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bản thân và có cơ hội điều trị tốt nhất.

Tầm soát ung thư vú là việc kiểm tra tuyến vú để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh ở những người có nguy cơ dù chưa có triệu chứng.

Quá trình này bao gồm khám tầm soát và thực hiện các xét nghiệm liên quan, trong đó, chụp X-quang tuyến vú là phương pháp chính được sử dụng.

Việc tầm soát thường xuyên giúp phát hiện ung thư vú trước khi khối u biểu hiện trên khám lâm sàng, nhằm tăng tỷ lệ điều trị khỏi, tỷ lệ giữ tuyến vú và giảm nguy cơ tử vong do bệnh.

Hơn nữa, điều trị ung thư vú giai đoạn sớm thường không phức tạp và ít tốn kém so với giai đoạn muộn. Người bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm cũng có cơ hội được lựa chọn nhiều phương pháp, kỹ thuật điều trị ít tác dụng phụ hơn như phẫu thuật bảo tồn, không vét hạch nách, không phải xạ trị…

Phụ nữ nên được tầm soát sớm ung thư vú nếu thuộc nhóm đối tượng sau: Nhóm thứ nhất là nhóm phụ nữ nguy cơ trung bình (không có các yếu tố nguy cơ cao) cần đi tầm soát định kỳ hàng năm từ 40 tuổi trở lên bằng chụp nhũ ảnh và siêu âm vú.

Nhóm thứ hai là nhóm phụ nữ nguy cơ cao (có các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú) thì đi tầm soát sớm hơn. Các yếu tố nguy cơ cao bao gồm tiền căn mắc bệnh ung thư vú, đã từng sinh thiết vú ra kết quả sang thương tiền ung thư, hội chứng di truyền (mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2) xạ trị vùng ngực từ trước 20 tuổi, người thân trong gia đình (mẹ, chị gái, em gái,…) mắc ung thư vú…

Giải tỏa khan hiếm máu nhờ Chủ nhật Đỏ

Tính đến ngày 3/3/2024, Chủ Nhật Đỏ lần thứ 16 đã tổ chức tại 35 tỉnh, thành phố, với 69 điểm hiến máu. Số lượng máu tiếp nhận đạt 47.117 đơn vị máu.

Chủ Nhật Đỏ lần thứ XVI diễn ra từ tháng 11/2023 đến hết tháng 3/2024 trên phạm vi toàn quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, Chủ Nhật Đỏ lần thứ 16 đã tổ chức tại 35 tỉnh, thành phố, với 69 điểm hiến máu. Số lượng máu tiếp nhận đạt 47.117 đơn vị máu.

Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban Tổ chức Chủ Nhật Đỏ lần thứ XVI - năm 2024 chia sẻ, ở đâu có Chủ Nhật Đỏ thì ở đó là ngày hội. 

Cùng với Lễ hội Xuân hồng (ra đời năm 2008), Hành trình Đỏ (ra đời năm 2013), Chủ Nhật Đỏ đã trở thành những dấu ấn quan trọng trong chặng đường phát triển của phong trào hiến máu tình nguyện của Việt Nam.

16 năm, Chủ Nhật Đỏ chưa một lần lỗi hẹn và đều đặn lớn lên. Khởi phát năm 2009, đến nay, chương trình Chủ Nhật Đỏ từ Hà Nội đã lan ra các tỉnh phía Bắc, vào TP.HCN, toả xuống Đồng bằng Sông Cửu Long, dọc theo các tỉnh miền Trung, vươn tới các buôn làng Tây Nguyên.

Cũng trong 16 năm qua, những giọt máu nghĩa tình vẫn chảy từ trái tim đến trái tim, để họ - những người bệnh cần truyền máu, khát khao sự sống - có cơ hội sống, phục hồi sức khoẻ, tiếp tục lao động và cống hiên cho xã hội.

PGS-TS.Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương chia sẻ, Chủ Nhật Đỏ đã trở thành một phần không thể thiếu, đồng hành suốt nửa chặng đường 30 năm phát động hiến máu tình nguyện của nước ta, là thương hiệu nhân văn có sức tập hợp hàng trăm ngàn trái tim nhiệt huyết, để cùng nhau tạo nên ngọn lửa ấm trong những ngày đông giá rét, góp những giọt máu hồi sinh sự sống.

Ngày 24/1/2024 đánh dấu tròn 30 năm phát động hiến máu tình nguyện của nước ta. Đó là cả quá trình nỗ lực thay đổi từ nhận thức đến hành động của hàng triệu người dân Việt Nam. Nhận thức có tốt đến đâu, khoa học có tiến bộ thế nào thì cũng không thể thay thế được nguồn máu hiến tặng từ những người hiến máu thường xuyên.

"Nhận thức có tốt đến đâu, khoa học có tiến bộ thế nào thì cũng không thể thay thế được nguồn máu hiến tặng từ những người hiến máu thường xuyên" PGS-TS.Nguyễn Hà Thanh nói.

Hiến máu tình nguyện là hành động cao cả, là nghĩa cử cao đẹp thể hiện tình yêu thương con người và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Đó cũng là hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, đậm tính nhân văn, thể hiện đạo lý "Thương người như thể thương thân" của dân tộc con Lạc cháu Hồng.

NURA: Mô hình tầm soát ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện sớm nhiều bệnh
NURA là mô hình tầm soát ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI giúp phát hiện rất sớm 22 bệnh lối sống thường gặp (mỡ máu, đái tháo đường, gan nhiễm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư